Hai cảnh sát liên bang bị bắn trong các cuộc biểu tình ở TP Oakland, tiểu bang California – Mỹ hôm 29-5, một trong hai người này đã thiệt mạng.
Biểu tình ‘không còn’ là về cái chết của George Floyd
Các cuộc biểu tình về cái chết của một người đàn ông Mỹ da đen không có vũ khí trong tay khi bị cảnh sát khống chế, ở Minnesota “không còn liên quan tí nào” đến việc ông ta bị giết, thống đốc tiểu bang nói.
Thống đốc Tim Walz phát biểu sau một đêm bất ổn ở một số thành phố của Hoa Kỳ về cái chết của George Floyd ở Minneapolis.
Ông nói rằng đã phải thực hiện bước đi chưa từng có khi huy động toàn bộ Lực lượng Vệ binh Quốc gia.
Cũng có báo cáo rằng các đơn vị cảnh sát quân sự có thể được triển khai. Một cựu cảnh sát viên của thành phố Minneapolis bị cáo buộc tội giết người vì cái chết của ông Floyd, 46 tuổi. Cảnh sát này đã bị giam giữ từ thứ Hai.
Cựu cảnh sát Derek Chauvin, 44 tuổi, người da trắng, được nhìn thấy trong một cảnh quay quỳ gối lên cổ ông Floyd trong vài phút, ngay cả sau khi ông Floyd nói rằng không thể thở được. Derek Chauvin và ba sĩ quan khác đã bị cách chức.
Đoạn video được lan truyền trên mạng đã châm lại ngọn lửa phẫn nộ ở Hoa Kỳ trước việc cảnh sát giết người Mỹ da màu và khơi lại những vết thương về phân biệt chủng tộc trên toàn quốc. Tối thứ Sáu, người biểu tình đụng độ với cảnh sát ở các thành phố New York, Atlanta và Portland. Tại Wash- ington DC, Nhà Trắng bị phong tỏa trong một thời gian ngắn.
Tại Minnesota, Thống đốc Walz nói, “các thành phố lớn của chúng ta là Minneapolis và St. Paul đang bị tấn công”.
“Tình hình ở Minneapolis bây giờ là xã hội dân sự đang bị tấn công, gieo rắc nỗi sợ hãi và phá vỡ thành phố của chúng ta.”
Ông nói rằng tình trạng bạo lực tối thứ Sáu đã tạo ra “một sự nhạo báng, khi giả vờ rằng biểu tình là về cái chết của George Floyd, hoặc về sự bất bình đẳng, hoặc những chấn thương lịch sử đối với các cộng đồng da màu của chúng ta”.
Ông và các quan chức khác nói rằng có nhiều người biểu tình bạo động đến từ bên ngoài tiểu bang để gây rắc rối, nhưng không cho biết chi tiết.
Dân Minneapolis hôm thứ Bảy xúm nhau giúp dọn dẹp đống đổ nát của các tòa nhà bị đốt cháy và bị cướp phá ở thành phố này Hôm thứ Bảy, Tổng thống Donald Trump nói cái chết của ông Floyd đã “khiến người dân Mỹ tràn ngập nỗi kinh hoàng, tức giận và đau buồn”.
“Tôi đứng trước quý vị với tư cách là một người bạn và là đồng minh của mọi người Mỹ đang tìm kiếm hòa bình,” ông nói trong một bài diễn văn được truyền hình từ Cape Canaveral ở Florida, sau khi hai phi hành gia Nasa phóng vào quỹ đạo bằng phi thuyền của tỷ phú Elon Musk.
Tổng thống lên án hành động của “những kẻ cướp bóc và vô chính phủ”, nói rằng điều cần thiết là “làm lành vết thương chứ không phải hận thù, công lý chứ không phải hỗn loạn”.
“Tôi sẽ không cho phép đám đông giận dữ hoành hành – điều đó sẽ không xảy ra,” ông nói thêm.
Tại sao ra nông nỗi này?
Tối thứ Hai, cảnh sát nhận được một cú điện thoại từ một cửa hàng tạp hóa với cáo buộc rằng George Floyd đã trả tiền bằng một tờ $20 giả.
Cảnh sát đến nơi và tìm cách đưa George Floyd vào một chiếc xe cảnh sát khi ông ta ngã xuống, nói với họ rằng ông là người dễ bị ngộp thở.
Theo lời cảnh sát, ông ta chống lại khi bị còng tay. Video về vụ việc không cho thấy cuộc đối đầu bắt đầu như thế nào. Khi bị đầu gối của cảnh sát viên Chauvin chặn trên cổ, ông Floyd có thể được nghe nói rằng “làm ơn, tôi không thể thở được” và “đừng giết tôi”.
Theo khám nghiệm tử thi của giám định y tế quận, viên cảnh sát đã quỳ gối lên cổ ông Floyd trong tám phút 46 giây – gần ba phút sau khi ông Floyd không còn phản ứng. Gần hai phút trước khi ông Chauvin gỡ đầu gối ra, các cảnh sát khác đã kiểm tra cổ tay phải của ông Floyd và không thể bắt mạch được. Ông được đưa đến bệnh viện và phát hiện đã chết khoảng một giờ sau đó.
Theo khám nghiệm tử thi, kèm theo đơn kiện hình sự cáo buộc cảnh sát Chauvin, không tìm thấy bằng chứng “ngạt thở hay bị siết cổ”. Nhân viên giảo nghiệm y tế lưu ý ông Floyd mắc bệnh tim tiềm ẩn và sự kết hợp của những thứ này, “chất gây say tiềm năng trong hệ thống của ông” và việc bị các cảnh sát “hạn chế” có thể góp phần vào cái chết”.
Cập nhật tình hình biểu tình?
Người biểu tình bất chấp lệnh giới nghiêm hôm thứ Sáu. Hỏa hoạn, nhiều vụ đốt xe đã xảy ra ở một số khu vực và hình ảnh trên truyền hình cho thấy tình trạng cướp bóc lan rộng.
Hàng trăm binh sĩ từ Lực lượng Vệ binh Quốc gia, một lực lượng quân sự dự bị có thể được tổng thống Mỹ hoặc thống đốc các tiểu bang kêu gọi can thiệp vào các tình huống khẩn cấp trong nước, đã chuyển đến vào đêm khuya.
Giới chức của tiểu bang Minnesota cho biết hàng chục nghìn người đã xuống đường hôm thứ Sáu và đang dự trù nhiều bất ổn hơn vào tối thứ Bảy.
Vì thế, Thông đốc Tim Walz cho biết ông đã kích hoạt tất cả các đội quân Vệ binh Quốc gia có sẵn trong tiểu bang – được báo cáo lên tới 13.000 – lần đầu tiên trong lịch sử, để đối phó với những kẻ bạo loạn. Lầu Năm Góc cho biết một số đơn vị quân đội Mỹ đã được báo trước để hỗ trợ Minnesota nếu được yêu cầu.
Tại Atlanta, Georgia, nhiều tòa nhà bị phá hoại, một số khu vực đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp để bảo vệ người dân và tài sản. Thị trưởng Keisha Lance Bottoms đã có bài diễn văn đầy xúc động: “Đây không phải là một cuộc biểu tình. Đây không phải là tinh thần của Martin Luther King Jr. Bạn đang tạo sự xấu hổ cho thành phố của chúng ta. Bạn đang làm xấu đi hình ảnh cuộc đời của George Floyd.”
Tại quận Brooklyn của tiểu bang New York, người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát, ném đạn, bắt đầu bắn và phá hoại xe cảnh sát. Một số cảnh sát bị thương và nhiều người đã bị bắt giữ.
Thị trưởng TP.Portland, tiểu bang Oregon tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh cướp bóc, hỏa hoạn và tấn công khu vực cảnh sát. Lệnh giới nghiêm ngay lập tức cho đến 6 giờ sáng giờ địa phương đã được ban hành và sẽ áp dụng từ 8 giờ tối.
Sở cảnh sát TP Oakland nói với Đài CNN ít nhất 7.500 người biểu tình đã xuống đường phản đối vụ xét xử liên quan đến cái chết của George Floyd, người đàn ông da màu thiệt mạng sau khi bị viên cảnh sát da trắng chẹt đầu gối vào cổ. Các cuộc biểu tình đã gây thiệt hại trên khắp thành phố.
Thông báo của cảnh sát ghi nhận nhiều vụ phá hoại, trộm cắp các doanh nghiệp, đốt phá và tấn công cảnh sát. Giới chức trách đang điều tra vụ cảnh sát bị bắn trong cuộc biểu tình.
Các cuộc biểu tình về cái chết của ông George Floyd tiếp tục diễn ra vào sáng 30-5 tại Lincoln, tiểu bang Nebraska. Còn tại tiểu bang Arizona, người biểu tình đã có nhiều hành động phá hoại ở trung tâm TP Phoenix.
“Nhiều nơi ở khắp khu vực trung tâm Phoenix bị phá hoại khi một số người biểu tình có hành vi tội phạm, phá cửa các do- anh nghiệp và phá hủy những chiếc ô tô đậu bên đường” – Sở Cảnh sát TP Phoenix thông báo trên mạng Twitter.
Tại TP Houston, tiểu bang Texas, gần 200 người bị bắt trong các cuộc biểu tình cùng ngày. Hầu hết những người bị bắt sẽ bị buộc tội cản trở giao thông, theo Sở Cảnh sát Houston. 4 cảnh sát bị thương nhẹ và 8 xe cảnh sát bị hư hại trong các vụ biểu tình. Trong khi đó, các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra trên khắp TP Minneapolis, khoảng 50 người đã bị bắt giữ. Hơn 2.500 cảnh sát được điều động để duy trì ổn định. Thiếu tướng Jon Jensen thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia Minnesota cho biết hơn 1.700 binh sĩ Vệ binh Quốc gia sẽ được triển khai trong khu vực vào ngày 31-5. Đây sẽ là đợt triển khai lực lượng Vệ binh Quốc gia lớn nhất trong lịch sử bang Minnesota.
Các cuộc biểu tình với khẩu hiệu “Tôi không thể thở” xuất phát từ Minneapolis khi cơ quan công tố chậm trễ trong việc ra quyết định truy tố các cảnh sát liên quan đến cái chết của ông Floyd dù 4 người này đã bị sa thải. Cơn thịnh nộ sau đó lan sang nhiều địa phương khác của Mỹ.
Tổng hợp từ CNN, CBS News …