BÍ ẨN CỦA SỰ KHỔ ĐAU

0
853
Eckhart Tolle
Những kẻ sát nhân bị giam trong xà lim tử tội chờ hành hình, trong những giờ phút sau cùng của cuộc đồi, thường trải nghiệm trạng thái vô ngã và niềm an lạc sâu sắc xuất hiện bên trong họ. Sự phản kháng nội tại đối với hoàn cảnh chết người của họ tăng lên mãnh liệt khiến cho họ đau khổ cùng cực, vô phương trốn chạy đành phải thúc thủ chờ chết, thậm chí tâm trí cũng không sao phóng chiếu đến tương lai được nữa. Vì vậy họ buộc phải chấp nhận cái không thể chấp nhận được.
Đừng trách cứ cuộc sống đã đối xử bất công với bạn, cũng đừng trách cứ bản thân bạn – tất cả những thứ đó đều là phản kháng vô nghĩa. Nếu bạn mắc phải căn bệnh nặng, hãy thử lợi dụng nó để tỏ ngộ. Bất kể thứ gì “xấu” xảy ra trong đời bạn, hãy lợi dụng nó để chuyển hóa đau khổ thành ý thức, chuyển hóa bệnh tật thành bình an.
Đau khổ là không vâng phục, vậy làm sao có thể vâng phục cái không vâng phục cho được?
Nhưng khi nỗi đau khổ của bạn thật sâu sắc, thì tất cả mọi bàn bạc về vâng phục dường như đều không cần thiết và vô nghĩa.
Rất có thể bên trong bạn nẩy sinh thôi thúc tìm cách trốn chạy thay vì vâng phục nó. Bạn không muốn cảm nhận cái bạn đang cảm nhận được. Còn gì bình thường hơn? Thế nhưng vô phương chốn chạy, không còn ngõ thoát. Có nhiều cách trốn chạy hư dối – như làm việc, rượu chè, ma túy, giận dữ, quy chiếu cảm giác (projection), đè nén, và vân vân chẳng hạn – nhưng chúng không giải thoát khỏi khổ đau. Đau khổ sẽ không giảm bớt cường độ khi bạn giải quyết nó bằng biện pháp vô minh. Khi bạn chối bỏ tình cảm đau khổ, thì mọi việc bạn làm, mọi điều bạn nghĩ, cũng như cái mối quan hệ của bạn đều bị ô nhiễm bởi đau khổ ấy. Bạn phát tán nó ra, hay khi năng lượng ô nhiễm ấy toát ra, thì những người khác vô tình phải hứng chịu nó. Nếu họ cũng vô minh, họ thậm chí có thể cảm thấy buộc lòng phải công kích hay làm tổn thương bạn theo cách nào đó, nếu không bạn có thể làm tổn thương họ bằng cách bất thức phóng chiếu nỗi đau khổ của bạn.
Khi không còn ngõ thoát, vẫn luôn có một lối xuyên thấu dành cho bạn. Cho nên đừng quay lưng với đau khổ. Bạn hãy đối mặt với nó.
Thật ra sợ hãi và đau khổ có thể chuyển hóa thành thanh thản nội tại, vốn xuất phát từ chốn vô cùng sâu thẳm – từ chính cõi Phật tánh Bất thị hiện. Nó là “bình an của Thượng đế, vượt lên trên tất cả mọi hiểu biết của con người”. So sánh với điều đó, hạnh phúc của cảm giác hay tâm trí thực ra chỉ là thứ thô thiển.
Cơ hội thứ nhất của bạn là đối với từng khoảnh khắc bạn hãy vâng phục trước thực tại của khoảnh khắc ấy. Biết rằng cái “đang là” không thể không xảy ra – bởi vì nó vốn đã hiện hữu – thì bạn hoặc vâng phục hoặc không vâng phục cái “đang là” ấy. Nếu bạn lưu trú trong trạng thái chấp nhận này, bạn sẽ không tạo ra thêm tiêu cực, thêm đau khổ, thêm bất hạnh nữa. Lúc ấy bạn sống trong trạng thái ân sủng và khinh an, tuyệt không còn có ý tranh đoạt gì nữa.
Khi bạn không thể làm như thế, khi bạn bỏ lỡ cơ hội đó, vì bạn không hiện trú hiện sinh đúng mức để ngăn không cho một khuôn mẫu thói  quen vô minh nẩy sinh, bạn gây ra một hình thức đau khổ nào đó từ chính sự phản kháng của bạn.
Giờ đây là cơ hội thứ hai để bạn vâng phục: rằng nếu bạn không thế chấp nhận cái đang là bên ngoài, vậy hãy chấp nhận cái đang là bên trong. Tức là: Đừng phản kháng đau khổ. Hãy để cho nó hiện hành. Hãy vâng phục nỗi sầu khổ, thất vọng, sợ hãi, cô đơn, hay bất cứ hình thức đau khổ nào khác. Quan sát nó mà không để cho tâm trí đặt tên hay gắn nhãn hiệu cho nó. Hãy ôm trọn lấy nó. Rồi quan sát xem phép lạ vâng phục chuyển hóa đau khổ sâu sắc thành an lạc sâu sắc ra sao. Đây là “trường hợp đóng đinh cứu chuộc” của bạn. Hãy để cho nó trở thành sự hồi sinh, sự phục sinh của bạn.
Hãy tập trung mọi chú ý của bạn vào cảm nhận, chứ không vào con người, sự kiện, hay hoàn cảnh dường như đã gây ra nỗi đau khổ ấy. Đừng để cho tâm trí mặc tình sáng tạo một hình ảnh nạn nhân từ nỗi đau khổ ấy, rồi gán ghép hình ảnh ấy cho bạn. Việc làm này sẽ khiến cho bạn bị mắc kẹt thêm trong vòng đau khổ. Khả năng duy nhất là tiến sâu vào nó; nếu không, sẽ chẳng có gì thay đổi cả.
Khi tiến vào cảm nhận ấy, khi có sự thôi thúc trốn chạy xuất hiện, bạn hãy quan sát chứ đừng tác động đến thôi thúc ấy. Tiếp tục tập trung chú ý vào nỗi khổ đau của bạn, không ngừng cảm nhận cơn sầu khổ, sợ hãi, khủng khiếp, cô đơn, bất kể nó thuộc dạng tiêu cực nào. Hãy cảnh giác, hãy hiện trú – hiện trú với toàn bộ Bản thể hiện tiền của bạn, với mọi tế bào trong cơ thể bạn. Làm như vậy, bạn rọi tia sáng vào vùng bóng tối này. Đây là tia sáng ý thức rực rỡ của bạn.
Ở giai đoạn này, bạn không cần quan tâm đến sự vâng phục nữa. Nó xảy ra rồi. Chú ý triệt để chính là chấp nhận hoàn toàn, chính là vâng phục. Bằng cách chú ý như thế, bạn sử dụng sức mạnh của cái Bây giờ, vốn là sức mạnh hiện trú hiện sinh của bạn. Không hang ổ che giấu phản kháng nào có thể tồn tại bên trong bạn được. Hiện trú giải trừ thời gian. Không có thời gian, thì không có nỗi đau nào, không tiêu cực nào có thể tồn tại được.
Chấp nhận đau khổ là chuyến du hành tiến vào cái chết. Đối mặt với đau khổ sâu sắc, cho phép nó hiện hành, và tập trung chú ý vào diễn biến của nó chính là tỉnh thức tiến vào cái chết. Chết theo kiểu này, bạn mới nhận ra rằng thực sự không có cái chết – và không có gì để sợ hãi. Chỉ có cái tự ngã hư ngụy mới chết đi.
Trong từng khoảnh khắc bạn hãy chết đi với quá khứ, và hãy để cho ánh sáng hiện trú của bạn đánh tan đi cái tôi mê muội, nặng nề, và bị trói buộc bởi thời gian mà bạn nghĩ là “con người bạn”.
Nhiều người thuật lại rằng họ đã tìm thấy Thượng đế thông qua nỗi đau khổ sâu sắc của họ, và có thành ngữ Kitô “con đường khổ giá”. Thực ra là họ không tìm thấy Thượng đế thông qua đau khổ, bởi vì qua đau khổ hàm ngụ phản kháng. Họ tìm thấy Thượng đế thông qua vâng phục, thông qua hoàn toàn chấp nhận cái đang là, mà họ bị buộc phải tiến vào đó bởi vì nỗi đau khổ cùng cực của mình, rằng nỗi đau khổ ấy do tự tạo mà có.
Bởi vì phản kháng không thể tách rời khỏi tâm trí, cho nên từ bỏ phản kháng – tức là vâng phục – là kết thúc vai trò chủ nhân của tâm trí, kẻ mạo danh giả vờ là “con người bạn”, vốn là vị thần giả tạo. Tất cả mọi phán xét và mọi thứ tiêu cực đều tan biến đi. Vốn đã từng bị tâm trí che khuất đi, lãnh địa của Bản thể hiện tiền giờ đây mới mở ra. Đột nhiên, sự tĩnh lặng lớn lao phát sinh bên trong bạn, kèm theo đó là cảm giác bình an thanh thản khôn cùng. Và bên trong sự an bình đó có niềm vui lớn lao. Bên trong niềm vui đó, tình yêu thương triển nở. Và tận cốt lõi sâu thẳm nhất, có cái linh thiêng, cái vô lượng vô biên, cái không sao gọi tên được.
Thượng đế chính là tên gọi khác của Bản thể Phật tánh hiện tiền trong hiện tại. Ở đây không thể có mối quan hệ chủ khách, không hề có tình trạng phân hai đối đãi, không có bạn và Thượng đế. Nhận biết Thượng đế là sự việc tự nhiên nhất, sự kiện đáng kinh ngạc và không thể hiểu được. Con đường “khổ, vô thường, vô ngã” hay con đường thập tự giá (the way of the cross) là con đường dẫn đến giác ngộ của người xưa, và mãi đến gần đây nó vẫn là con đường duy nhất.
Con đường khổ giá là hành trình đảo ngược hoàn toàn. Tức là điều tệ hại nhất trong đời bạn, nỗi thống khổ cùng cực của bạn, biến thành điều tốt lành nhất từng xảy đến cho bạn, bằng cách buộc bạn tiến vào trạng thái vâng phục, tiến vào “cái chết”, buộc bạn trở thành cái không gì cả, trở thành Thượng đế – bởi vì Thượng đế cũng chính là cái không, cái hư vô, cái không gì cả.
Hiện nay đối với đa số người vô minh, con đường khổ giá vẫn là biện pháp duy nhất, họ sẽ chỉ thức tỉnh thông qua đau khổ.
Giác ngộ thông qua đau khổ – tức con đường khổ giá – có nghĩa là bị buộc phải tiến vào vương quốc thiên đàng trong trạng thái quẫy đạp và la hét vì đau đớn đến cùng cực. Cuối cùng bạn sẽ vâng phục trong trạng thái hiện trú thay vì trong thời gian. Tức là chấp nhận cái đang là, lúc ấy bạn không cần đau khổ nữa. Và đây là cách bạn thay đổi thế giới.
Có một thứ gì đó bên trong bạn vẫn không bị tác động bởi các tình huống hay hoàn cảnh sống của bạn, đó chính là sức sống từ nguồn cội của bạn. Vâng phục đáp ứng hay chấp nhận cái “đang là” mà không phản ứng đối kháng hay sợ hãi né tránh, hay chỉ là quan sát xem điều gì sẽ xảy ra thôi, thì bạn mới có thể tiếp cận được với sức sống nguồn cội ấy.
Sự vâng phục không chuyển hóa cái đang là, mà là chuyển hóa bạn. Khi bạn được chuyển hóa, toàn bộ thế giới của bạn cũng được chuyển hóa, bởi vì thế giới ấy chỉ là một hình ảnh phản chiếu.
(Thiện Võ lược trích từ “SỨC MẠNH CỦA HIỆN TẠI” – Tác giả: Eckhart Tolle)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here