
Liên Hiệp Quốc hôm 24/10/2020 thông báo Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân vừa được Honduras, quốc gia thứ 50 phê chuẩn và như vậy, hiệp ước này sẽ có hiệu lực trong vòng 90 ngày tới. Trong một thông cáo, ông Peter Maurer, chủ tịch Ủy ban Quốc tế Chữ Thập Đỏ (CICR) cho rằng « đây là một thắng lợi cho nhân loại và một lời hứa hẹn về một tương lại an toàn hơn ». CICR từng được trao giải Nobel Hòa Bình năm 2017.
AFP nhắc lại, năm 2017, hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân – cấm sử dụng, phát triển, sản xuất, thử nghiệm, lắp đặt, lưu trữ và đe dọa sử dụng những loại vũ khí này – đã được 122 nước thành viên Liên Hiệp Quốc ủng hộ và được 84 quốc gia ký.
Như vậy, Honduras, sau Nigeria, Malaysia, Ailen, Malta, Tuvalu, là quốc gia thứ 50 phê chuẩn hiệp ước này. Văn kiện sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 21/01/2021.
Thông báo này mang tính biểu tượng cao trong bối cảnh có nhiều căng thẳng gay gắt về vấn đề giải trừ vũ khí. Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân tầm trung (INF) ký kết năm 1987 giữa Washington và Matxcơva, dẫn đến việc phá hủy khoảng 2.700 đầu đạn tên lửa có tầm bắn từ 500-5.500km, trên thực tế xem như đã hết hiệu lực kể từ năm 2019, khiến châu Âu không hài lòng.
Tổng thống Mỹ, Donald Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp ước khi cáo buộc Nga đã không tuân thủ. Hiệp ước New Start, đúc kết năm 2010, giữa Nga và Mỹ, sắp hết hạn vào đầu năm 2021, giờ được xem như là thỏa thuận hạt nhân sau cùng còn có hiệu lực. Hai bên hiện tạm thời đồng thuận về nguyên tắc triển hạn thêm một năm, thời gian để giải quyết nhiều vấn đề cơ bản.
Hãng tin Pháp lưu ý, trên thế giới hiện có 5 nước là sở hữu vũ khí hạt nhân : Hoa Kỳ, Anh Quốc, Pháp, Trung Quốc và Nga. Đây cũng là năm nước thành viên thường trực trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Theo RFI