
Hải Quân Hoa Kỳ tiếp tục duy trì hiện diện thường xuyên tại Biển Đông. Theo thông tin mới nhất của Hạm Đội 7, khu trục hạm USS Barry, thuộc hải đội khu trục hạm số 15, đã trở lại Biển Đông với nhiệm vụ được giao phó là bảo vệ an ninh hàng hải và ổn định trong khu vực.
Trong năm nay, khu trục hạm trang bị tên lửa hành trình này từ Nhật Bản đã bốn lần băng qua eo biển Đài Loan để xuống Biển Đông.
Hôm 22/11/2020, trong chuyến công du đến một số nước châu Á,
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien dõng dạc nói trước các sinh viên Học viện Ngoại giao cộng sản rằng : “Quyền thừa hưởng những nguồn tài nguyên ở Biển Đông không thể bị cướp mất chỉ đơn giản vì một nước láng giềng lớn hơn và thèm muốn những gì thuộc về các bạn”.
Không phải ngẫu nhiên mà ông Robert O’Brien nói như thế. Câu nói này có thể ngầm hiểu rằng, Hoa Kỳ sẵn sàng giúp cộng sản Việt Nam bảo vệ chủ quyền, nhưng ít nhất thì cộng sản Việt Nam cũng phải tỏ rõ thái độ, và cụ thể hơn là giới trẻ Việt Nam phải dũng cảm đứng lên, thậm chí có thể phải đố đầu với những tên lãnh đạo cộng sản vì lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm mà sẵn sàng bán nước cho giặc.
Mỹ cam kết giúp Philippines bảo vệ chủ quyền
Sau khi rời Việt Nam, Cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Trump đến Manila ngày 23/11/2020 với lời khẳng định sẽ giúp Philippines chống lại các mối đe dọa biển đảo từ Trung Quốc. Robert O’Brien nhắc đến bổn phận của Mỹ qua hiệp ước phòng thủ hỗ tương Mỹ-Phi từ năm 1951.
Sau chuyến viếng thăm Việt Nam, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ đến Manila. Trong buổi lễ trao tặng cho quân đội Philippines nhiều loại vũ khí mới, được tổ chức trong ngày thứ Hai với sự hiện diện của Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr, ông Robert O’Brien tuyên bố Hoa Kỳ «sẽ bảo vệ chủ quyền quốc gia và các nguồn tài nguyên trên biển của Philippines đúng theo quy định của luật quốc tế ».
Lập trường của Mỹ tại Biển Đông, cũng theo ông Robert O’Brien, đã được ngoại trưởng Mike Pompeo xác quyết trong tuyên bố hồi tháng Hai năm nay : « Mọi cuộc tấn công quân sự vào quân đội Philippines, vào phi cơ hay thương thuyền của nước này trong vùng Biển Đông, sẽ buộc Hoa Kỳ thực hiện bổn phận tương trợ phòng thủ với Philippines ».
Ngoài hiệp định 1951, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ còn xác quyết là Washington ủng hộ quyết định của Tòa Trọng Tài Thường trực La Haye công bố ngày 12/07/2016 sau khi xem xét lập trường của Philippines, bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông. Đánh động tinh thần tự hào của người dân Philippines, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ nhấn mạnh « tài nguyên thiên nhiên của Philippines là của thế hệ con, cháu của quý vị … mà không thuộc một nước nào khác, dù lớn hơn hay mạnh hơn Philippines, cũng không thể bị chiếm đoạt và mang đi được», theo tường thuật của báo mạng Inquier.net. Cũng theo nguồn tin này, vũ khí mới của Mỹ viện trợ cho quân đội Philippines trị giá 18 triệu đô la gồm bom thường, bom bộc phá hầm bê tông, tên lửa TOW 2A. Theo tuyên bố của ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr, số vũ khí này được tổng thống Donald Trump hứa tặng cho Philippines để chống khủng bố Hồi Giáo nhân cuộc điện đàm hồi tháng Tư năm nay với tổng thống Duterte.
Câu hỏi đặt ra ở đây vì sao Hoa Kỳ lại sốt sắng với vấn đề biển Đông như thế?
Chúng ta phải thừa nhận rằng, không một quốc gia nào trên thế giới bỏ công sức thậm chí là cả máu để bảo vệ quyền lợi cho một quốc gia khác một cách vô vị lợi.
Tóm lại đây là sự cộng sinh và các bên đều cùng có lợi
Nhìn lại vị trí chiến lược của biển Đông
Thực tế Biển Đông được xem là có vị thế địa chiến lược trọng yếu không chỉ đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ bao quanh, mà còn đối với khu vực Đông Á và thế giới. Trước hết vì Biển Đông nằm trên tuyến hàng hải huyết mạch nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, Châu Âu – Châu Á, Trung Đông – Châu Á. Là một phần của tuyến đường biển nối trực tiếp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Biển Đông đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thương mại hàng hải toàn cầu.
Điểm trọng yếu thứ hai của Biển Đông là các đảo, quần đảo ngoài khơi, như Hoàng Sa và Trường Sa đều nằm ở vị trí trung tâm – một trong những nơi có nhiều tuyến đường hàng hải đi qua nhất trên thế giới.
Các quần đảo này đóng vai trò quan trọng với tư cách là các vị trí phòng thủ chiến lược trọng yếu đối với nhiều quốc gia trong khu vực Biển Đông. Đồng thời là các cơ sở hậu cần phục vụ các hoạt động biển xa, như kiểm soát các tuyến hàng hải đi qua lạ trên Biển Đông, dùng cho mục đích quân sự như đặt trạm ra-đa, các trạm thông tin, xây dựng các trạm dừng và tiếp nhiên liệu cho tàu thuyền, v.v. Các chiến lược gia phương Tây cho rằng quốc gia nào kiểm soát được quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ kiểm soát và khống chế được toàn bộ Biển Đông.
Ngoài ra, khu vực Biển Đông còn có những eo biển quan trọng đối với nhiều quốc gia và với 4 trong 16 con đường chiến lược của thế giới nằm trong khu vực Đông Nam Á. Đó là các eo biển: Malacca, Luzon, Lombok, Sunda, Makascha và Ombai-Wetar. Đặc biệt, eo biển Malacca (nằm giữa đảo Sumatra của Indonesia, Malaysia và Singapore) có vị trí vô cùng quan trọng vì tất cả hàng hóa của Đông Nam Á và Bắc Á đều phải đi qua Biển Đông. Đây cũng là eo biển có lượng tàu thuyền đi qua nhộn nhịp và lượng dầu vận tải hàng năm qua đây chiếm vị trí thứ 2 thế giới, sau eo biển Homuz (Iran).
Bởi thế, không có gì ngạc nhiên khi Trung cộng bằng mọi giá, mọi thủ đoạn muốn độc chiếm biển Đông, và có lẽ Hoa Kỳ cũng nhìn ra vị trí chiến lược này, nhất là dưới thời tổng thống Donald Trump, vấn đề biển Đông được Hoa Kỳ ‘chăm sóc’ khá kỹ
Phương Nghi (tổng hợp)