Thưa Cô Diễm Hương, Em lớn lên trong một gia đình cha mẹ là thương gia, chỉ lo buôn bán làm ăn kiếm tiền để nuôi con, cho các con học xong trung học là mừng rồi. Cha mẹ không có thì giờ dạy dỗ con cái về mặt đạo đức, nhất là tìm hiểu về tôn giáo. Nhưng đại khái ba mẹ em tin ở luật Nhân quả, Nghiệp báo, Luân hồi… nên ba mẹ em sống bằng nghề cho vay, nhưng không có lấy lời “cắt cổ” vì sợ tội! Đôi khi em thấy mẹ em cúng kiến, cầu xin, nhưng không phải cúng Phật với hoa quả, mà cúng với heo quay, để đền ơn thần thánh phù hộ cho được áp phe lớn, hay tai qua nạn khỏi.
Mẹ em thường đi Châu Đốc cúng ngày Vía Bà Chúa Xứ. Mẹ em cúng nhiều tiền và thành khẩn khấn nguyện xin lộc là một trái cam hay một trái xoài để lấy hên. Mẹ em đem lộc về để trên bàn thờ và trân quý món quà lộc đó lắm. Mẹ em cũng hay phát gạo chẩn tế dân nghèo, phóng sinh, bố thí vv… nhưng không phải vì lòng thương người, thương vật, mà bố thí để mong cầu được nhiều phước đức, coi như một hình thức mua bán phước đức, trao đổi, hối lộ ơn trên. Nghe chỗ nào, đền nào, am nào, miếu nào linh thiêng là mẹ em cố tìm đến, cúng tế rất rộng rãi để cầu xin may mắn an lành, suông sẻ trong công việc làm ăn.
Thỉnh thoảng trong bạn bè có người theo đạo Phật mất, em cũng đi chùa dự lễ cầu siêu. Nhân cơ hội đến chùa này, em cố tìm hiểu chút ít về Phật giáo. Nhưng ở chùa Thầy đọc kinh tiếng Phạn, tiếng Ba li hay tiếng gì em chẳng hiểu gì cả. Em không hiểu sao quý thầy không dịch kinh ra tiếng Việt, cho phật tử dễ hiểu? Đọc kinh mà không hiểu nghĩa thì đọc làm gì?
Em thấy trong youtube nhiều hình ảnh Ngày Vía Bà ở nhiều đền thờ Mẫu ngoài Bắc, có rước kiệu, đông vui lắm. Những đền thờ, miếu thờ có giống như “chùa” thờ Phật không? Em nghe bạn em nói “Đức Phật không phải là Thượng Đế hay một vị thần linh, có quyền năng ban ơn hay giáng họa cho con người. Phật chỉ dạy con đường đi tới Giác Ngộ và Giải thoát”. Vậy Đức Phật đã giác ngộ điều gì và dạy điều gì ? Mình có nên đến chùa cầu nguyện “Phật độ” cho được may mắn, bình an không?
Thanh Lan Trần
Trả lời:
Tôi không biết nhiều về đạo thờ Mẫu, thờ Bà Chúa Xứ, nên không thể so sánh sự khác biệt của những những đạo này với đạo Phật. Tôi chỉ biết chút ít về giáo lý đạo Phật qua các bài giảng của quý thầy trong kinh sách và trên các diễn đàn điện tử.
Đạo Phật do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sáng lập tại Ấn Độ, cách nay hơn 2600 năm. Ngài là một con người như chúng ta, được sinh ra ở Vườn Lâm Tỳ Ni, là một hoàng tử, có tên là Tất Đạt Đa, con trai duy nhất của vua Tịnh Phạn và Hoàng Hậu Ma Da. Ngài có vợ là Công chúa Da Du Đà la và có con trai là La Hầu La.
Sau khi nhận thấy chân tướng khổ đau của kiếp người như Sinh, Lão, Bệnh, Tử và nhiều cảnh khổ ở đời… năm 19 tuổi, Ngài quyết tâm vượt hoàng cung đi tìm chân lý, để cứu độ chúng sinh. Trải qua năm năm tìm thầy học đạo, sáu năm tu khổ hạnh trong rừng già, sau bốn mươi chín ngày thiền định dưới cội Bồ Đề, Ngài thành đạo. Kể từ đó Ngài được gọi là Phật, là con người đã giác ngộ, đã giải thoát khỏi vòng sinh tử Luân Hồi. Sau đó Ngài đi thuyết giảng, hướng dẫn đạo pháp. Ngài sống thọ đến 80 tuổi.
Đạo Phật có ý nghĩa đơn giản như sau: Đạo là con đường. Phật là Giác ngộ, Giải thoát tối hậu. Con đường đi tới Giác ngộ và Giải thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử. Sau khi thành đạo dưới cội Bồ Đề, với thiên nhãn Ngài thấy được sự Luân Hồi. Con người sau khi chết, thân xác bị hủy hoại, nhưng Nghiệp lực dẫn tới sự tái sinh trong kiếp sống mới. Từ đó Phật dạy giáo lý Luân Hồi Sinh Tử.
Phật cũng dạy nhiều đạo lý như Nhân Quả, Nghiệp Báo và nhất là tin vào khả năng giác ngộ, giải thoát của chính mình. Đức Phật cũng tự thân chứng nghiệm giáo lý Duyên khởi, thấu rõ mối quan hệ hỗ tương của mọi sự vật hiện tượng. Nguyên lý duyên khởi nói rằng, tất cả hiện hữu trong thế giới bao la mênh mông này, không một hiện hữu nào có thể tồn tại một cách độc lập. Giáo lý căn bản của đạo Phật là Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo)
Sự Thật Về Khổ: Đây là một sự thật, kinh qua các vấn đề của đời sống, qua sinh, già, bệnh, chết, mong ước mà không được toại nguyện, thương yêu nhau mà phải chia lìa nhau…. Dù chúng ta có chối bỏ đến đâu đi nữa, thân này rồi một ngày sẽ già nua, bệnh hoạn và chết đi.
Sự Thật Về Tập: Còn gọi là nguyên nhân của khổ. Cái gì đã trói buộc chúng ta vào vòng bánh xe khổ lụy? Đức Phật thấy rằng sự trói buộc ấy nằm ngay trong tâm của mỗi người chúng ta, chúng ta bị trói buộc vì lòng ái dục, cố chấp vào quan điểm và ý kiến riêng và chúng ta đeo theo nó cũng chỉ vì vô minh của mình.
Sự Thật Về Dứt Khổ: Sự thật thứ ba là kết quả sau khi con người đã diệt trừ và chấm dứt được ái dục, nguồn gốc của mọi khổ đau. Nếu ai giải thoát được mọi trói buộc đau khổ bằng cách không khởi tâm điên đảo, phân biệt chấp trước với cuộc sống, thì người đó sẽ đạt được Niết Bàn ngay trong cuộc sống này.
Sự Thật Về Con Đường Dứt Khổ: Sự thật thứ tư này là con đường trực tiếp đưa đến sự giải thoát, chấm dứt khổ đau. Con đường này thường được diễn tả là Bát chính đạo, tức tám con đường chân chính hay còn gọi là tám bước nhiệm mầu dẫn đến an lạc hạnh phúc.
Dựa trên cái thấy “Tứ Diệu Đế”(Khổ, Tập, Diệt, Đạo). Ngài sáng tạo và chỉ cho chúng ta một con đường đi tới sự Giác Ngộ và Giải thoát. Đó là Bát Chánh Đạo (Chánh kiến, Chánh Tư Duy, Chánh ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định…) Đây là sự nghiệp vĩ đại, Đức Phật đã để lại cho nhân loại.
Đức Phật đã giác ngộ, giải thoát và Ngài đã vẽ lại con đường đó để chúng ta đi theo. Ngài đã đưa cho chúng ta một bản đồ. Ngài chỉ cho chúng ta thấy một con đường để đi tới. Không có một công thức huyền bí nào có thể đem ta ra khỏi những khổ đau. Mỗi người chúng ta phải tự thanh lọc tâm mình. Trong suốt 49 năm hoằng pháp Đức Phật đã giảng dạy rất nhiều giáo lý. Hai giáo lý căn bản, quan trọng trong Phật Giáo có thể nói là Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo.
Trả lời em câu hỏi, chúng ta có nên đi chùa cầu nguyện “Phật độ “không? Chữ độ mà em hỏi ở đây có nghĩa là “ban ơn phước” phải không? Đức Phật không phải là đấng toàn năng có khả năng ngăn chặn các thiên tai như bão lụt, động đất, sóng thần vv… hay đáp ứng tất cả lời cầu xin của mọi người để mọi người không khổ đau. Ngài không thể dùng thần thông đưa chúng sinh về cõi an lạc được. Phật cũng không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình. Lòng từ bi của Phật vô biên như ánh sáng mặt trời chiếu sáng khắp nơi, căn cơ chúng sinh không kể lớn hay nhỏ, thấp hay cao, ngu si hay đần độn đều được ánh mặt trời chiếu sáng. Nhưng khả năng tiếp nhận lời dạy của Phật vẫn khác biệt rất nhiều tùy theo nghiệp của mỗi chúng sinh. Các đức Phật, khi còn hành đạo Bồ Tát, đều phát lời nguyện “độ hết thảy chúng sinh”.
Vậy mà có nhiều đức Phật đã thành Phật rồi nhưng vẫn còn vô lượng chúng sinh chìm đắm trong biển khổ. Vì lời phát nguyện “độ chúng sinh” của các Ngài chỉ có nghĩa là đem ngọn đèn Trí Tuệ đi truyền bá, khuyên nhủ chúng sinh. Nếu chúng sinh không chịu vâng theo lời dạy mà tu hành, bản thân cứ tiếp tục làm chuyện ác, thì họ phải lãnh quả báo xấu, đúng theo quy luật nhân quả. Chư Phật và chư Bồ Tát không thể “độ” chúng sinh bằng cách xóa bỏ nghiệp ác của chúng ta được.
Nói cho dễ hiểu, Đức Phật là vị Dược sư vương, định bệnh “khổ” của chúng sinh, và cho toa thuốc chữa bệnh khổ. Nhưng chúng sinh có uống thuốc thì mới hết bệnh, còn chúng sinh không uống thuốc, mà cứ đi chùa, cầu xin Đức Phật độ cho hết bệnh, cho được điều mong muốn, thì Phật không thể “độ” (ban phước lành) cho mình hết bệnh hay ban ban phước cho mình có được cuộc sống an lành hạnh phúc được.
Trong khuôn khổ một cái thư, tôi không thể trình bày hết những giáo lý cao siêu Đức Phật dạy. Vậy em cố tìm hiểu thêm qua kinh sách hay qua những bài kế tiếp trong mục Gỡ Rối Tơ Lòng, tìm hiểu Phật pháp em nhé!
Diễm Hương,
Muốn liên lạc với Diễm Hương xin gởi thư về ViệtMỹMagazine.