Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien hôm 24/5 cảnh báo rằng, Wash- ington có thể áp lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc nếu Bắc Kinh thông qua dự luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông. “Dường như với luật an ninh quốc gia này, họ (Bắc Kinh) về cơ bản sẽ tiếp quản Hồng Kông. Và nếu họ làm như vậy, theo Đạo luật Chính sách Hồng Kông năm 1992 và Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông năm 2019, Ngoại trưởng Pompeo có thể sẽ không chứng nhận Hồng Kông duy trì mức độ tự trị cao. Và nếu điều đó xảy ra, các lệnh trừng phạt sẽ được áp dụng đối với cả Hồng Kông và Trung Quốc”, ông O’Brien nói trong chương trình “Gặp gỡ báo chí” của kênh NBC hôm 24/5.
“Thật khó để nhìn nhận Hồng Kông vẫn là trung tâm tài chính châu Á nếu Trung Quốc tiếp quản”, vị quan chức Tòa Bạch Ốc nói thêm. Ông O’Brien cho rằng các tập đoàn toàn cầu có khả năng sẽ rời khỏi Hồng Kông nếu dự luật được thông qua. “Một lý do khiến họ đến Hồng Kông là bởi thành phố có thượng tôn pháp luật, hệ thống doanh nghiệp tự do, hệ thống tư bản, dân chủ và bầu cử lập pháp địa phương. Nếu tất cả những thứ đó biến mất, tôi không chắc làm thế nào để cộng đồng tài chính có thể ở lại đó”, ông O’Brien giải thích.
Cố vấn Tòa Bạch Ốc O’Brien nói rằng, Trung Quốc phụ thuộc vào nguồn vốn từ các nước trên thế giới và tính thanh khoản trên thị trường tài chính. Ông O’Brien cho rằng, nếu Trung Quốc không thể tiếp cận điều này thông qua Hồng Kông, thì đây sẽ là một đòn chí mạng đối với Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Cùng ngày, người dân Hồng Kông đã xuống đường phản đối dự luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh đề nghị. Cảnh sát sử dụng hơi cay, vòi rồng để giải tán đám đông. Theo cảnh sát Hồng Kông, ít nhất 180 người đã bị bắt tính đến 22h ngày 24/5. Nhiều nhà hoạt động dân chủ cho rằng, nếu dự luật an ninh quốc gia được thông qua, thời kỳ tự trị của Hồng Kông sẽ chấm hết. Ông Quách Vinh Khanh – thành viên Hội đồng Lập pháp Hồng Kông nói rằng luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông còn tàn ác gấp 100 lần so với luật dẫn độ.
Nhiều nước phương Tây đã lên án mạnh mẽ dự luật của Bắc Kinh. Hôm 23/5, gần 200 chính trị gia trên thế giới, trong đó có 17 nghị sĩ Mỹ, đã ký tuyên bố chung chỉ trích ý định thông qua đạo luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông. Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó cảnh báo sẽ “phản ứng mạnh mẽ” nếu Trung Quốc ban hành luật này.
Chính khách toàn thế giới phản đối Bắc Kinh ra luật kiểm soát Hồng Kông
Không chỉ riêng chính phủ Hoa Kỳ phản đối, hàng trăm chính khách trên toàn thế giới cũng phản đối chính quyền Bắc Kinh áp đặt dự luật an ninh lên Hong Kong.
Cụ thể, trong một tuyên bố chung do cựu Thống đốc Hồng Kông Christopher Patten và cựu Ngoại trưởng Anh Malcolm Rifkind soạn thảo, 186 chính trị gia trên thế giới nhân định đạo luật Bắc Kinh đề nghị là “một cuộc tấn công toàn diện vào quyền tự trị của Hồng Kông, vào tính pháp quyền và các quyền tự do cơ bản” của người dân đặc khu này, đồng thời “phá hoại trắng trợn” Tuyên bố chung Trung-Anh được ký kết giữa Anh và Trung Quốc.
“Nếu cộng đồng quốc tế không thể tin tưởng cam kết của Bắc Kinh đối với vấn đề Hồng Kông, thì sẽ khó có thể tin lời Bắc Kinh ở những vấn đề khác”, bản tuyên bố viết.
Các quan chức Mỹ nói rằng đạo luật Bắc Kinh muốn áp dụng sẽ mang đến hậu quả kinh tế cho cả Hồng Kông lẫn Trung Quốc, đồng thời tác động và làm suy giảm vị thế kinh tế đặc biệt Hồng Kông đang được hưởng theo luật Mỹ. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc đã coi những chỉ trích của quốc tế là động thái can thiệp vấn đề nội bộ nước này.
Nghị sĩ cả hai Đảng Dân chủ và Cộng Hòa ở Mỹ đã ký vào tuyên bố này, bao gồm một số gương mặt nổi bật như Thượng nghị sĩ Marco Rubio (quyền chủ tịch Ủy ban Tình báo), Thượng nghị sĩ Bob Menendez (nghị sĩ Đảng Dân chủ hàng đầu trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện), Hạ nghị sĩ Eliot Engel (người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Hạ viện), Adam Schiff (Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện) …
44 thành viên Hạ viện và 8 thành viên Thượng viện Anh cũng đã ký tuyên bố, bên cạnh các chính trị gia từ khắp châu Âu, châu Á, Úc cho tới Bắc Mỹ.
Tổng hợp