Chị N (không muốn tiết lộ tên thật) là thợ Nails làm tại thành phố Santa Anna nhiều năm qua, phản đối việc làm Nails ngoài trời, vì mất vệ sinh và mất thẩm mỹ. Tiệm chị làm vẫn nhận khách làm chui ngay trong tiệm, nhưng chị không dám làm, vì sợ bị phát hiện sẽ bị tịch thu bằng hành nghề. Dù hồi tháng 3 khi các tiệm Nails được lệnh phải đóng cửa, chị có đi làm chui một thời gian. Nhưng nay chị sợ Health Department và State Board sẽ khắt khe hơn, phạt nặng hơn
Chị N cho biết, “Tôi vẫn không tin con số ca nhiễm tăng và người chết, vì tôi có cả trăm người khách, họ cho biết bản thân họ và người quen, người thân đâu có ai bị nhiễm, nên con số tăng có thể là kê khống lên vì sắp bầu cử tổng thống. Tôi chỉ sợ bị phạt nếu làm chui trong tiệm, chứ không sợ bị lây bệnh. Vì khi làm trong tiệm, thợ và khách đều đeo khẩu trang, rửa tay, lau chùi kỹ, có tấm chắn mica bảo vệ…Khi làm chân, đã ngồi cách xa khách 2 feet rồi.
Chỉ sợ khi mở máy lạnh, cò virus thì cơ hôi lây nhiễm. Nhưng thường tiệm sẽ tắt máy lạnh và mở cửa khi không có khách, nên cơ hội bị nhiễm cũng sẽ ít thôi. Đây là nghề lao động chân tay, những ai mới qua Mỹ không giỏi tiếng Anh muốn tìm việc làm không đòi bằng cấp cao mà vẫn kiếm tiền nuôi bản thân và gia đình, thường chọn làm Nails. Nhưng nay nghề này chẳng còn là nghề dễ dàng cho di dân mới qua.”
Chị N tin rằng khi dịch bệnh qua đi, nếu khách có tiền vẫn tiếp tục đi làm Nails, nghề Nails sẽ không chết. Vì người ta hầu hết đều thích làm đẹp. Hơn nữa có những khách cần đến tiệm Nails mỗi 3- 4 tuần một lần để làm móng chân. Vì nếu không lấy khóe chân, sẽ mưng mủ, băm vô thịt, họ rất đau không thể mang giày được. Do cấu tạo tự nhiên chân của họ cần lấy khóe, nhất là người Mễ.
Nên khi cấm làm Nails, thì những khách này vẫn đi tìm tiệm có làm chui để làm móng chân, cắt khóe.
Cắt khóe chân là phạm luật của State Board Anh Sơn Thái, thợ Nails ở tiểu bang Nevada thì cho rằng, “Chuyện khách đi làm Nails phần lớn là nhu cầu làm đẹp. Chứ vì sức khỏe như chuyện cắt khóe chân chỉ có 10- 15 phần trăm thôi, nhưng đây lại là làm trái luật. Đúng ra nghề Nails không được cắt khóe chân. Người nào bị khóe chân phải đi bác sĩ chuyên về chân. Vì cắt khóe chân nguy hiểm. Khóe móng ăn vô thịt. Theo đúng luật State Board không được cắt khóe chân. Sẽ có những tiệm Nails không cho thợ cắt khóe. Vì dễ bị khách thưa kiện lắm, lỡ chẳng may cắt phạm vào thịt, bị thương chảy máu, khách về nhà bị nhiễm trùng là khách thưa tiệm Nails liền. Nên những tiệm sang, tiệm lớn, sẽ không bao giờ cắt khóe chân của khách, dù khách đề nghị, nhưng thợ không bao giờ được quyền làm. Chỉ có những tiệm nhỏ nhỏ mới dám làm. Mà họ làm là sai luật của State Board. Chỉ có bác sĩ chuyên về chân đụng vào làm thôi. Nếu người khách có bệnh về khóe chân thì họ phải có bảo hiểm đi bác sĩ chân để được giải quyết.”
Vì khóe chân cắt xong, tháng sau phải cắt lại, nếu không thì bấu vào thịt, đau lắm, không thể đi được. Có nhiều người thay vì móng chân mọc thẳng, thì móng lại mọc cụp vào. Nhiều khi do tự nhiên móng chân của họ như vậy. Hoặc do họ mang giày bó đầu móng quá (giày mỏ nhọn), khiến móng mọc cụp xuống ăn vào thịt, thay vì mọc thẳng. Có những móng rất cứng, thợ Nails không thể cắt khóe được, phải đi bác sĩ để bác sĩ cắt, vì bác sĩ sẽ chích thuốc tê cho bệnh nhân trước khi cắt. Đàn ông cũng có người bị khóe chân,thường đau thì tự cắt khóe. Chỉ có đàn bà đi làm đẹp móng, thì đến tiệm để cắt khóe.
Anh Sơn Thái cho biết hiện nay trong thời dịch bệnh covid-19 theo luật của Health Department và State Board một thợ Nails chỉ làm cho một khách, không cho phép hai thợ cùng làm một khách (làm tay, làm chân) như hồi trước để tiết kiệm thời gian. Vì luật này đề ra để giữ khoảng cách, nếu 2 thợ cùng làm cho một khách thì không có khoảng cách an toàn của mỗi người như quy định.
Anh hiểu được lý do khi chính quyền khắt khe với nghề Nails, nghề tóc trong thời gian này, vì đây là nghề người tiếp xúc trực tiếp với người, có chạm tay, chân. Mà xác xuất người thợ bị nhiễm bệnh từ khách nếu chẳng mai khách bị covid-19 không triệu chứng vẫn có thể xảy ra, dù cho thợ và khách đã trang bị kỹ chuyện đeo khẩu trang, rửa tay….
Anh Sơn Thái nói, “Tôi có học chứng chỉ Barbicide, đây là chứng chỉ bắt buột của tất cả các thợ Nails trên khắp các tiểu bang ở Hoa Kỳ, phải học miễn phí trên online để được cấp chứng chỉ rồi mới được làm Nails trong mùa dịch covid-19. Khi tôi học để lấy chứng chỉ này, họ có cho biết bất cứ người nào, dù kỹ cấp mấy đi nữa, vẫn có thể bị lây. Chỉ cần hơi sơ hở, hơi lười biếng vệ sinh một chút một chút vẫn có thể bị nhiễm bệnh. Một người khách bước vào tiệm, nhìn họ rất khỏe, vẫn có thể họ mang bệnh trong người, vì họ mang bệnh không có triệu chứng. Thành ra khi chính quyền khắt khe cũng có lý của họ.
Có những thợ Nails chẳng biết rành, vì họ chẳng thèm học lấy bằng này, mà nhờ người khác thi giùm. Vì học này trên on- line, không tốn phí. Có thể do họ không rành tiếng Anh, nên chẳng quan tâm, chẳng hiểu gì. Mà khi họ không đọc kỹ, ỷ y hơn về dịch bệnh này.”
Để có bằng Barbicide, thợ Nails chỉ cần học online trong một tiếng đến 30 phút. Sau đó phải làm bài kiểm tra khoảng mười mấy đến hai mươi câu hỏi. Sau khi hoàn tất bài thi đạt 70 phần trăm đúng thì được cấp chứng chỉ bằng email rồi thợ Nails in ra để khi có bị nhân viên của Health Department và State Board vào kiểm tra, thì thợ Nails có chứng chỉ này là hợp lệ. Còn nếu không có là bị phạt. Chứng chỉ này đưa ra nhằm mục đích bắt buột thợ Nails phải theo học để nắm rõ về dịch bệnh covid-19 để bản thân tự bảo vệ chính mình và khách hàng.”
Anh Sơn Thái cho biết bản thân anh là thợ, tiếp xúc với khách mỗi ngày, nên anh rất sợ bị lây bệnh từ khách nhiễm không triệu chứng. Vì người thợ gặp nhiều người khách khác nhau. Thành ra hiện nay anh chỉ dám làm 4 ngày trong tuần và giãn bớt ngày làm với nhau, chứ không dám làm nhiều ngày như hồi chưa có dịch bệnh.
Anh Sơn nghĩ rằng, “Những ai tin rằng số ca nhiễm không tăng cao thật, người chết vì dịch không nhiều, thì tùy họ thôi. Vì tôi không thể tin như vậy. Do phạm vi những người mình quen chỉ hạn hẹp, thì không thể phán rằng con số ca nhiễm cao là không có. Rồi tự suy đoán. Khi Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh Hoa Kỳ CDC đưa ra những cảnh báo về dịch bệnh, những hướng dẫn vệ sinh an toàn, thì mình phải tuân thủ và tự bảo vệ bản thân. Vì nếu xem nhẹ dịch bệnh này rồi chẳng may bị nhiễm lúc đó lại ân hận.”
Phương Đan