Những Cách Chia Tay Trong Êm Đẹp
Đan Uyên
Hai vợ chồng không thể tiếp tục sống bên nhau đến cuối đời mà phải chia tay để mỗi người tìm hạnh phúc mới là điều mà những cặp vợ chồng mới cưới không bao giờ nghĩ bản thân mình sẽ rơi vào hoàn cảnh đó. Học cách chia tay văn minh và tử tế cũng là cách để trao cho hai người đã từng rất hiểu và thương nhau cơ hội có nhau trong đời, dưới vai trò khác. Ví dụ như, là bố hoặc mẹ của các con, hay chồng cũ, vợ cũ.
Nếu cả hai chấm dứt mối quan hệ trong sự thù hận để rồi làm tổn thương lẫn nhau và làm tổn thương chính mình. Thì chẳng khác nào cả hai đang bôi bẩn những ký ức đẹp đã từng có, đạp đổ hết mọi điều tốt lành, kéo lê người mình từng yêu thương vào sự thù hận để vĩnh viễn đánh mất đi một người từng có ý nghĩa trong cuộc đời mình.
Một lời khuyên rất hữu ích đó là, “Đừng cố thay đổi người khác trước khi nói lời chia tay. Những lời nói, phê bình, chê bai, chì chiết sẽ khiến cho người ấy cảm thấy mình thấp kém. Người ấy nghĩ rằng bạn coi người ấy không xứng đáng. Mặc cảm tự ti khiến cho người ấy dễ nổi giận và có suy nghĩ “không ăn được sẽ đạp đổ”. Cần nói ngắn thôi, nhẹ nhàng, và không cần dài dòng giải thích. Chỉ cần cho họ biết rằng, bạn đã suy nghĩ kỹ về quyết định của mình. Sự ra đi của bạn sẽ là cơ hội để người ấy tìm được một người phù hợp. Người ấy sẽ từ từ nhận thấy điều này.
Thêm một lời khuyên cũng rất hay, “Đừng nói lời chia tay khi người yêu ta đang trong cơn khủng hoảng. Họ có thể đang loay hoay với những khó khăn khác như tài chính, công việc, gia đình. Trong thời điểm đó, mất ta họ sẽ mất một nguồn lực lớn về tinh thần. Trong cơn hoảng loạn họ sẽ không tỉnh táo để chấp nhận thêm lời từ chối tiếp tục yêu của ta. Hãy để cho họ bình tĩnh sắp xếp lại cuộc sống. Họ sẽ tìm thấy được niềm vui, điểm tựa khác khi không có ta. Cần giúp họ cân bằng và thích nghi.
“Đừng bao giờ để người ấy nghĩ rằng vì có người thứ ba mà bạn nói lời chia tay. Họ có thể cảm thấy không có trách nhiệm trong việc đổ vỡ. Họ sẽ gán cho bạn là người không chung thủy. Họ có thể tức giận khi người thứ ba là nguyên nhân của cuộc chia tay này. Bạn hãy nói với người ấy rằng bạn cảm giác không còn yêu như ngày nào. Bạn hãy yêu cầu rằng gặp nhau ít hơn và liên lạc thưa hơn. Người ấy sẽ bắt đầu tập thói quen không có bạn thường xuyên bên cạnh. Họ cần thích nghi với cuộc sống không phụ thuộc vào bạn.
“Khi bạn đã chuẩn bị kỹ càng, bạn hãy chọn một địa điểm thích hợp để gặp người ấy. Bạn sẽ phải dũng cảm để đối diện với người ấy và sự thật. Có thể người ấy cũng đã linh cảm về sự đổ vỡ này. Nhưng dù sao bạn cũng nên thận trọng với những phản ứng tức thời khi nghe tin. Bạn chọn một nơi mà vừa có chút riêng tư những vẫn có người có thể hỗ trợ bạn. Bạn sẽ thấy yên tâm hơn và người ấy cũng thấy cần kiểm soát hành vi của mình.”
Có những cặp đôi không dứt khoát chia tay với nhau vì cả hai cùng cắn rứt, đau khổ khi một trong hai người thỉnh thoảng lại tìm cách liên lạc lại. Một số người khi làm điều này cho rằng bản thân chỉ đơn giản là quan tâm người cũ chứ không hề có ý định quay lại. Thực chất, điều tốt nhất ta có thể làm cho anh hay cô ấy là tỏ thái độ dứt khoát, rõ ràng để đối phương sớm lành lặn, phục hồi sau tổn thương.
Khi chia tay nên nói trực tiếp không chỉ thể hiện ta tôn trọng đối phương và mối quan hệ của cả hai mà còn cho thấy ta là người trưởng thành, đứng đắn và đã suy nghĩ nghiêm túc về quyết định này. Một mối quan hệ bị tan vỡ là do cả hai bên, đừng chỉ biết đổ lỗi cho đối phương.
Mối quan hệ tình yêu – hôn nhân có sự tham gia của hai người, vậy nên khi tình yêu tan vỡ, không bao giờ có chuyện lỗi chỉ từ một phía. Trách cứ đối phương không giúp Tình Yêu trở lại cũng không khiến hai người cảm thấy dễ chịu hơn.
Có người đã gợi ý, “Đừng quên thể hiện sự trân trọng, biết ơn với những gì đã có, dù gì cả hai cũng từng hạnh phúc bên nhau.
Không nên vì quá xúc động nên thường không kiểm soát được lời nói của mình, chỉ biết oán than, trách móc khiến đối phương tổn thương thêm. Đừng quên rằng trước đó, cả hai từng thực sự yêu thương, chung sống hòa thuận với nhau. Khoảng thời gian đó là thật nên hãy thể hiện sự trân trọng với những gì đã có.
“Chia tay rồi, ai cũng có quyền tìm cho mình người yêu/người bạn đời khác. Thế nhưng dù không còn tình cảm với người cũ nhưng bạn cũng cần nghĩ đến cảm giác của đối phương. Sẽ ra sao nếu vừa chia tay, trong khi anh/cô ấy đang tổn thương thì bạn lại chia sẻ rầm rộ hình ảnh thân mật, hạnh phúc với người mới trên mạng xã hội? “
Một khi đã ly hôn hay chia tay thì đừng nên quay lại. Bởi thông thường mối quan hệ đã vỡ, sau khi tái hợp sẽ chẳng đi đến đâu cả! “
Có rất nhiều người sau chia tay nhận ra mình nhớ nhung, muốn quay lại với người cũ. Thế nhưng dù có tái hợp, hầu hết các đôi chỉ có thể đi cùng nhau thêm một khoảng thời gian rồi lại "đường ai nấy đi" bởi những mâu thuẫn, bất đồng "xưa như Trái Đất" vẫn tồn tại trong mối quan hệ.”
Mỗi người có thể từng đã có kinh nghiệm khi chia tay một vài mối tình. Nhưng cũng đừng quá chủ quan, vì mỗi người yêu của mình có một tính cách khác. Tùy thuộc vào từng đối tượng, từng thời gian lâu mau của mối quan hệ, tùy vào nguyên nhân để ta nói lời chia tay. Mỗi chúng ta hãy chuẩn bị kỹ càng thì sẽ giảm bớt rủi ro cho sự an toàn của mình và gia đình. Sự chuẩn bị của chúng ta trong việc học cách cư xử tử tế, văn minh sau khi chấm dứt một mối quan hệ, sẽ làm cho chúng ta không bị hụt hẫng và bị thương tổn sau khi chia tay!.