Hoàng Lan
Áo dài từ lâu đã là trang phục truyền thống và là nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam. Áo dài cũng đã được thi vị hóa trong thơ nhạc và văn chương của các bậc văn nhân thi sĩ lừng danh. Nhắc đến áo dài, không thể không nhắc đến sự ra đời của chiếc áo dài Lemur Cát Tường được cải biến từ áo ngũ thân do họa sĩ Nguyễn Cát Tường (1912 – 1946) sáng tạo vào năm 1939. Người họa sĩ trẻ tài hoa này vừa viết bài, vừa vẽ kiểu cho chuyên mục “Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô” trên tờ báo Phong Hóa (sau là Ngày Nay). Khi sáng tạo ra áo dài, ông quan niệm: “Quần áo tuy dùng để che thân thể, nhưng nó có thể như tấm gương phản chiếu trình độ trí thức của một nước. Trước hết nó phải hợp với khí hậu nước ta, với thời tiết các mùa, với công việc, với khuôn khổ, với mực thước của thân hình mỗi bạn; sau nữa, nó phải gọn gàng, giản dị, mạnh mẽ và có vẻ mỹ thuật lịch sự. Nhưng dù thế nào, nó cũng phải có tính cách riêng của nước nhà mới được. Các bạn là phụ nữ Việt Nam, vậy áo của các bạn phải có một vẻ riêng để người khác khỏi nhầm các bạn với phụ nữ nước ngoài, như nước Tàu, nước Pháp, nước Nhật Bản chẳng hạn”.
Trải qua từng thời kì phát triển của lịch sử, áo dài luôn không ngừng biến đổi từ áo dài Lemur Cát Tường sang áo dài Lê Phổ, áo dài Raglan còn gọi là áo dài giắc lăng, Áo dài Trần Lệ Xuân… Áo dài Việt Nam qua các thời kỳ có sự biến đổi với nhiều kiểu dáng, chất liệu từ hiện đại đến phá cách. Áo dài còn được biến chuyển thành áo cưới, áo cách tân… Nhưng dù thế nào thì chiếc áo dài truyền thống của người phụ nữ Việt vẫn giữ được nét uyển chuyển, gợi cảm, kín đáo mà không trang phục nào mang lại được.
Là một loại trang phục dường như chẳng bao giờ lỗi thời, chiếc áo dài đã giúp người Việt xa xứ phân định mình là ai. Ngày nay, chiếc áo dài lại càng lúc càng trở nên thịnh hành trong cộng đồng người Việt trên xứ người.
Sức Sống Của Áo Dài
Đi một vòng quanh cách tiệm bán vải áo dài trên đường Bolsa chúng ta sẽ dễ dàng cảm nhận được sức sống của chiếc áo dài tại thủ đô tị nạn của người Mỹ gốc Việt.
Chỉ riêng trên đường Bolsa đã có hàng chục tiệm may áo dài, shop bán quần áo, trong đó nổi bật với đủ màu sắc, kiểu dáng của chiếc áo dài. Các tiệm cho thuê áo cưới càng không thể thiếu áo dài, không chỉ có áo dài cho nữ mà có luôn áo dài cho nam. Hoặc ngay trong thương xá Phước Lộc Thọ cũng có rất nhiều tiệm bán áo dài.
Phụ nữ Việt Nam ở vùng Little Sài Gòn nói riêng và trên xứ Mỹ nói chung rất ưa chuộng mặc áo dài truyền thống Việt Nam. Họ mặc trong các dịp lễ, Tết, họp mặt, hội đoàn, lễ chùa, đi nhà thờ, đi ăn tiệc cưới hỏi, diễn hành ngày Tết, những cuộc thi nhan sắc trong cộng đồng người Việt… Có nhiều người có hẳn một bộ sưu tập vài chục đến cả trăm chiếc áo dài. Hơn thế nữa, gia đình người Việt tị nạn còn tập cho con cháu gái cháu trai của mình, ngay lúc còn nhỏ, biết mặc áo dài truyền thống Việt Nam. Phụ nữ Mỹ, Mễ cũng thích mặc áo dài của người Việt Nam, nhất là khi họ được làm dâu gia đình Việt hoặc các dân biểu, thượng nghĩ sĩ muốn tạo thiện cảm với cộng đồng gốc Việt trong những lúc gặp gỡ các cử tri.
Từ Hàng May Sẵn Đến Hàng Độc, Lạ
Bước vào những tiệm vải may áo dài trên phố Bolsa người ta có cảm giác choáng ngợp trước cả một rừng vải đủ màu sắc, đủ chất liệu dùng để may áo dài. Từ tơ, lụa, voan, nhung, the, gấm. Từ vải dệt in nền nã. Cho đến vải được vẽ thêm những họa tiết từ đơn giản đến rườm rà. Hay vải được đính thêm cườm, thêm kim tuyến. Hoặc vải được cắt ráp, đắp bông. Cao cấp hơn thì còn có vải độc quyền từ những chiếc khăn choàng của những hãng thời trang nổi tiếng, qua tay những người thợ may, những nhà tạo mẫu, chiếc khăn choàng trở thành những thân áo dài độc nhất vô nhị, khiến những người người nhìn thấy phải thán phục bởi chúng đẹp và độc đáo, ít bị “đụng hàng”.
Vải áo dài có đủ loại giá. $30, $50, $70, $100, $200, $400, $600, và trên $1,000. Với giá nào người mua cũng có thể lựa được cho mình một tấm áo dài ưng ý.
Ai ai cũng có thể sắm cho mình một bộ áo dài, nếu người mua ít tiền, có thể sắm những chiếc áo dài may sẵn, là những chiếc áo dài may hàng loạt từ Việt Nam nhập qua, có giá khoảng từ $20 một bộ đến $65, $ 90, $100… một bộ, nên ngày càng có nhiều người mua áo dài may sẵn. Vì đôi khi người mua chỉ mặc vào dịp Tết, nếu sắm đắt thì tiếc tiền. Sắm rẻ mỗi năm mỗi sắm để có nhiều áo thay đổi. Còn những người sành điệu, có tiền thì không mua áo may sẵn, mà sẽ chọn mua những loại vải rồi đặt may.
Nhiều du khách từ phương xa tới thăm Little Saigon đôi khi nhìn thấy vải đẹp, họ muốn mua và may, chỉ 2 ngày sau là có áo mang về. Hay khi khách cần gấp, hôm trước lựa vải, hôm sau cũng đã có áo. Còn muốn nhanh hơn thì chọn mua áo may sẵn, loại đẹp hơn nên cũng mắc hơn, có giá khoảng $200- $300- $400 đều có đủ màu sắc, kiểu dáng để khách hàng lựa chọn.
Ai cũng có thể mặc áo dài xuống phố, mặc áo dài đi chơi, mặc áo dài đi lễ chùa, lễ nhà thờ, mặc áo dài đi dự tiệc. Áo dài đẹp không chỉ vì thiết kế áo dài đến nay đã đạt đến sự hoàn hảo sau nhiều lần thay đổi, giúp người mặc duyên dáng, thanh lịch, nền nã và cũng không kém phần hấp dẫn chết người, mà áo dài đẹp còn vì có rất nhiều câu chuyện về lịch sử, truyền thống của văn hóa Việt gắn với chiếc áo. Những nàng thiếu nữ sinh ra tại Mỹ khi khoác lên mình chiếc áo dài, họ không chỉ có dịp học hiểu hơn về văn hóa Việt qua trang phục dân tộc mà còn học sự dịu dàng, vén khéo khi đi, đứng, ngồi, trò chuyện với người đối diện. Khi mặc áo dài, hẳn ai cũng thấy mình đẹp hơn, truyền thống hơn. Vì vậy, với người Việt không chỉ ở phố Bolsa và hải ngoại, áo dài sẽ mãi luôn là một trong những hành trang giúp nhắc nhớ về văn hóa dân tộc, áo dài vẫn sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển mãi theo thời gian.