Dân Biểu Michelle Steel khởi xướng viết thư choTổng thống Biden đề nghị Hoa Kỳ yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam bãi bỏ hết các hình phạt nhắm vào nhà tranh đấu Phạm Đoan Trang đồng thời kêu gọi nhân quyền và tự do ngôn luận phải được tôn trọng. Các dân biểu Lou Correa (CA-46), Young Kim (CA-39), Alan Lowenthal (CA-47), Glenn Grothman (WI-06) và Brian Fitzpatrick (PA-01) đều đồng ký tên. Nội dung bức thư như sau:
Hôm nay chúng tôi gửi thư này đến Tổng Thống nhằm bày tỏ mối lo ngại của chúng tôi về tình trạng đối xử phi nhân đạo của nhà cầm quyền Việt Nam nhắm đến các nhà báo độc lập và các nhà tranh đấu cho dân quyền. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến tình trạng quản thúc hà khắc và bản án bất công đối với nhà tranh đấu ôn hòa Phạm Đoan Trang; bà đã không làm điều gì sai ngoại trừ việc thi hành quyền tự do ngôn luận và chia sẻ các thông tin bị chính quyền bưng bít cho người dân.
Nhà báo Phạm Đoan Trang là một trong những tiếng nói đi đầu trong phong trào đòi hỏi dân quyền tại Việt Nam và được thế giới ghi nhận vì nỗ lực tranh đấu của bà. Bà là tác giả của hai tác phẩm Chính Trị Bình Dân và Cẩm Nang Nuôi Tù. Bà cũng lên tiếng về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam trên trang nhật ký mạng của bà cũng như trên các trang mạng xã hội và tạp chí mạng, điển hình như The Vietnamese Magazine và Legal Initiatives for Vietnam. Việc tranh đấu tích cực của bà nhằm xóa bỏ chế độ cộng sản độc tài tại Việt Nam đã giúp bà nhận được các giải thưởng cao quý, như Homo Homini Award của tổ chức People in Need ở Tiệp Khắc vào năm 2017, Reporter Without Borders Press Freedom Prize for Impact năm 2019, và International Publishers Association’s IPA Prix Voltaire năm 2020.
Bà đã đi khắp thế giới và có rất nhiều cơ hội sống tại hải ngoại, nhưng với quyết tâm tranh đấu cho tự do dân chủ trong lòng nước Việt Nam, bà đã can đảm ở lại và sẵn sàng hy sinh chính tự do của mình. Ngày 7 tháng Mười năm 2020, Phạm Đoan Trang bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bắt và truy tố theo điều 88 bộ luật hình sự 1999 và điều 117 bộ luật hình sự 2015 với tội danh “thực hiện, tàng trữ, phát tán và tuyên truyền các tài liệu chống phá nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”, điều mà nhà cầm quyền độc tài Việt Nam liên tục sử dụng để bắt bớ và xử phạt các nhà báo đối lập cũng như các nhà tranh đấu nhân quyền.
Ủy Ban Đặc Trách Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc đả từng kêu gọi Việt Nam sửa đổi các điều luật mơ hồ này và chấm dứt tình trạng vi phạm quyền tự do ngôn luận. Gần đây, bốn Đặc Phái Viên Liên Hiệp Quốc cũng đã bày tỏ sự quan tâm về điều luật 117, vì quá bao quát mà đã cho chính quyền Việt Nam quá nhiều quyền hạn để đàn áp các tiếng nói đối lập. Chính vì sự độc tài này mà đã có 28 tổ chức nhân quyền chính thức lên án hành động đàn áp nhà báo Phạm Đoan Trang bao gồm: Access Now, ALTSEAN-Burma, Amnesty International, ARTICLE 19, Asia Democracy Chronicles, Asia Democracy Network, Asian Forum for Human Rights and Development (FORUM-ASIA), Boat People SOS (BPSOS), CIVICUS: World Alliance for Citizen Participation, Committee to Protect Journalists, Defend the Defenders, International Federation for Human Rights (FIDH), Front Line Defenders, Green Trees, Human Rights Watch, International Commission of Jurists, International Publishers Association, Legal Initiatives for Vietnam, Open Net Association, PEN America, People in Need Que Me- Vietnam Committee on Human Rights, Reporters Without Borders, Safeguard Defenders, The 88 Project, Vietnam Human Rights Network, Vietnamese Women for Human Rights, and World Organization Against Torture (OCMT).
Sau một năm bị bắt giữ, bà Phạm Đoan Trang đã không được gặp luật sư đại diện mình cho đến một năm sau khi bị bắt giữ và bà đã không được chăm sóc y tế cho các căn bệnh và chấn thương sẵn có.
Hành động cầm tù và xử phạt bà Phạm Đoan Trang của Việt Nam chỉ vì quá trình tranh đấu cho nhân quyền của bà là một đều không thể chấp nhận được. Hơn thế nữa, điều này đã lập đi lập lại nhiều lần và trở thành một hệ thống, có khả năng vi phận luật quốc tế. Là người lãnh đạo của thế giới tự do, việc Chính Quyền của Tổng Thống lên tiếng về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam là điều vô cùng quan trọng và cần thiết. Hành động cứng rắn của Hoa Kỳ có thể giúp mang lại tự do dân chủ cho người dân Việt Nam.
Vì vậy, chúng tôi khẩn thiết mong Tổng Thống yêu cầu chính quyền Việt Nam lập tức hủy bỏ các cáo trạng đối với nhà báo Phạm Đoan Trang và các nhà tranh đấu nhân quyền khác, đồng thời đòi hỏi Liên Hiệp Quốc phải mở cuộc điều tra về khả năng vi phạm luật quốc tế của bộ luật hình sự chuyên quyền tại Việt Nam cũng như yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải tôn trọng các quyền căn bản và quyền tự do ngôn luận của người dân Việt Nam.