GIÒNG SÔNG TUỔI THƠ
Tiếp theo số 678
Lưu Hoàng Kỳ
Từ đó trong cặp tôi lúc nào nếu không có tiểu thuyết thì kiếm hiệp. Không có tiền thuê thì tôi mượn và đọc ké của bạn bè. Từ Tây Du, Tam Quốc, Đông Chu đến Cô Gái Đồ Long, Lệnh Xé Xác, Đơn Kiếm Diệt Quần Ma, v.v… Tôi đọc kiếm hiệp đến độ các nhân vật Dương Quá, Tạ Tốn, Vô Kỵ, Âu Dương Phong cứ xuất hiện trong chiêm bao.
Lên Đệ Tam, Đệ Nhị đã biết mơ mộng, biết tập tành yêu đương, bọn tôi chuyền tay nhau: “Yêu, Sống, Loạn, Ghen” của Chu Tử. Sách của Duyên Anh, Doãn Quốc Sĩ, Võ Phiến, Mai Thảo, lúc còn đi học gần như tôi không bỏ quyển nào.
Vào quân đội, dù trên đường hành quân, hay về nghỉ ở Tiểu Đoàn, trong ba lô tôi lúc nào cũng có quyển sách về đệ nhị thế chiến của “Người Sông Kiên” đến nỗi đám bạn sĩ quan trẻ đề lô trong phòng nói: “thằng Tiến nó luyện binh thư”. Tôi ngưỡng mộ thủ tướng Tojo, tôi mê những tướng lãnh của Nhật Bản, nhất đô đốc Yamamoto, đại tướng Genda, đại tướng Hobun Yamashita, v.v… Còn nhớ khi chiếc phi cơ của Đô đốc Yamamoto bị phi cơ Mỹ bắn rơi trên Thái Bình Dương, ông tử nạn và cuộc chiến bắt đầu xoay chiều, mở đầu cuộc thua trận của Nhật, tôi đã khóc.
Tôi mê Hitler bởi cao vọng thống trị thế giới, và mục tiêu diệt cộng sản Liên Xô của ông. Tôi thần tượng Thống chế Rommel, thống chế Goering cùng nhiều tướng lănh của Đức. Tôi ủng hộ khối trục Đức Ý Nhật, ghét đồng minh Mỹ và Liên Xô, cứ mong cho Nga Xô thua trận, bị Đức đánh bại là vui; còn ở Thái Bình Dương thì Mỹ phải bị Nhật xóa sổ đánh cho tan tác tôi mới thích.
Trở lại chuyện tuổi thơ, cũng vì mê chơi mà ít có ngày nào tôi không bị cha đánh đòn hoặc bị la rầy, nếu có ngày nào “bình an” thì chẳng qua chỉ vì người lớn bó tay, la hoài mệt hết hơi nên khỏi nói cho nó khỏe người thôi, chứ ngoài giờ cắp vở tới trường vào lớp học, về nhà tôi leo trèo nhảy nhót tứ tung, có bao giờ chịu ngồi yên đâu trời!
Ngoài chuyện tắm sông bày trò đánh nhau dưới nước, tôi còn theo mấy đứa chăn bò ra đồng tát cá, không con mương nào nước cạn, nước sâu, cá nhiều cá ít mà tôi không biết.
Rồi chuyện mê chim nữa mới ghê! Ngày đó bầu trời đầy chim, từ bụi tre đến cây mít, cây xoài, cây khế, cây cau, cây dừa, loại cây nào cũng có chim làm tổ; cây nào tôi cũng leo trèo tìm kiếm, tổ chim nào mới na rác, tổ nào đang ấp trứng, tổ nào đang nuôi con tôi đều biết hết.
Tôi nuôi đủ thứ chim, từ chim chèo bẻo, chim chích chòe, sáo, cưởng, ốc là, bói cá, se sẻ, cu đất, cu ngói, cho tới chim sâu, chim quốc, chim gì tôi cũng nuôi. Nhiều con chim còn đỏ hỏn chưa mọc lông, mắt còn nhắm nghiền tôi cũng nuôi. Chị Ba của tôi hay nói: “…chim trời cá nước mà mầy cứ bắt nhốt trong lồng tội chết… mầy thấy cha mẹ nó đứng bên ngoài kêu khóc không?… làm sao nó sống được?… Mày cầm tù nó, sau nầy già chết xuống âm phủ sẽ bị bỏ vô vạc dầu, v.v…” Tôi nghĩ: “Già mới chết, bỏ vô vạc dầu” chuyện đó thì còn lâu lắm, thôi kệ chị nói cứ nói, tôi nuôi cứ nuôi.
Sỡ dĩ chị tôi cấm nuôi chim không phải vì sợ chết xuống âm phủ bị bỏ vạc dầu, mà vì tôi cứ để đầu trần dưới trời nắng chang chang lội ngoài bờ ruộng, ngoài đồng cỏ bắt châu chấu, chuồn chuồn, ếch nhái để cho chim ăn.
Chị Ba la phía trước tôi chạy phía sau, chị cấm thì cấm nhưng đi thì cứ đi. Tôi lì đến độ chị phải la lên: “mày lì hơn con trâu….”. “Lì như trâu” là ngôn ngữ ở nhà quê thường dùng để diễn tả sự ù lì. Mà tôi lì thiệt, nội cái chuyện tắm sông không thôi tôi bị cha bắt nằm xuống roi quất vào mông, bắt quì úp mặt vào tường, rồi hứa con không tắm sông nữa, nhưng chỉ hứa lúc đó thôi, rồi đâu lại vào đó.
Ngày đó con sông trước nhà nó quyến rũ tôi lạ thường, nhất là vào buổi trưa, ngày nào cũng vậy, vừa ăn cơm xong, lũ bạn học cùng lớp ở xóm dưới, như Nguyễn Phương Đính, Võ Đình Tươi, Phạm Phú Đức, Bùi Văn Kinh, Hà Khinh, Hà Cư, Võ Thu, v..v… lên tập trung, rồi bọn thằng Nguyễn Xuân Tiến, Bùi Thanh Tuấn, Trần Văn Trình, Trần Hòa, Bùi Ngọc Bích, Bùi Ngọc Thạch từ trên Điện An xuống, khi đông đủ bày trò chia phe đánh nhau dưới nước, chơi cho đến khi tiếng trống tựu trường buổi chiều đánh bùm bùm, mới vội vàng lên bờ mặc áo quần, phần đứa nào đứa nấy ôm vở chạy cho kịp giờ vào lớp.
Nếu hôm nào cha tôi không có ở nhà thì vừa ăn cơm trưa xong là tôi quơ vội mấy quyển vở, cầm bình mực cây viết chạy ù ra bờ sông, thường thì đã có mấy mạng ngoài đó rồi.
Vừa tới nơi, cởi tuột quần áo ra trần truồng, quần áo đứa nào thì đậy lên tập vở đứa đó, mỗi thằng một đống riêng biệt. Nhảy ùm xuống sông, chỉ chốc lát thì tụi nó kéo đến đông đủ, bắt đầu chia phe. Hai thằng đại diện chọn phe của mình, thường thì thằng nào cũng dành những đứa mạnh mẽ bơi giỏi, một phe giữ “đồn” phe kia tấn công.
“Đồn” là cái trụ cầu nơi nước sâu khuất đầu người nên đứa nào cũng phải biết bơi, phe giữ đồn phải vây chung quanh chân cầu không để đối phương xâm nhập đưa tay chạm được trụ là thua. Cho nên phe tấn công muốn xâm nhập được thì phải lặn xuống thật sâu mở to mắt nhìn, bò nhanh luồn lách vào đồn, do đó phe giữ đồn cũng phải lặn sâu xuống mở mắt dưới nước để quan sát đối phương. Khi hai bên chạm mặt nhau, thằng nào lấy tay chạm trúng đầu thằng kia trước thì thằng đó chết phải bị loại, do đó mà thằng nào cũng bảo vệ cái đầu không cho đối phương chạm được nên trở thành một trận tấn công chống đỡ dằng co, lúc lặn dưới sâu, lúc trồi trên mặt nước.
Cuộc chơi nó vui hết biết luôn trời ạ! Khi tấn công phải la hét gọi nhau í ới ồn ào như cái chợ, rồi căi nhau chết hay không chết, vì có đứa đã bị đối phương chạm trúng đầu tức phải bị loại, nhưng “ông nội” không chịu cứ căi, mình chưa chết. Có vậy thôi nhưng căi nhau đôi khi suýt đập lộn nữa.
Cuộc chơi vui như vậy nên thời gian trôi rất nhanh, chưa đánh được mấy hiệp thì đã nghe tiếng trống tựu trường bùm bùm rồi. Phần đứa nào đứa nấy, phóng lên bờ mặc vội áo quần, ôm vở, vừa chạy vừa thở cho kịp trống vào lớp, cũng may là quãng đường chỉ độ năm trăm mét. Thường thì cuộc chơi cứ bị dang dở nên lúc nào lên bờ cũng còn luyến tiếc.
Chúng tôi còn chơi trò trốn tìm đuổi bắt dưới nước, trò chơi nào cũng vui, mệt thở muốn đứt hơi nhưng thích không chịu được.