
Ngày 23/8, hàng trăm ngàn người Belarus phớt lờ hiện diện của quân đội để tiếp tục xuống đường biểu tình đòi Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko từ chức.
Nhà lãnh đạo Belarus Lukashenko được trông thấy trên truyền hình với áo chống đạn và đeo súng khi bị người biểu tình bao vây nơi ở.
Đợt biểu tình kéo dài lần này tạo nên thách thức lớn chưa từng thấy trong 26 năm tại nhiệm của ông Lukashenko và thử thách lòng trung thành của các lực lượng an ninh.
Những tuyến phố ở thủ đô Minsk nhuốm màu đỏ và trắng khi người biểu tình giương cờ đòi ông Lukashenko từ chức để tổ chức bầu cử lại.
Đám đông tuần hành về khu dinh thự của ông Lukashenko tại Cung điện Độc lập ở rìa phía bắc thủ đô, sau đó một nhóm nhỏ hơn tiến sát tòa nhà đến mức chỉ còn cách 10-20m, theo mô tả của Reuters.
Hình ảnh trên truyền hình nhà nước cho thấy ông Lukashenko, xuất thân là giám đốc một nông trại nhà nước thời Liên Xô, bay bằng trực thăng trên đám đông rồi sau đó là hình ảnh ông mặc áo chống đạn và ôm súng.
Một số người biểu tình bên dưới hô “kẻ hèn nhát” khi thấy một trực thăng bay lên từ khu dinh thự.
Tổng thống Belarus – Loukachenko chọn đối đầu với người biểu tình!
Trước phong trào phản kháng vẫn luôn mạnh mẽ ở Belarus với hàng trăm ngàn người xuống đường hôm 23/08/2020, tổng thống Alexandre Loukachenko chọn lựa đối đầu, bất chấp nguy cơ kéo đất nước vào vòng xoáy bạo lực.
Video được Phủ tổng thống đăng trên Telegram tối qua cho thấy trực thăng chở ông Loukachenko hạ cánh trước Phủ tổng thống, trong khi các cuộc biểu tình rầm rộ của đối lập đang diễn ra cách đó không xa. Tổng thống xuất hiện với khẩu súng Kalachnikov trên tay, mặc áo giáp bên ngoài trang phục màu đen, con trai ông 15 tuổi mặc quân phục.
Chừng như Loukachenko quyết tâm « tiêu thổ kháng chiến » để giữ ghế : ông cảnh báo những nhà máy nào đình công sẽ bị đóng cửa. Một số công nhân đình công bị sa thải, kết quả là số người đình công giảm dần. Để thay thế các thợ mỏ của Belaruskali, Loukachenko thông báo sẽ đưa đến «những người Ukraina», các nhà báo đình công được thay bằng các «chuyên gia Nga».
Hôm 21/08, Loukachenko tuyên bố sẽ tái lập trật tự. Những vụ bắt bớ tái diễn trong những ngày gần đây, các thành viên của Hội đồng điều phối do đối thủ Svetlana Tikhanovskaia đang lưu vong lập ra bị khởi tố. Sáng qua bộ trưởng Quốc Phòng đe dọa sẽ gởi quân đội đến hỗ trợ cho lực lượng cảnh sát chống bạo động.
Nắm quyền suốt 26 năm qua, Alexandre Loukachenko, 65 tuổi, hứa hẹn sẽ «giải quyết rốt ráo» phong trào phản kháng mà ông cáo buộc là do âm mưu của phương Tây. Tổng thống đặt quân đội trong tình trạng báo động, với việc cho rằng NATO đang giựt dây từ bên ngoài biên giới Belarus.
Trong khi đó, hôm 23/08/2020, là Chủ Nhật lần thứ hai liên tiếp, tại thủ đô Minsk và nhiều thành phố lớn của Belarus, đông đảo người dân xuống đường phản đối tổng thống Loukachenko, duy trì áp lực đòi chính quyền hủy bỏ kết quả bầu cử tổng thống, bị cáo buộc gian lận.
Người dân tại các nước láng giềng Baltic, Litva, Estonia, Latvia, cũng xuống đường đông đảo để ủng hộ cuộc tranh đấu của người Belarus. Người biểu tình xếp thành chuỗi người dài hàng chục cây số, như cách đây đúng 31 năm.
Tại Litva, khoảng 50.000 người nắm tay nối liền thành chuỗi, từ thủ đô Vilnius đến sát biên giới với Belarus. Thông tín viên Marielle Vitureau từ Litva gửi về bài phóng sự :
«Nhìn từ trên cao xuống, con đường Tự Do chỉ còn là một chuỗi dài hai màu trắng – đỏ. Quần áo, cờ, hoa : tất cả đều mang màu biểu tượng của cuộc đấu tranh phản kháng của người Belarus. Trong dòng người, Margarita nắm tay con gái. Bà cho biết : người dân tại Minsk hãy nhớ rằng chính chúng tôi cũng đã trải qua các thử thách như vậy, và chúng tôi đã chiến thắng.
Cách nay 31 năm, người dân Baltic đã tay nắm tay, nối thành một chuỗi dài, nối liền Vilnus cho đến tận Talinn, thủ đô Estonia. Kasparas cũng đã từng có mặt trong chuỗi người năm đó. Đối với ông, có mặt ngày hôm nay trên con đường mang tên Tự Do này là một vấn đề có ý nghĩa an ninh. Ông nói : thật khó mà chấp nhận được việc những người biểu tình ở Belarus bị đàn áp. Nếu hai nước Nga và Belarus tập hợp lại, chúng tôi sẽ hoàn toàn bị một Nhà nước khủng bố bao vây.
Vào 19 giờ, người dân Litva biểu tình hát vang bài quốc ca và vỗ tay. Đối với ông Vadzim Vileita, người Belarus, sinh sống từ lâu tại Litva, đây là một ngày có ý nghĩa lịch sử. Ông nói : trong mắt những người dân ở đây, chúng tôi không còn là thành phần thân Nga, cũng không còn là chế độ độc tài Xô Viết nữa, quan hệ giữa các nước láng giềng chúng ta sẽ sớm được cải thiện. Nhiều người Litva và Belarus hy vọng như vậy, trong lúc tình hình tại Minsk vẫn còn bất ổn ».
Về phía châu Âu, hôm qua, lãnh đạo ngoại giao Liên Âu Josep Borrell, cảnh báo nguy cơ Belarus trở thành một «Ukraina thứ hai» và cho rằng cần tiếp tục « đối thoại » với tổng thống Loukachenko, vì « hiện tại họ đang kiểm soát chính quyền… dù chúng ta không công nhận tính chính đáng dân chủ của họ».
Trong khi đó, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) hôm thứ Bảy, 22/08/2020, đề nghị đứng ra làm trung gian đàm phán giữa chính quyền của tổng thống Loukachenko và phe đối lập
Chính trị gia Belarus lưu vong đề nghị sự giúp đỡ từ Mỹ
Trong một cuộc phỏng vấn với đài VOA và các hãng tin khác, Valery Tsepkalo, cựu quan chức ngoại giao và là một trong những đối thủ tranh cử chính của Tổng thống Lukashenko cho đến khi bị buộc phải sống lưu vong, cho rằng phương Tây nên ngay lập tức công nhận Sviatlana Tsikhanouskaya là nhà lãnh đạo hợp pháp của đất nước — tương tự việc năm ngoái họ đã công nhận Juan Guaido ở Venezuela là tổng thống hợp pháp của quốc gia Trung Mỹ này, đồng thời bác bỏ nhiệm kỳ tổng thống của Nicolas Maduro.
Ông Tsepkalo, 55 tuổi, người từng giữ chức đại sứ Hoa Kỳ trong 5 năm, cho biết “trong tâm trí của người dân Belarus”, Tsikhanouskaya mới là người giành chiến thắng thực sự trong cuộc bầu cử tháng này. Tsepkalo đã trốn khỏi Belarus trước cuộc bầu cử, sau khi bị loại bỏ tư cách tranh cử. Ông lo sợ mình sẽ bị bỏ tù hoặc con cái có thể bị bắt cóc.
Bên cạnh đó, các nhân vật phe đối lập ở Belarus đang thúc giục các chính phủ phương Tây làm rõ với Điện Kremlin rằng Nga phải tránh can thiệp quân sự để cứu Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Tổng thống Putin vốn là một đồng minh lâu năm của ông Lukashenko.
Họ muốn các quốc gia phương Tây sẵn sàng tuân thủ Bản ghi nhớ Budapest, một nghị định thư quốc tế được ký năm 1994 nhằm đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Belarus.
Thiên Hy (tổng hợp)