Phương Đan
Hầu như các cặp vợ chồng sống trên quả địa cầu này dù đó là đôi vợ chồng rất yêu nhau, nhưng cũng sẽ có lúc không sao tránh khỏi việc cãi nhau. Trong đời sống vợ chồng mâu thuẫn nhỏ là không thể tránh khỏi, nhưng làm sao để nó không trở thành mâu thuẫn lớn? Vợ chồng tranh cãi là không thể tránh, thế nhưng giữa việc tranh luận về một vấn đề với việc cãi vã lớn rồi chia tay là hai chuyện hoàn toàn khác. Thông qua những lần xích mích cãi vã, vợ chồng mới có cơ hội để biết thêm về nhau, thấu hiểu cách nhìn nhận cũng như quan điểm của nhau, đồng thời học cách chia sẻ và thông cảm cho nhau. Có những đôi vì quá hiểu nhau nên không có xích mích hay mâu thuẫn, nhưng cũng có những đôi vì chẳng hiểu gì, và chẳng mong muốn hiểu thêm điều gì, nên mới không cãi nhau. Điều mấu chốt của việc vợ chồng cãi nhau như thế nào để sau đó cả hai người cảm thấy tình cảm đi lên chứ không phải là đi xuống. Nếu như bạn khéo léo, mọi mâu thuẫn lớn nhỏ sẽ giải quyết hết, nhưng khi bạn không biết cách xử lý trước mỗi tình huống, những mâu thuẫn của bạn sẽ chất chồng, và đến một lúc nào đó, nó sẽ bốc thành ngọn lửa phá hỏng đời sống vợ chồng của bạn.
Bình thường bạn bực mình nếu có người tỏ ra cục cằn với bạn. Bạn có thể nghĩ: “Đồ thô lỗ” nhưng nếu bạn bộc lộ bản chất hung hăng thì chính bạn đang mở màn cho cuộc chiến và điều đó chỉ làm cho tình thế xấu hơn. Cách tốt nhất, hãy biết cách kiềm chế cơn tức để không phải hối hận sau này. Vậy làm sao để khi có mâu thuẫn, tránh cãi nhau với người phối ngẫu?
Khi hai người có mâu thuẫn, cả hai đều nóng giận chỉ muốn nói thật to quan điểm của mình và trấn áp người khác mà không ai nghĩ đến việc lắng nghe bạn đời. Điều đó chỉ khiến cho mâu thuẫn phát sinh và bùng nổ to hơn. Vì khi ta tức giận, chắc chắn sẽ nói những câu khó nghe và gây tổn thương người khác. Vậy tại sao không thay bằng tranh nhau nói, hãy để cho một người nói, còn bạn lắng nghe để hiểu và thông cảm cho người ấy? Hiều nhau rồi thì khó gì mà không giải quyết được mâu thuẫn?
Một số phụ nữ có thói quen khi nổi cáu là tuôn ra hết những từ ngữ nặng nề để kể xấu bạn đời. Người ấy nghĩ rằng xả ra cho bỏ tức, nhưng những lời nói đó sẽ làm tổn thương bạn đời và khiến người bạn đời thấy rằng bạn quá hung dữ, thô lỗ.
Dù bạn đúng và chồng bạn sai thì bạn cũng cần tìm xem nguyên nhân cãi vã của hai người là từ đâu. Có rất nhiều lý do khiến cho chồng bực bạn và ngược lại, nhưng hãy tìm nguyên nhân của lần cãi nhau này. Tuyệt đối không mang những lỗi lầm của lần trước ra nói, hãy cố gắng tìm ra nguyên nhân và giải quyết nó một lần cho dứt điểm, đừng bao giờ để nó lại rồi tích tụ thành những nguyên nhân tranh cãi cho những lần sau.
Để tránh cãi nhau với chồng, bạn cần có chiến thuật riêng, không nên lúc nào cũng giải quyết mọi việc như nhau. Có lúc bạn cần nói trước và có khi nhường chồng nói trước, trong từng tình huống chọn lựa cách giải quyết phù hợp, tuy nhiên luôn phải đặt yếu tố bình tĩnh và tôn trọng người khác lên hàng đầu. Khi cảm thấy trong người đang bốc hỏa, bạn có thể đi rửa mặt để hạ hỏa.
Dù rằng bạn suy nghĩ chín chắn, hiểu biết vấn đề nhưng không có nghĩa là bạn luôn đúng, chồng luôn sai. Cũng sẽ có một lúc nào đó bạn không kiểm soát được bản thân và gặp sai lầm. Vì vậy, bao giờ cũng hãy cố gắng lắng nghe chaồng nói và nhìn lại bản thân mình, đừng bảo thủ cố chấp nghĩ rằng mình lúc nào cũng đúng. Nếu như vậy, bạn sẽ không bao giờ sửa sai được.
Nếu như thấy cả hai cùng nóng, sắp sửa thành một trận khẩu chiến nảy lửa thì tốt hơn hết là không nên cãi nhau nữa mà hãy đi tìm một chỗ khác để “hạ hỏa”. Bạn có thể đi vào phòng tắm rửa mặt, gọi điện cho bạn bè, hay đi mua sắm, làm việc khác để tránh phải gặp chàng lúc nóng giận. Chỉ điều đó mới khiến hai người có thời gian để suy nghĩ về lý do cãi nhau và tìm ra cách giải quyết.
Nếu bạn sai, xin lỗi và hứa không tái phạm, bạn đời bạn cũng như thế. Hãy có gắng thực hiện lời hứa cho mình, nó sẽ khiến cho cả hai tránh được những lần cãi vã kế tiếp. Luôn nhắc nhở bản thân bình tĩnh để không bao giờ phải khẩu chiến với chồng khiến cho cuộc sống gia đình căng thẳng và mệt mỏi.
Sau khi mâu thuẫn được giải quyết, đừng quên cảm ơn bạn đời đã nói chuyện cởi mở và chân thành với bạn giúp cho bạn hiểu được vấn đề.
Trong mọi trường hợp, nên lịch sự và nhẹ nhàng, Vì sao với người ngoài, mình dễ dàng nói hai tiếng xin lỗi, cảm ơn với họ, mà với bạn đời cùng sống chung một mái nhà với mình, mình lại ngại ngùng nói cảm ơn hay xin lỗi họ?
Nghệ Thuật Cãi Nhau của Vợ Chồng
Các chuyên gia về tâm lý hôn nhân gia đình khuyên rằng các cặp đôi khi không thể tránh được việc cãi nhau thì hãy tranh luận nhưng cũng cần phải có nghệ thuật. Làm thế nào để cãi nhau xong dễ làm lành, quan trọng nhất là tránh gây thương tổn cho người kia trong cuộc tranh cãi. Tất cả mọi cặp đôi đều cãi nhau, nhưng sau đó, có những đôi lứa cãi nhau để yêu nhau nhiều hơn, có những đôi sau cãi nhau để lại những vết thương lòng không bao giờ hàn gắn được.
Cãi nhau luôn mất thời gian, sức lực, tình cảm. Vậy đừng để tổn hại lớn như thế cho một chuyện vặt vãnh. Hãy biết lựa chọn những thứ đáng để cãi nhau. Chuyện cãi nhau của hai vợ chồng, hai người tự chịu, tự giải quyết. Không nên đem kể lể cho người thứ ba. Trong lúc giận dỗi đối phương, càng không nên tìm người thứ ba giải khuây.
(còn tiếp)