HỆ THỐNG SUPPLY CỦA NGƯỜI MỸ GỐC VIỆT TRONG NGÀNH NAILS

0
551

GEDSC DIGITAL CAMERA

Hệ Thống Supply của Người Mỹ gốc Việt trong ngành Nails

Đa phần những người thợ Nails, chủ tiệm Nails người Mỹ gốc Việt khi mua sản phẩm, dụng cụ để làm Nails đều chọn mua từ các tiệm supply do người Mỹ gốc Việt làm chủ. Người Mỹ gốc Việt trong lĩnh vực supply đã đóng góp nhiều kinh nghiệm quý báu vào nghệ thuật kinh doanh nghề Nails ở Mỹ. Chính nhờ có hệ thống cung cấp sản phẩm riêng biệt nên thị phần và qui mô phát triển của hệ thống các tiệm Nails supply của cộng đồng người Việt tại Mỹ ngày một phát triển, quy mô và hiện đại hơn.

Nhiệm vụ của các tiệm Nails supply

Nhiệm vụ của các tiệm Nails supply là mua đi bán lại, phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng là các chủ tiệm Nails, thợ Nails, thậm chí có những supply có vốn mạnh, kiêm luôn vai trò là tổng đại lý, cung cấp sản phẩm số lượng lớn cho những tiệm supply nhỏ khác. Hoặc có những chủ nhân supply lớn nhờ những thuận lợi về nguồn hàng dồi dào mình có, sẽ đảm nhận cách set-up tiệm cho những chủ nhân nhỏ khác ở các tiểu bang xa.
Ngoài ra, các chủ nhân Nails supply còn tìm hiểu nhu cầu thợ Nails cần sản phẩm gì, phản hồi lại cho nhà sản xuất biết. Đồng thời các chủ nhân Nails supply rất cần tham dự những Nails show của các nhà sản xuất để biết có những dòng sản phẩm mới nào tung ra thị trường, đưa về tiệm supply của mình và giới thiệu cho khách hàng biết.
Ngoài lĩnh vực buôn bán, các chủ nhân supply còm kiêm luôn vai trò là chuyên gia tư vấn sản phẩm trong ngành Nails, giúp những thợ Nails mới vào nghề, đặc biệt là những người Việt mới đến Mỹ định cư có những kinh nghiệm cần thiết khi mua các sản phẩm để làm nghề. Chủ nhân Nails supply gốc Việt còn là trung gian trong lĩnh vực sản xuất nhỏ, chẳng hạn đặt mua số lượng lớn sản phẩm từ các công ty sản xuất (phần lớn thường mua sản phẩm từ công ty do người Việt làm chủ), đem về dán nhãn của tiệm supply mình lên, rồi bán lẻ cho chủ tiệm nail, và thợ nail. Điều này là hợp pháp, chứ không hề vi phạm điều luật kinh doanh. Nếu chủ nhân Nails suplly nào phát hiện ra sản phẩm mới, họ đưa về tiệm mình bán ra trước, thì họ sẽ thu được hưởng lợi nhuận nhiều hơn là sản phẩm đó đã thông dụng ngoài thị trường.

Cọ đắp móng bột

Hầu như các tiệm supply của người Việt, ngoài các sản phẩm trong ngành Nails của các hãng nổi tiếng như CND, OPI, China Glaze, Crown Products, GiGi, Omega… cùng vô số các mặt hàng thông dụng khác dành cho các tiệm Nail Salon và tóc, facial… Còn có một số sản phẩm do chính tiệm supply của mình sản xuất độc quyền, để thu hút khách hàng tìm đến.
Ví dụ như loại cọ đắp móng bột dùng trong ngành Nails từ trước đến nay không có công ty nào của người Việt trực tiếp sản xuất, mà chỉ đặt hàng cho công ty Mỹ làm. Có tiệm supply muốn tiệm mình có loại cọ chỉ riêng của tiệm thì sẽ yêu cầu kiểu cọ theo ý của mình muốn, và các số dành cho cọ, về phẩm chất của lông cọ được nhập từ Đức, là loại lông chồn có phẩm chất cao, mắc tiền hơn và tốt hơn, bền hơn loại cọ nhập từ Trung Quốc vào, rồi dán nhãn của tiệm lên, chứ không trực tiếp sản xuất.
Cọ đắp bột loại rẻ đầu cọ được làm từ sợi tổng hợp nên dễ bị dính bột, cọ loại tốt thì đầu cọ được làm từ lông thú tự nhiên nên ít bị dính bột, dễ kéo bột hơn.
Cây cọ đắp bột có nhiều số, từ số 6, 8, 10, 12, 14, 16, 18, 20, 22 và 24. Thường những tiệm Nails chuyên phục vụ ở vùng người Mỹ trắng sử dụng cọ số 16 là cùng, vì khách Mỹ trắng thích trang trí móng đơn giản, thanh lịch. Còn vùng Mỹ đen thích sử dụng loại móng dài, đôi khi gắn đến 2 móng giả lên một móng, vẽ kiểu cọ rườm rà, nên thợ phải dùng loại cọ lớn, từ số 20 đến 24. Còn vùng có nhiều khách hàng người Mehico thì sử dụng cọ số 18 đến 20. Khởi thủy, cọ đắp bột vốn nhỏ, nhưng khi người Việt mình tham gia vào ngành Nails, đã đề nghị làm những cây cọ size lớn hơn. Để phân biệt size của cọ đắp bột, căn cứ trên ống sắt to, nhỏ, để phân loại theo từng size cọ. Cọ có size nhỏ thì lông cọ ít, dùng đắp bột cho móng nhỏ. Cọ size lớn, có lông nhiều, giúp thợ lấy được bột nhiều, nước nhiều, dễ dàng làm với tốc độ nhanh trên những móng dài và to cho khách Mỹ đen, hay khách Mehico.

Cách bấm cọ đắp móng bột

Người Việt trong nghề Nails cũng đã nghĩ ra sáng kiến cách để bấm cọ bằng kềm, giúp thợ điều khiển cây cọ dễ dàng khi đắp bột lên móng cho khách, vừa nhanh, vừa đẹp. Vì khi cọ mua về, chưa bấm, những cụm lông của cọ tròn xoay, nhúng vào liquid hay bột, sẽ không vuốt bột được dễ dàng, tốc độ làm sẽ chậm hơn, dễ bị hư hơn.
Do bột khô rất nhanh, và thợ sẽ không phủ đều bột trên móng như với cây cọ đã được bấm. Khi bấm cọ rồi, các sớ lông của đầu cọ đều tăm tắp, người thợ vuốt bột trên móng, dễ dàng đắp bột đều hai bên mép móng. Còn nếu người bấm cọ không khéo, các sớ lông của cọ không đều, thì khi vuốt bột, lớp bột sẽ đi xéo trên móng, người thợ mất nhiều thời gian giũa bột nhiều hơn. Cây cọ được bấm đúng, thì khi đắp bột, người thợ dễ dàng làm theo ý của mình hơn. Còn nếu muốn, thì khi đặt làm cọ, có thể yêu cầu công ty sản xuất bấm cọ luôn, nhưng sẽ không đẹp bằng bấm bằng tay cho từng cây cọ, vì công ty sản xuất thường bấm cọ bằng máy, thì các sớ lông trên cọ sẽ không đẹp bằng bấm từng cây cọ. Mỗi khi khách hàng đến mua cọ tại tiệm supply, yêu cầu được bấm cọ, thì nhân viên sẽ bấm cọ miễn phí cho khách.
Ngoài đóng góp cho ngành Nails cách bấm cọ, người Việt trong nghề Nails cũng là người đã nghĩ ra loại cọ để thực hiện trang trí móng kiểu France mediculte, hay còn gọi là móng pink and white (kiểu móng trắng hồng), luôn được khách hàng ưa chuộng, vì không bao giờ bị lỗi thời.
Trước kia, khi làm trang trí móng kiểu này, thường là loại cọ bằng phẳng, nên không tạo được đường cong trên móng. Để tạo đường cong, nhiều người thợ Nails gốc Việt đã nghĩ ra cách nhúng cọ của chai nước sơn vào acetone, rồi chùi lên móng đã sơn thành một vòng cung, để tạo đường cong, rồi sơn trắng, hồng lên móng. Hoặc nhiều người nghĩ ra cách dùng cọ vẽ mắt, vốn có độ cong, để trang trí móng kiểu France mediculte. Dần dần những người chủ supply gốc Việt đã qua Trung Quốc đặt làm loại cọ này tương tự như cọ để vẽ mắt, để có giá rẻ hơn, vì không cần loại lông chồn tốt như cọ đắp bột.
Phương Đan

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here