TẤT CẢ TRONG MỘT, MỘT TRONG TẤT CẢ – NGHỆ THUẬT “HƯ HƯ THỰC THỰC” “TÌM THẤY CHÍNH MÌNH” “THẤY SỰ VẬT HIỆN TƯỢNG NHƯ NÓ LÀ”

0
347

Thiện Võ

Nếu như trong “tình đời” thường nghĩ rằng, việc vợ (hoặc chồng) có tình nhân hoặc yêu thầm ai khác, đó là một điều “khó khăn” hoặc tội lỗi. Nhưng người có tâm tu hay “tình đạo” thì nghĩ rằng, nhờ có duyên phận vợ hoặc chồng làm “bình phong”, mà tránh cho “người ta” theo đuổi hoặc có tình cảm với mình, và cũng tránh cho mình bị sa ngã say đắm ái dục, để mà còn thấy cuộc đời chỉ như giấc mộng đẹp.
Một cô gái hỏi người bạn:
– Anh có cách nào cho lòng an tịnh, không ham muốn vật chất nữa không? Em còn muốn biệt thự vài triệu ở Anaheim Hills, nên lòng chưa tịnh được. Em vẫn còn lăn lộn với đời, để kiếm tiền mua như ước mơ của mình…
Người bạn trả lời:
– Tâm an thì có thể kiếm tiền, mua biệt thự, mong muốn vật chất hay tình yêu, nhưng với lòng vẫn an tịnh, thì sóng bão cuộc đời hay trong tâm thức có nổi lên mà không ai bị đắm chìm trong đó…
Cô gái lại hỏi tiếp:
– Em muốn sống một cuộc đời không đam mê của cải nữa.
Người bạn trả lời:
– Nếu về đời thì rồi sẽ có lúc mất quân bình và bất an, nên cũng không nắm giữ được gì mãi mãi. Còn tâm đạo an định nơi cội nguồn “là một” thì có thể quân bình cho “cả hai”.
Cô gái lại hỏi:
– Tâm còn ham muốn nhà cao cửa rộng nhiều quá…
Người bạn lại trả lời:
– Không sao, đời mà, người ta không chỉ ham muốn mà còn tranh đoạt nữa kia. Cuộc sống là vậy mà, để đến cuối con đường nếu có tỉnh thức trí tuệ thì sẽ nhận ra chân lý và thăng hoa cuộc sống trong hạnh phúc an lạc bình yên hằng hữu. Để tự nhiên chứ đường đạo không thể và không nên vội vã hoặc ép buộc mình. Dù có tâm đạo tu hành thì cũng nên để nó tự động chín muồi theo nhân duyên tự nhiên – gọi là đời mà đạo luôn đó…
Vâng, qua câu chuyện, Đạo và Đời tưởng chừng là hai con đường đối lập hay phân biệt nhau. Nhưng đâu ngờ chúng cũng có thể hội nhập “là một” “âm dương đủ đầy” “đạo đời song đôi”…
***
Bằng cách nào thì mọi vấn đề phiền não không còn là vấn đề phiền não, hay mọi đối cực phân cực không còn là đối cực phân cực?
Phải chăng chỉ trong trạng thái “tâm bình thường” hay “một mình – cô đơn mà đủ đầy trọn vẹn”, thì mới không bị vọng tâm và cảnh trí làm cho động loạn?
Hay đơn giản không ngờ, phải chăng đó là sự chân thật với chính mình, tìm thấy chính mình, “tái sinh” hay trở nên là chính mình, cũng là hoàn trả “cho người” hay đối tượng vạn vật “như nó là”? C
ô đơn và “một mình” dường như giống nhau, nhưng cô đơn là tiêu cực hay sự khổ đau của tâm trí, còn “một mình” là trạng thái tích cực.
Nếu cô đơn là khổ sở, lo nghĩ, thiếu cái gì đó, khao khát cái gì đó, ham muốn cái gì đó. Thì “một mình” là sự hoàn thành sâu sắc, là hạnh phúc lễ hội hay phúc lạc thường xuyên trong bản thân.
Hai người cô đơn bao giờ cũng đối phó nhau, đương đầu với nhau. Nhưng hai người cùng nhau, là hai người của sự “một mình” đang đối diện với cái gì đó cao hơn cả hai, thì trở thành bạn đồng hành đồng cảm. Nếu bạn đi vào trong mối quan hệ khi bạn đang cảm thấy cô đơn, thế thì bạn sẽ khai thác người khác, bạn sẽ tìm thấy người có cùng kiểu, bạn sẽ tìm thấy sự phản xạ của riêng mình ở đâu đó. Hai người khổ sở sẽ gặp nhau, nó không chỉ đơn thuần là phép cộng, nó là phép nhân đấy. Họ tạo ra nhiều khổ sở cho nhau hơn là họ có thể đã tạo ra trong sự cô đơn của mình.
Hãy trở thành “một mình”. Bạn bản lãnh và tràn đầy tuôn chảy. Bạn không chờ đợi ai đó tới. Bạn không dùng nhau. Bạn không khai thác mà chia sẻ.
Thông thường mối quan tâm chung là dục. Dục có thể gắn hai người cô đơn lại một cách tạm thời và ngẫu nhiên, và rất hời hợt. Những người yêu thực sự không phải là sẽ không có dục; có thể có, nhưng như một phần của sự hài hoà cao hơn. Tình yêu xảy ra không cầu xin, không suy nghĩ, đơn giản xảy ra như một phần của sự hài hoà cao hơn, nó có phẩm chất hoàn toàn khác cho nó, nó thiêng liêng “cô đơn vô ngã” hay bình thường chân thật như chỉ là “một mình” “tuy hai mà một”…
Trong cô đơn bạn bị ngắt khỏi trung tâm. Trong “một mình” bạn được định tâm, không phụ thuộc dính mắc cảnh trí bên ngoài, và dường như là toàn thể thế giới hay toàn thể sự tồn tại trong bạn. “Một mình” nghĩa là “cô đơn mà đủ đầy trọn vẹn” hay “tất cả trong một, một trong tất cả”.
***
Có câu chuyện về Thiền sư Kiếm sĩ Miyamoto Muashi – con người của sự “một mình” “tất cả trong một, một trong tất cả”. Theo Trí tánh Đỗ Hữu Tài, cơ chế nghiệp lực vận hành kỳ ảo, khiến Miyamoto Musashi phải trải qua trở ngại và thử thách, trở thành kiếm khách số một trong số hơn tám vạn Samurai đang tranh nhau thư hùng.
Chỉ tự học trong sân chùa vào những đêm thanh vắng mà mới 13 tuổi, trong một trận quyết đấu, ông đã xẻ đôi thân xác Kihei, đệ nhất dũng sĩ của quân trường Shinto Ryu. Năm 16 tuổi, ông đánh bại Akiyama, trưởng tràng của kiếm phái Tadashima.
Sau ngày đó, với nghịch giới sát sanh vần vũ trên đầu, ông bỏ chùa, lưng mang kiếm gỗ, một thân một bóng lên đường thực hiện cuộc hành trình chứng ngộ của một Võ sĩ đạo thời chinh chiến, nâng kiếm thuật lên đỉnh cao kiếm đạo, và giúp Kiếm sĩ hóa thân thành Thiền sư.
Không vợ con và không hành lý. Cũng không sợ hãi và không giận hờn. Chỉ với hai bộ quần áo tả tơi dưới chiếc nón rộng vành, và một thanh kiếm gỗ đã săn cứng lại vì gió sương chiến trận, ông đã “cô đơn – một mình” lang bạt trong núi cao hang sâu của miền Hokkaido băng giá, trong rừng dày bão dữ của vịnh Kyushu, trong cung cấm nghiêm nhặt lòe ánh thép của các lãnh chúa, và đọ kiếm 129 trận không một lần chiến bại.
Năm 29 tuổi, ông được giới kiếm sỉ Nhật Bản phong là Kiếm Thánh. Nhưng cũng từ đó, ông bẻ kiếm và suy nghiệm về thanh kiếm như một cá thể hữu tình, về múa kiếm như một con đường tỉnh thức để tự giải thoát mình ra khỏi xao động của cuộc đời. Ông để lại cuốn sách mỏng có tựa đề là Ngũ Đại Thư. Ông tự thú rằng:
“Tất cả chiến thắng của tôi từ trước đến nay có lẽ nhờ trời cho, hoặc nhờ tôi khéo tay, vì mãi cho đến năm 50 tuổi tôi mới chứng ngộ được kiếm đạo chân thực… Tôi viết cuốn nầy mà cố tình quên đi kinh Phật dạy và lời Khổng viết, lại càng không nhớ đến bất kỳ một chiêu thức kiếm pháp nào … Tôi chỉ quy chiếu vào Tâm mà viết”.
Ông nhận định: “Thanh kiếm như một ngoại vật vô thường, có đó nhưng không đó; người múa kiếm như một tha nhân vô ngã, vừa có thật vừa không có thật; kiếm thuật như một nghệ thuật vô hình vô tướng; và các kiếm phái khác như cõi ta bà chứa đầy mộng ảo bào ảnh. Trong vọng tâm, kiếm và kiếm sĩ đều có thật, nhưng không thật có vì giả hợp. Cho nên có đấu kiếm mà vẫn không có đấu kiếm.”
***
Giọng ca hay hoặc bài viết tốt hoặc kiếm sĩ giỏi:
– dù giữa chốn xao động hay nơi vắng lặng không người, mà như là trong khi chỉ có một mình – luôn hành xử với “tâm bình thường” “không đổi thay động loạn”
– nên vừa là tác giả, mà đồng thời vừa là diễn viên, đạo diễn lẫn khán giả
Câu chuyện của một thiền sư kiếm thánh, hành xử như không có đối phương hay đối tượng, như không có việc gì xảy ra hay không có đối thủ, nên “thật” trở thành “ảo” và “ảo” trở thành “thật”, và đó là cũng là bí quyết hay nghệ thuật của sự “một mình” “tất cả trong một, một trong tất cả”.
Trong hơi thở mà “qui tâm chuyển cảnh”, hay tay chân cũng “là một” với thân và cảnh trí, nên làm mà như không làm, hay có hành động và quan sát mà không có người hành động và quan sát.
Có một sự bất động tỉnh lặng của “một mình” “cô đơn mà đủ đầy trọn vẹn”, mà/ nên thấy tất cả chỉ còn là hư hư thực thực, cũng là sự buông bỏ thư giản cả thân tâm, như dòng nước chảy tự nhiên tự động từ chỗ cao xuống chỗ thấp, một cách tự động hay chỉ còn theo tạo tác tự nhiên và nhân duyên.
Có một sự chậm lại hay đồng bộ cùng vạn hữu và vũ trụ, bởi những “khoảng trống tỉnh thức” “phi tư tưởng”, mà hài hoà đáp ứng tự nhiên tự động hay “không hai” giữa chủ thể và đối phương đối tượng.
Thiền sư Ajahn Chah nói:
“Chúng ta không chiến đấu để chống lại ai cả mà chiến đấu để chinh phục tâm mình, kiên trì chống lại mọi tình cảm xung động của chính mình.
Tốt hay xấu đến, vui hay buồn đến hãy nhìn chúng rồi để chúng ra đi, thì bạn sẽ không dính mắt. Nếu phản ứng lại chúng, yêu hay ghét chúng thì rắc rối sẽ xảy ra. Phản ứng không những chứng tỏ bạn là người không có trí tuệ mà làm cho đau khổ gia tăng.
Ai cũng có thể làm nhà gạch hay nhà gỗ , nhưng không phải đó là nhà của ta mà là nhà của thế gian, bị luật thế gian chi phối. Bình an nội tâm mới thực sự là nhà của ta.”
Tất cả cảnh vật chỉ còn là “chấm nhỏ”, và rồi chúng tan biến, khi bạn nhìn chúng từ máy hay bầu trời. Nếu bạn thấy “chấm nhỏ” trong cuộc sống thì đó là bình an bất loạn hay “không còn thấy mọi chuyện”.
Cũng như trong khi nhìn toàn cảnh bức tranh thì chỉ thấy một sự hài hoà đồng bộ của “một trong tất cả”.
Nghiên cứu khoa học thì đi vào “tất cả trong một”. Đó là khám phá thấy biết thế giới vi mô nguyên tử hay các hạt căn bản lượng tử vô cùng nhỏ, mà trở thành “người khổng lồ” hay tạo nên cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật được ứng dụng trong hầu hết các lãnh vực cuộc sống và xã hội.
Nói cách khác, nếu nghệ thuật đi vào cái toàn thể là “một trong tất cả”. Thì khoa học khám phá vật chất là “tất cả trong một”.
Và đạo giác ngộ cá nhân con người cũng tương tự: “một mình” “tâm bình thường” “tất cả trong một, một trong tất cả”. Bởi đơn giản không ngờ – có một sự “tìm thấy chính mình”, chân thật “tái sinh” hay trở nên là chính mình, cũng là hoàn trả “cho người” và đối tượng vạn vật “như nó là”.
(Thiện Võ sưu tầm và tổng hợp)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here