XIN HÃY YÊU NƯỚC MỸ !

0
565
Một buổi lễ tuyên thệ nhập quốc tịch Mỹ

Tôi không phải như một ông cụ người Việt ở Houston, Texas hô hào chuyện coi nước Mỹ là “Quốc Tổ” và ông Bush là “Tổng Thống Anh Minh”. Chuyện là năm ngoái khi đọc tên sách “Nước Mỹ Lạnh Lùng”, vừa nghe hai chữ “lạnh lùng”, ông cụ đã hoảng lên và gởi cho tôi một cái thư mắng mỏ hết lời nói sao lại chửi nước Mỹ như thế, mặc dầu ông chưa biết nội dung cuốn sách nói gì. Tôi không muốn ông cụ và chúng ta yêu thương nước Mỹ một cách hung hãn như thế.

Bạn có thấy là có những ông bà đồng hương của chúng ta, năm lần bảy lượt vào tù ra khám vì tội vượt biển, lý do chỉ vì không muốn nhìn mặt Cộng Sản mà bỏ nước ra đi. Sang Mỹ mươi, mười lăm năm, chưa hề đóng cho nước Mỹ một đồng thuế, nay lãnh tiền già lại về Việt Nam xoành xoạch như đi chợ, có đồng nào thì tốn vào tiền máy bay, tiêu pha, quà cáp hết nhẵn. Xong lại quay về Mỹ bồi dưỡng, dành dụm ít lâu lại đi Việt Nam. Khổ một nỗi quí ông quí bà lại vô tình để cho các con buôn gian lận nào sữa ensure, nào over charge thuốc men, nào xe lăn, giường bệnh, tận hưởng tới đồng bạc cuối cùng của trợ cấp y tế mà không một lời phản kháng. Cũng vì có người sang đây từ những ngày bỏ nước, được ăn học thành tài, khoa bảng nhưng chẳng những không giúp ích gì cho quê hương này, lại có tài dục khoét vào tận những chỗ yếu của nước Mỹ như quỹ medicare hay bội thu trên những điều gian lận trong ngành y tế. Có ông Việt mò sang đây cả ba chục năm, ở trại tiếp cư thì sắp hàng lãnh quả táo, khúc mì, sang Mỹ thì cũng vui chơi mà có đủ cơm bưng, nước rót, đồng hương thì đùm bọc, yêu thương. Thoắt một cái, ông ngoảnh mặt phủi đít về Việt Nam, chửi cha đứa nào đã tâng bốc ông, đã nhận vơ ông vào hàng ngũ chúng nó. Có thiếu gì ông bà Tàu thì được Mỹ cho ăn học, được trèo cao, lòn sâu vào tận gan ruột của Mỹ, nhưng lại lấy điều cơ mật lén đem về cho “tổ quốc” của mình. Thì Mỹ đúng là thằng ngu, nuôi toàn bọn phản phúc, cho nên nửa thế giới ăn cơm Mỹ mà  chửi Hoa Kỳ ra rả cũng phải.

Tôi không có ý ngông mà nói điệu ngu xuẩn, bảo người ta quên cội quên nguồn, “phản bội” hay “đánh phá tổ quốc” như luận điệu của bên nhà. Đánh phá tổ quốc sao được khi người ta chuyển cả ba tỷ đô la một năm vể để “vỗ béo” các ông các bà bên ấy. Nhưng có lý nào lấy cơm người cưu mang mình để nuôi cái thằng đã thẳng tay đuổi mình đi, không đuổi sao được với thái độ gông xiềng, vào tù ra khám, tịch thu của cải nhà cửa của người ta, với đủ loại “cải tạo con người” bằng cách cho vào tù, “cải tạo tài sản” bằng cách tịch thu nhà cửa, “cải tạo xuất khẩu” bằng cách đóng thùng đàn bà, đàn ông gởi đi khắp thế giới.

Nhưng nếu là còn người nhân hậu, tử tế, đôi lần chúng ta cũng nghe nói tới câu “ăn cây nào rào cây đó”. Chúng ta đã là công dân Mỹ và đã thề trung thành với nước Mỹ. Nói xót xa ra là yêu nước Mỹ hay không thì chưa biết, nhưng nhiều người đã lo lắng rằng không vào được quốc tịch thì không có quyền lợi gì, căn bản là trợ cấp tiền già, thuốc men, y tế, những điều rất khó kiếm ở quê nhà, dù là trong tay có bạc triệu. Một trận 9/11 cũng đã ảnh hưởng tới ngay đời  sống của chúng ta, rồi như trận bão Katrina khi phúc lợi người già bị cắt giảm, tiền đổ xăng cao, thực phẩm lên giá, ngay món “cơm chỉ” Bolsa cũng đã tăng giá từ $1 lên $1.25 (25%). Những biến cố lớn ảnh hưởng tới người già, tuy vậy cũng ít, còn với tuổi trung niên, tình trạng thất nghiệp tràn lan, học phí đại học tăng, tương lai con cháu chúng ta nổi trôi theo “vận nước… Hoa Kỳ”. Nghĩ như vậy, chúng ta không còn coi mình là những người “đứng bên lề” hay “ăn nhờ ở đậu” nữa.

Nhiều người đã có suy nghĩ về gánh nặng của tuổi già người Việt tỵ nạn trên đất Mỹ khác nhau. Người cho rằng “Mỹ đã đốn thì phải vác”, người thì thấy Mỹ dại, tự nhiên “mang cục nợ”. Nếu quan niệm rằng Mỹ đã “đốn”, thì chúng ta cũng như cây tẩm gửi hay lính đánh thuê. Từ ngày sang tỵ nạn ở đây, chúng ta có những bạn bè không có cơ hội đi làm, nhưng tới tuổi già cũng đã hưởng bao nhiêu phúc lợi, từ đồng tiền trợ cấp, nhà ở, trợ cấp bác sĩ, thuốc men, bệnh viện, một ca mổ cũng tốn cả chục nghìn đồng, một lần gọi 911 cũng mất toi nghìn bạc. Nếu có một sắc luật cung cấp cho một vị cao niên một số tiền chục nghìn để họ trở về bản quán, thay vì tốn phí cho  một người già từ tuổi 65 đến khi mãn phần, thì nước Mỹ chắc cũng đỡ một gánh nặng vài ba chục tỷ đồng mỗi năm. Nhưng luật trợ cấp tiền già lại cho rằng một người rời nước Mỹ quá 29 ngày sẽ bị cắt trợ cấp. Vậy thì chỉ đi chơi 28 ngày thôi, có sao đâu!

Thế hệ người Việt thứ hai, thứ ba không quên cội nguồn, nhưng đã xem đất nước này là của mình, còn chúng ta, những người đã đi hết gần đoạn đường đời mới sang đây, trong lòng con dùng dằng đôi ngã. Nhưng thật lòng thì chúng ta đã bắt đầu yêu nước Mỹ nhiều lắm. Thanh niên Mỹ chết để phục vụ nước Mỹ, khủng bố nhắm vào dân Mỹ, thiên tai vùi dập vài thành phố, bệnh dịch có thể tràn vào đất Mỹ, hỏa tiển đầu đạn nguyên tử bắn từ đâu đó có thể tới California. Chúng ta có lo lắng và có xót xa. Con cái chúng ta cũng đã lên đường tòng quân và đã hy sinh, chia sẻ, gánh vác nhiệm vụ của một công dân. Như một buổi mai nào đó thức dậy, nghe tin Big Ones chôn hẳn một vùng đất Cali xuống lòng đất, hẳn là chúng ta sẽ hốt hoảng đau đớn, và chuyện đó nếu so với việc mũi Cà Mâu bị trôi ra biển Đông, không biết cái đau nào lớn hơn. Rõ ràng là chúng ta có tới hai quê hương, một là nơi chúng ta yêu mến nhưng phải đành bỏ ra đi, một giang tay cưu mang chúng ta từ những ngày trôi giạt. Ở làm sao cho trọn tiếng với đời, đừng để mang tiếng “vừa ăn vừa đạp đổ”, “ăn cháo đái bát” như theo lối nói của ông cha mình thời xưa. Hình ảnh đục khoét quỹ phúc lợi xã hội, như những người Việt mới ra tòa gần đây quả không đẹp mặt chút nào, kiểu vừa ăn vừa phá, không khác gì lũ trẻ con cháu thời thơ ấu, trèo cây ăn trái, đã vặt cả trái non, bẻ lá, chặt cành không nương tay không cần biết tới người sau.

“Khúc ruột ngàn dặm” chẳng còn là hình dáng khúc ruột hồng hào, béo bổ nếu không có nước Mỹ, cũng như những nước tự do trên thế giới cưu mang từ những ngày đầu rỏ máu, để được lôi kéo, ve vãn, chiêu dụ như ngày hôm nay. Nghĩ như thế, để đem lòng yêu nước Mỹ hơn.

Huy Phương

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here