Những Khó Khăn của các Bà Mẹ Khi Trường Học Đóng Cửa (tiếp theo kỳ trước)

0
293

Phương Đan

Trong thời gian nghỉ hè để chuẩn bị vào niên học mới 2020-2021 vào
tháng 8, tháng 9 này, có nhiều khu học chánh trên cả nước Mỹ cho phụ
huynh chọn gữa học trực tiếp tại trường hoặc học online tại nhà. Nhưng
từ tháng 7 đến nay các ca nhiễm COVID-19 bùng phát trở lại ở nhiều
tiểu bang đã khiến các khu học chánh bỏ hẳn các lớp học tại lớp ít nhất
là vào đầu năm học mới.
Chị Quyên Văn và chồng đều là nhân viên của công ty sản xuất máy mổ
mắt cườm làm việc tại thành phố Irvine, có 2 con vào niên học mới này
con trai lên lớp 1, con gái lên lớp 5 tại học khu Garden Grove. Chị đã
phải xin nghỉ làm không lương trong 3 tháng vừa qua, để coi sóc việc
học tại nhà của hai con trong niên học trước 2019-2020, dù ở nhà đã có
bà nội giúp trông cháu. Nhưng bà nội đã lớn tuổi, không biết tiếng Anh,
nên không thể giúp cháu trong việc học. Trong mùa hè vừa rồi, chị phải
gửi con học hè, 1 tuần 2 ngày, để hai con ôn lại ngững kiến thức căn bản
mà thời gian qua học online hai con không nắm vững lắm.
Chị Quyên Văn nói rằng nếu vào năm học mới, trường học tiếp tục dạy
online thì sẽ gửi con học chổ dạy kèm này tiếp, để giáo viên ở đây giúp
con học và làm bài tập, nếu con không hiểu. Vì chị không thể tiếp tục
xin nghỉ làm ở nhà để giúp con học.
Chị Quyên Văn nói, “Lớp dạy kèm tôi cho hai con học chỉ dạy có 3 học
sinh trong một lớp, học sinh ngồi cách xa nhau. Một tuần học 2 buổi,

một buổi 2 tiếng, dạy từ mẫu giáo đến lớp 12. Tôi thấy hai con học 7
tuần trong thời gian khóa hè có tiến bộ hơn. Con trai có thể đọc được
những chữ trong bài học cấp lớp của con. Con gái làm toán tốt hơn.
Chị Quyên Văn vẫn mong vào niên học mới, trường mở lại học tại
trường, nhưng hiện nay theo thông báo của học khu Garden Grove và
trường con chị đang học thì phải học online, nên chị cũng đành chịu
thôi.
Chị Quyên nói, “Tôi vẫn thích cho con vào học trong trường hơn. Vì học
ở nhà thấy không có kết quả. Việc nhiễm bệnh thì tôi vẫn lo, vì vợ chồng
tôi sống chung với mẹ chồng, bà cũng lớn tuổi rồi. Nhưng nếu mình lo ở
trường, nhưng rồi đi một nơi khác lỡ không may cũng bị nhiễm vậy. Đâu
phải cứ vào học trong trường thì nguy cơ bị nhiễm mới cao. Vì môi
trường nào nếu không cẩn thận cũng dễ bị nhiễm bệnh hết. Nếu trường
mở ra cho vào học 1- 2 ngày, còn lại học ở nhà, tôi vẫn cho con học
trong trường những ngày trường mới mở. Thay vì chỉ học hết 5 ngày tại
nhà.”
Nhắc lại những khó khăn của hai con khi học tại nhà trong khóa học
mùa xuân niên học vừa qua, chị Quyên kể, “Mấy tuần đầu trong tháng 3
khi học ở nhà, tôi vẫn đi làm, để hai con tự học trên online, có bà nội ở
nhà trông chừng cháu giúp. Nhưng hai con không theo kịp. Con gái học
online không hiểu, nên khi làm bài kiểm tra, điểm rất thấp chỉ có 40 mấy
phần trăm, con khóc cả ngày với bà nội, bà ngoại ở nhà khác phải chạy
tới thăm cháu. Lúc đó tôi vẫn chưa xin nghỉ làm, nên bà ngoại phải gọi
điện cho cô giáo, rồi cô giáo lên zoom chỉ lại bài test cho con gái tôi
cách làm, thì lúc đó con gái mới hiểu rõ. Sau đó cô giáo cho làm lại bài

test khác thì con gái đạt được 97 phần trăm. Nên cô giáo lấy điểm của
bài test làm lại, bỏ bài test điểm thấp.”
Chị Quyên cho biết, bình thường những học kỳ trước và niên học trước
đây, khi học trong trường, con gái làm bài test luôn đạt 100 phần trăm,
hoặc 90 mấy phần trăm, thường được lãnh giấy khen do học khá. Vậy
mà khóa học mùa xuân niên học vừa rồi học tại nhà thì bài test tệ nhất là
40 mấy phần trăm, khá hơn thì là 60 mấy phần trăm. Con gái chị vốn rất
siêng học, mà còn gặp khó khăn vậy. những trẻ khác vừa không hiểu bài,
vừa lười học thì càng khó khăn hơn khi học tại nhà.
Theo chị Quyên, khi con vào học trực tiếp trên trường nếu không hiểu,
có thể hỏi ngay, cô giáo giải thích. Còn học online, bài giảng soạn sẵn,
chỉ giảng chung chung (không chi tiết cụ thể) thu vào video rồi bỏ lên
trang web của lớp. Không có giảng nhiều như học trực tiếp ở trường.
Thấy con chật vật với việc học, nên đầu tháng 5 chị Quyên Văn phải xin
nghỉ làm 3 tháng để giúp con học online. Nhưng chị gặp phải khó khăn
là môn Toán của lớp học càng lên cao, chị càng không biết đường mà
giảng cho con. Khi chị nghỉ làm ở nhà để kèm cho con học, chị bị stress
nặng luôn. Vì giảng mà con không hiểu rồi bực quá mà chị la các con.
Lúc các con khóc, thì chị buồn lắm, thấy sao mình nóng giận quá.
Chị Quyên Văn than thở, “Trong thời gian đi học ở trường trước đây, tôi
không tốn tiền cho con đi học thêm. Nay học online ở nhà, tôi phải tốn
tiền cho con đi học thêm mùa hè và niên học mới này tiếp tục phải tốn
tiếp.”
Thời gian học tại nhà ít hơn học trong trường và giáo viên ít theo sát
học sinh hơn

Chị Diễm có con trai học lớp 7 và con gái lớn học lớp 8 trường Lake
Intermediate School và con gái út học lớp 5 trường Peters 4-6
Elementary School trong niên học vừa qua. Biết rằng vì dịch bệnh,
nên niên học mới này các con và bạn bè của chúng lại tiếp tục phải
học tại nhà. Nhưng chị rất lo nếu việc học niên học mới vẫn giống
như khóa học mùa xuân vừa rồi, thì rất khó cho phụ huynh và các em
với kết quả học tập sẽ rất thấp.
Chị Diễm chia sẻ, “Cái khó đầu tiên mình không thể dạy con học.
Cho nên con học online tại nhà sẽ mất căn bản việc học. Điều khó thứ
hai là cả ba đứa con của tôi đều vào những cấp lớp quan trọng. Con
gái út niên học mới sẽ vào lớp 6, con trai giữa vào lớp 8, con gái lớn
thì vào học lớp 9. Niên học mới này đòi hỏi nhiều về chuyện học căn
bản để bước lên cấp lớp kế tiếp cho năm học sau đó. Từ lâu nay tôi
chỉ đi làm cuối tuần, ngày thường dành để đưa đón con đi học, nên
việc con phải học ở nhà thì tôi không gặp khó khăn nhiều. Điều khó
là không thể dạy kèm cho con khi con gặp những bài tập không hiểu,
hơn nữa các con đều trong độ tuổi dậy thì, có nhiều thay đổi tâm sinh
lý. Khi gặp khó khăn trong việc học, các con không thích chia sẻ với
ba mẹ, mà thường hay tự giải quyết. Mà khi ba mẹ muốn nói chuyện
với giáo viên nhờ giáo viên giúp con, thì các con không chịu cho
mình nói với giáo viên. Mình không thể la hét, nói nặng hay ép buột
các con theo ý mình muốn với các con được. Mình phải nài nỉ dỗ
dành chúng đủ thứ trò hết.”
Do bài học trên lớp và bài tập về nhà khóa mùa xuân của niên học vừa
rồi, giáo viên không cho nhiều như học trong trường. Vì không nhiều bài
học, không nhiều bài tập nên thời gian các con chơi game nhiều hơn là
vào học trong trường.
Vì học ở nhà, không có những hoạt động ngoài trời và các hoạt động
như trong trường lâu nay, nên chị Diễm thấy các con nhìn không khỏe
mạnh như đi học trong trường.

Chị Diễm nói, “Mình muốn đưa 3 con ra ngoài trời tập thể dục như chạy
bộ, thì có đứa chịu đi, có đứa không chịu. Trong khi đi học trong trường
thì đương nhiên các con bắt buột phải tham gia các hoạt động tại trường
rồi. Học ở trường thì tiếp thu dễ hơn. Học online thì các con rất lười.
Học thì ít mà chơi game trên computer thì nhiều. Một ngày học có 6
môn học tất cả với các học sinh lớp 7- 8. Nhưng học online thì các giáo
viên không bắt học sinh vào sigh in trên zoom class, mà bỏ sẵn bài giảng
thu trước lên, muốn vào xem lúc nào thì xem. Tôi thấy con trai tôi học
trên computer chỉ 1- 2 tiếng là xong rồi. Con gái lớn học lớp 8 thì có giờ
zoom class môn toán được hai lần trong tuần, còn các môn khác thì
không có zoom class mà chỉ có các bài gỉang bài tập do giáo viên soạn
sẵn bỏ lên trên mạng để học trò vào xem giống như lớp của con trai. Con
gái út học lớp 5 thì có giờ lên zoom class gặp giáo viên một tiếng mỗi
ngày lúc 10 giờ sáng.”
Chị Diễm bày tỏ, “Tôi rất mong niên học mới này, các giáo viên nên bắt
buột các học trò phải vào học online đủ các môn trong ngày học như ở
trường.
Niên học vừa rồi khóa mùa xuân, học online giáo viên quá dễ. Ví dụ khi
học trò vào học trong trường, 8 giờ là học môn toán, 8 giờ 50 là học
Văn. Một tiết học là 45 phút hoặc 50 phút. Thì khi học online, giáo viên
phải dạy live khỏang thời gian như vậy để các học trò phải sigh in vào
lớp online dù đang ngồi học tại nhà. Nay học online thì giáo viên phải
sắp xếp để học sinh học cũng y như trên lớp tại trường, phải có kỹ luật
thì mới có thể bảo đảm việc học tốt được. Một ngày học bình thường tại
trường, trẻ có 6 tiếng trong trường, thì nay học online, ít nhất cũng phải

có 3 tiếng học trên zoom class. Ngày hôm nay học 3 lớp môn này, hôm
sau học 3 môn khác.”
Theo ý của chi Diễm, nếu nhà trường sợ để trẻ lên zoom class nhiều hại
mắt, thì ít nhất học 1 tiếng, sau đó nghỉ 1 tiếng, làm bài trên giấy. Rồi lại
lên zoom class 1 tiếng tiếp theo. Chị rất mong các giáo viên gặp các em
trên zoom class nhiều hơn trong niên học mới này. Giáo viên cần phải có
những biện pháp theo sát việc dạy và học các em hơn.
Con trai chị Diễm trong khóa học vừa rồi đã không làm bài tập về nhà
đến 27 bài. Khi chị phát hiện, bắt con trai phải làm trong vòng 4 ngày.
Con đã hoàn tất hết, nhờ cậu này thông minh, từng học lớp Gate khi học
tiểu học. “May mà nó thông minh. Chứ đã không thông minh thêm mê
chơi, lười biếng nữa thì sẽ buông luôn.”
Chị Diễm mong rằng niên học 2020-2021 trường học nên sắp xếp cho
học trò gặp giáo viên tại trường ít nhất 1 lần/ 1 tuần. Chẳng hạn một lớp
có 30 em, thì chia ra 6 em được gặp giáo viên các môn học khác nhau
trong ngày học 1 lần/ 1 tuần che khẩu trang vào gặp để cho giáo viên
biết những khó khăn của học trò trong tuần lễ đó. Khi giảm thiểu số học
sinh vào trường, đã có sự giãn cách, để học trò có mối giao tiếp với giáo
viên. Còn với những em lớp tiểu học chỉ có học với 1 giáo viên, thì chia
ra mỗi nhóm khoảng 6 em gặp giáo viên 1 tiếng/ 1 tuần trong ngày hôm
đó. Chia đều hết cả lớp luân phiên theo last name. Chỉ khó là việc đưa
đón trẻ đến trường. Nếu những phụ huynh phải đi làm, không đưa đón
con đến trường 1 lần/ 1 tuần. Khi vào niên học mới, trò và thầy chưa biết
nhau, mà chỉ học online cả niên học thì không hay chút nào.

Chị Diễm đặt câu hỏi, “Vì dịch covid-19 nên có những khó khăn, nhưng
học khu, nhà trường phải nghĩ ra những cách giải quyết các khó khăn
trên để giúp các học sinh. Các thầy cô khi dạy trong trường, phải dạy
một ngày 6 tiếng, sau giờ dạy ở lại trường chấm bài, soạn bài. Vậy thì tại
sao trong mùa dịch covid-19, khi dạy online thì công việc của giáo viên
lại ít đi, không theo sát học sinh nữa, mà thêm việc cho phụ huynh?”

(còn tiếp)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here