Thưa Cô Diễm Hương,
Vấn đề tôn giáo hiện là trở ngại lớn cho tình duyên của em và bạn trai của em. Chúng em quen nhau từ nhiều năm qua, dự định là sẽ làm đám cưới khi anh ấy ra trường và có việc làm vững chắc. Nhưng cha mẹ hai bên không chấp thuận cuộc hôn nhân của chúng em vì khác tôn giáo.
Gia đình em theo đạo Thiên Chúa, đạo dòng. Ai ngoại đạo, muốn vô gia đình em thì phải vô đạo, chứ ba mẹ em không cho đạo ai nấy giữ.
Còn ba mẹ anh bạn em theo đạo Phật. Họ cũng nhất quyết không cho con theo đạo vợ, trừ khi anh ấy từ bỏ cha mẹ.
Thật ra thì anh bạn em, theo đạo Phật, nhưng anh ấy chẳng đi chùa, cũng không hiểu giáo lý nhà Phật. Anh ấy chỉ biết ba mẹ thờ cúng ông bà và khi gia đình có người mất, thì mời một ông sư đến đọc kinh và cử hành vài lễ cầu siêu ở chùa. Thầy đọc kinh ê a như thế nào anh ấy cũng chẳng hiểu lời kinh.
Ba anh ấy nói, anh ấy là con một, có bổn phận phụng dưỡng khi cha mẹ còn sống, và thờ cúng khi cha mẹ qua đời. Nếu anh ấy theo đạo vợ, không cúng kiến, bỏ đói ông bà, cha mẹ là mang tội bất hiếu!
Nếu muốn cưới vợ thì phải “từ” cha mẹ, chứ cha mẹ anh ấy không bao giờ chấp nhận cho anh ấy vô đạo. Đạo Phật là niềm tin truyền thống của ông bà cha mẹ để lại, mà nay tin theo vợ thì…yếu quá!.
Còn ba mẹ em thì cũng không hiểu gì đạo Phật, chỉ biết tôn giáo này qua hình ảnh của những ông sư và ni sư trong những buổi lễ tang của bạn bè. Có thể nói là ba mẹ em rất kỳ thị tôn giáo, cho các tôn giáo khác là mê tín.
Em thường nghe người ta nói, đạo nào cũng là đạo. Tôn giáo nào cũng dạy tín đồ ăn hiền ở lành, sống lương thiện, đạo đức để có được an lành hạnh phúc. Sau khi chết, người tốt lên thiên đàng, người xấu xuống địa ngục.
Em không hiểu có sự khác biệt nào giữa hai tôn giáo, để em cố gắng thuyết phục ba mẹ em và anh bạn thuyết phục ba mẹ anh ấy.
Em cũng không biết, hai người khác tôn giáo, khác niềm tin có thể sống chung hạnh phúc bên nhau lâu dài không?
Thu Thảo
Trả lời:
Nếu tôi có con, yêu thương người khác tôn giáo, thì tôi sẽ dễ dàng để cho con tôi được kết hôn với người nó yêu thương. Niềm tin là ở tinh thần, bắt buộc hình thức không đem lại ích lợi gì, chỉ làm khổ con cái. Sống với người cùng tôn giáo nhưng không hết lòng yêu thương, hy sinh cho nhau, chưa chắc con mình có hạnh phúc như mình mong muốn.
Tôi không theo học môn thần học hay tôn giáo nên không biết rõ chi tiết sự khác nhau giữa các tôn giáo.
Tuy nhiên theo sự hiểu biết đại cương của tôi thì các tôn giáo đều có chung một điểm giống nhau là khuyến khích tín đồ làm các việc lành, tránh việc xấu ác, luôn xây dựng đời sống đạo đức, biết yêu thương, tha thứ vv…Tuy nhiên Đạo Phật khác các tôn giáo khác ở chỗ Phật giáo không thừa nhận có một Thượng Đế sáng tạo, ngự trị và chi phối đời sống của con người
Theo đạo Phật, chúng ta khổ đau hay hạnh phúc là do mỗi con người tự tạo thành cùng với sự chi phối của dòng “nghiệp lực” có từ trước, cũng do chính mỗi con người tạo ra. Hạnh phúc hay khổ đau là do chính hành động của tự thân (do nghiệp tạo ra), không ai có quyền năng đặt để cho mình một số kiếp, một định mệnh.
Một điểm khác biệt nữa là theo đạo Phật, tất cả những gì có mặt trên cuộc đời này, trên thế gian này đều là duyên sinh, nghĩa là tất cả là vô ngã, vô thường, không có một thực thể nào bất biến, vĩnh hằng, cũng không ai làm chủ đời sống của con người, ngoại trừ chính họ. Cho nên muốn sống an lạc, hạnh phúc thì phải tu tâm dưỡng tánh, tự tạo chứ không thể cầu nguyện van xin ơn trên ban phát mà có được.
Có đạo cho rằng, con người chỉ có một kiếp sống hiện tại. Sau khi chết rồi, thì người tốt sẽ lên thiên đàng, và người xấu ác xuống địa ngục. Kiếp sống của con người chấm dứt và sẽ ở đó mãi mãi. Nhưng đạo Phật thì tin có Luân Hồi sinh tử.
Nghĩa là sau khi chết, thân xác vật chất bị hủy hoại, nhưng thần thức, nghiệp lực của người chết còn tiếp tục, sẽ tái sinh trong một đời sống mới. Trong đời sống mới đó, nghiệp lực sẽ hướng dẫn tái sinh vào một trong ba cõi (cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc) hay vào sáu nẻo luân hồi (lục đạo) theo thứ tự từ cấp cao là Thiên, Người, A-tu-la, Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc sanh. Ba cảnh giới đầu dành cho nghiệp lành, ba cảnh giới sau dành cho nghiệp xấu ác.
Nghiệp là gì? Nghiệp là hành động hay lời nói hay ý nghĩ lập đi lập lại nhiều lần trong đời sống con người. Nó mang ý nghĩa thiện ác của một hành động, phát sinh từ Tâm của chúng ta, có thể là nghiệp thiện hay nghiệp ác. Nghiệp gồm có thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Đức Phật phân chia cụ thể thành mười loại:
– Thân nghiệp có ba loại: sát sinh, trộm cắp, tà dâm.
– Khẩu nghiệp có bốn loại: nói dối, nói hai chiều, thêu dệt, nói lời xấu ác.
– Ý nghiệp có ba loại: tham lam bỏn xẻn, sân si hận thù oán, tà kiến cố chấp.
– Đó là mười bất thiện nghiệp căn bản, đưa đẩy chúng sinh trôi dạt trong sáu nẻo luân hồi.
Nhân quả và Nghiệp có quan hệ chặt chẽ với nhau. Nghiệp chính là dòng vận hành của Nhân Quả mà Tâm là nền tảng phát sinh hay đoạn diệt. Tâm tốt thì tạo nghiệp tốt, tâm xấu sẽ tạo nghiệp xấu.
Đạo Phật dạy con người biết tu tập phải luôn luôn phát triển bốn tâm cao quý vô lượng đó là Từ, Bi, Hỷ, Xả. Những nghiệp lành do bốn đức tính này tạo nên sẽ phát triển nhiều đức tính trong sáng và lành mạnh. Ba tam độc là Tham, Sân, Si sẽ đưa đến phiền não, khổ đau.
Trong thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp, chính ý là tâm thức, là yếu tố quyết định để tạo thành nghiệp (Nhất thiết duy tâm tạo). Nghiệp là một hành động có sự cố ý của Tâm. Khi con người tạo nghiệp xấu ác thì phải trả quả báo, không trốn tránh đi đường nào được, trừ khi tự họ sám hối, tu tập, chuyển hóa nghiệp ác thành nghiệp lành.
Nhiều tôn giáo khác trên thế giới tin rằng có sự hiện hữu của một Thượng Đế hay nhiều vị thần linh… sáng tạo và làm chủ đời sống của con người. Thượng đế hay thần linh có thể ban phước hay tha tội cho một chúng sinh tội lỗi.
Theo đạo Phật nguyên thủy, chỉ khi nào một chúng sinh đạt được giác ngộ tối hậu như Đức Phật hoặc các vị Thánh A La Hán mới có thể thực sự giải thoát khỏi vòng Luân Hồi. Trong đạo Phật phát triển thì tin, có các vị Bồ Tát nguyện đi vào cõi luân hồi để hóa độ chúng sinh. Do đó có hai con đường để đi vào vòng luân hồi, một là nguyện lực tái sinh, hai là nghiệp lực tái sinh, là sự bị bắt buộc phải tái sinh vào một cõi nào đó.
Niềm tin căn bản trong Đạo Phật là Nhân Quả và Nghiệp Báo. Nhân quả và nghiệp báo là hai vấn đề gắn liền với đời sống thực tế của con người. Nó cũng được coi là lý do hiện hữu của con người trong vòng luân hồi tái sinh. Nhân là nguyên nhân hay là nguyên động lực dẫn đến một kết quả cụ thể và Quả là cái kết cuộc được hình thành từ các nguyên nhân.
Phật giáo không tin có một Thượng Đế và độc tôn. Đạo Phật được định nghĩa như thế này: Đạo là con đường; Phật là sự giác ngộ, giải thoát tối hậu. Do đó yếu tính của đạo Phật là con đường đưa đến sự giác ngộ, giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi.
Điều quan trọng nổi bậc trong giáo lý của đạo Phật là tất cả chúng sinh đều có Phật tính và đều có khả năng thành Phật. Phật nói: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Sự giác ngộ, giải thoát tối thượng là chân lý bình đẳng đối với tất cả chúng sinh. Đó không phải là một ân sủng đặc biệt dành cho riêng ai. Đây là quan điểm bình đẳng vĩ đại, khó có thể tìm thấy ở những tôn giáo Thần quyền khác.
Kinh điển của đạo Phật rất nhiều và có nhiều môn phái khác nhau. Nhưng đơn giản có thể tóm tắt trong ba câu:
– Không làm việc ác,
– Làm các việc lành
– Giữ tâm ý trong sạch.
Các đạo lý căn bản như Nhân Quả, Nghiệp báo, Luân Hồi, Tái sinh, Vô thường, Vô Ngã, Duyên sinh… sẽ giúp con người có được đời sống an lạc, hạnh phúc và xa hơn là có thể chuyển hóa dòng Nghiệp của đời này và đời sau.
Đọc tới đây thì em thấy có sự khác biệt giữa các tôn giáo. Người khác niềm tin tôn giáo có thể sống chung hòa bình với nhau. Vậy vấn đề gây ra “đau khổ” cho em hiện tại không phải là sự khác biệt của các tôn giáo mà là…sự chấp ngã và chấp pháp của những bậc làm cha mẹ.
Nói đơn giản là tính cố chấp, luôn tự cho mình là đúng, cái gì của mình đều tốt nhất…Cái của người khác là sai, là xấu, là mê tín…Nếu mọi người nhận thức được cố chấp là nguồn của khổ đau, thì chỉ cần phá bỏ tính cố chấp, thì sẽ có được an lạc và hạnh phúc cho chính mình và cho những người chung quanh. Em có đồng ý như vậy không?