Theo một nghiên cứu trên tạp chí JAMA Dermatol cho thấy nếu bạn tiếp xúc đủ nhiều với ánh nắng mặt trời, da của bạn có thể phát triển các vết dày sừng có vảy. Đó là một dạng tiền ung thư da. Những người có những vết sừng này thường là ở mu bàn tay, cổ hoặc mặt có nguy cơ mắc ung thư da cao gấp 7-8 lần trong vòng 10 năm kể từ ngày chúng xuất hiện.
Những vết dày sừng cảnh báo tiền ung thư da
Các điểm dày sừng này là một dạng tiền ung thư da, xuất hiện dưới dạng một tổn thương có vảy, sần sùi do nhiều năm tiếp xúc với ánh nắng mặt trời không được bảo vệ. Vị trí thường thấy của chúng là trên mu bàn tay, cẳng tay, da đầu, cổ, tai và mặt. Một cuộc tiểu phẫu gạn lọc các vết dày sừng này là điều cần thiết mà các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân để ngăn ngừa chúng phát triển thành ung thư da. Nó cũng là một dấu hiệu cho thấy những ai có nguy cơ phát triển ung thư da hơn người khác khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Thống kê cho thấy người có nước da sáng, mắt xanh, có tàn nhang hoặc tóc đỏ là đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi ung thư da nhất. Nhưng những điểm dày sừng trên da thậm chí còn là một dấu hiệu cảnh báo rõ rệt hơn. Kết quả nghiên cứu của Kaiser Permanente cho thấy trong số những bệnh nhân dưới 50 tuổi, những người có vết dày sừng quang hóa có nguy cơ mắc ưng thư biểu mô tế bào vảy – một dạng ung thư da – cao gấp 7 lần người bình thường sau 10 năm theo dõi. Nguy cơ thậm chí còn cao hơn gấp 8 lần trong nhóm những bệnh nhân 50 tuổi. Bệnh nhân nào càng có nhiều vết dày sừng quang hóa trên da thì chúng càng có xác suất lớn hơn sẽ chuyển thành ung thư.
Thời gian đếm ngược cũng ngắn hơn trong nhóm bệnh nhân lớn tuổi. Những vết dày sừng quang hóa trên da bệnh nhân trên 80 tuổi chỉ mất 1-2 năm để chuyển thành ung thư da. Con số là 3-4 năm ở bệnh nhân trên 70 tuổi và 7-8 năm ở những bệnh nhân ở độ tuổi 50.
Xác suất vết dày sừng quang hóa biến thành ung thư da là 10-20%.
Chỉ cần Sáu lần cháy nắng trong đời sẽ đặt bạn vào nguy cơ cao
Nghiên cứu cho thấy sự xuất hiện của các vết sừng quang hóa là do phơi nhiễm với bức xạ mặt trời, đặc biệt là tia UV. Cả bức xạ UV-A (có bước sóng 320-400 nm) và UV-B (290-320 nm) đều có thể dẫn đến sự hình thành các vết sừng theo con đường khác nhau.
Tia UV-A có thể xuyên tới các lớp sâu của da, gây ra các phản ứng oxy hóa, làm hỏng màng tế bào, protein truyền tín hiệu. Trong khi đó, tia UV-B có thể làm hỏng DNA, dẫn đến các đột biến trong tế bào.
Một trong những đột biến gây ra dày sừng quang hóa đã được xác định là đột biến trên gen p53. Ở người bình thường, gen này có tác dụng sửa chữa DNA và ức chế sự hình thành các khối u ung thư da.
Nhưng với những người bị dày sừng quang hóa, mất điều hòa trên gen p53 có thể gây ra sự sap chép không kiểm soát của các tế bào sừng loạn sản, cuối cùng dẫn đến các khối u tăng sinh để hình thành ung thư da.
Thông thường, dày sừng quang hóa cũng có thể xuất hiện dưới dạng lão hóa tự nhiên ở người già. Nhưng nghiên cứu trên tạp chí Da liễu Anh Quốc cho thấy những người có tiền sử tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời hay bị cháy nắng nhiều lần thời còn trẻ sẽ có nguy cơ cao hơn.
Nếu từng bị cháy nắng nhiều hơn 6 lần trong đời, nguy cơ phát triển dày sừng và ung thư da của bạn sẽ lớn hơn đáng kể.
Tạo thói quen bảo vệ da ngay từ khi còn trẻ
Dưới đây là một số mẹo có thể giúp bạn phòng bệnh
– Tránh ra ngoài vào khung giờ từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.
– Thường xuyên thoa kem chống nắng phổ rộng có chỉ số SPF từ 30 trở lên cho vùng da tiếp xúc quanh năm, ngay cả trong những ngày nhiều mây.
– Bôi kem chống nắng nửa giờ trước khi ra ngoài và bôi lại sau mỗi hai giờ và hoặc sau khi bơi.
– Hãy đội mũ khi ra ngoài trời, đặc biệt là những người đàn ông hói.
– Hãy nhớ rằng vải càng sẫm màu và càng dày càng tốt.
Tham khảo Nytimes, Mayoclinic