NÓI CHUYỆN TU HÀNH MÙA PHẬT ĐẢN

0
612

Thưa Cô Diễm Hương, Bây giờ em thấy dịch Covid-19 chỉ trong vòng hai ba tháng đã giết hơn 82 ngàn người trên nước Mỹ, nên em không khỏi lo nghĩ đến chuyện chết chốc. Cái chết đến với nhiều người nhanh chóng, dễ dàng.

Trong mùa Phật Đản nhiều chùa tổ chức lễ cầu nguyện, cầu an, cầu siêu. Em cũng đi chùa cầu nguyện, nhưng trong trí óc em không biết cầu nguyện như thế này có đem lại ích lợi gì không? Có người nói cầu nguyện chỉ để nói lên lòng mong ước của mình, mong ơn trên cứu độ, chứ chuyện chết sống là do Nghiệp, do Nhân- Quả từ kiếp trước. Em không biết “Tu” như thế nào để theo đúng chánh pháp, được lợi lạc cho thân tâm mình hiện tại và tao nghiệp lành cho kiếp sau.

Em kể cô nghe, Ông thầy dạy cổ nhạc của em tu theo Tịnh Độ Tông. Ông ta thuộc nhiều kinh điển và tin là khi chết ông ấy sẽ được Đức Phật A- Di – Đà rước về cõi Tịnh Độ. Nhưng mỗi buổi em tới học hát, em phải ngồi ít nhất mười lăm phút, nghe ổng chê một ông thầy cổ nhạc khác, đờn mò như dân chăn trâu, chẳng đúng nhịp nhàng gì cả. Ổng cũng hay đem học trò, đứa này, đứa kia ra chê bai là học ngu, tối trí.

Theo em nghĩ, phê bình, chỉ trích, nói xấu người khác là phạm tội “vọng ngữ”, miệng lưỡi không tốt. Nếu như mình cứ bận tâm so sánh, phê bình, ưa thích, khen chê, ý tưởng lăng xăng lộn xộn, tâm mình vọng động, sẽ không có được sự an lạc, tức là không hiểu cốt tủy của Đạo Phật là “Giải thoát” khổ đau, có phải vậy không cô?

Có một ông già thuộc hàng trưởng lão trong chùa kia, vì có công đóng góp lập chùa, và thường hay đi chùa, nên ông ta được coi là phật tử thuần thành. Nhưng hễ có dịp gặp bạn bè hay người không thân quen, ông thích khoe khoang thời vàng son, có quyền uy, chức vị cao sang lúc còn ở VN. Có khi ông kể lại danh vị thành đạt của ông ở Mỹ, cốt ý để được người khác quý trọng, khen tặng, ngưỡng mộ.

Có bà cũng hay đi chùa, nhưng chẳng bao giờ đóng góp cho việc từ thiện nhỏ, chỉ đóng góp trong buổi gây quỹ lớn, có xướng danh ân nhân, để nhiều người biết bà tặng bao nhiêu tiền, có tiếng thơm là mạnh htường quân trong vùng.

Có bà giàu có, đi chùa nào bà cũng tặng một số tiền lớn, nên được Thầy trụ trì quý như một thượng khách, tặng cho bà nhiều kinh sách. Nhưng mỗi lần bả gọi điện thoại là em muốn né, vì bả nhiều chuyện lắm,  chuyện riêng tư của ai bả cũng biết rành rẽ, nói chuyện dài dòng không biết mệt.

Em muốn biết người có nhiều tiền đóng góp cho chùa, biết nhiều lý thuyết giáo lý nhà Phật, có phải là người tu hành tốt không? Nói chuyện về người khác có tội không? Xin Cô chỉ cho em một vài điều căn bản, ngắn gọn, tu thế nào đúng chánh Pháp, đem lại kết quả tốt đẹp ở đời sống hiện tại và nghiệp lành cho kiếp sau.

Lê thị Trâm Anh

Trả lời:

Theo tôi những người cúng dường nhiều để tạo chùa to, tượng Phật lớn hay làm công quả nhiều thì rất tốt, vì góp một bàn tay vào việc xây dựng ngôi chùa cho nhiều người có nơi đến tu học, phát triển đời sống tâm linh, thăng hoa cuộc sống của nhiều người. Những người thích tụng kinh, niệm phật, ngồi thiền, thích theo tu học với nhiều Thầy nổi tiếng, giúp cho họ tĩnh tâm có đời sống an lạc, cũng tốt cho cá nhân họ.

Nhưng tu hành thì không được cố chấp về cái Tôi (Tiếng nhà Phật gọi là Chấp ngã). Tôi còn nhớ có một buổi lễ cầu nguyện cho những oan hồn chết sau 30 Tháng Tư ở một kỳ đài, MC mời một vị sư, nhưng đọc không đúng chức vị của ông ta là “Hòa Thượng”. Ông đứng yên rất lâu, mặc dầu mưa, ai cũng sốt ruột. Sau đó, MC mời lại đúng chức vị “Hòa Thượng” ông ta mới lên làm lễ. Mặc dù lên đến chức “Hòa Thượng” là tu 60 năm, nhưng nhiều người vẫn còn chấp ngã, chấp vào chức vị, danh vọng của mình.

Trong một buổi họp quan trọng của nhiều  vị chức sắc Đạo Phật, để bàn về việc tổ chức Đại lễ Phật Đản. Ban tổ chức mời một số Thầy ngồi ở hàng ghế danh dự. Nhưng sau đó, có một số vị có chức vị cao hơn, nên BTC mời các vị đã ngồi, qua hàng ghế thứ hai. Mấy ông sư dời chỗ, mà cự nự, giận dỗi ra mặt. Tôi thắc mắc, mấy ông này đứng vào hàng lãnh đạo Phật Giáo ở VN, họ đã ngồi thiền bao nhiêu giờ rồi, trong lúc thiền họ nghĩ gì, họ tu học gì mà giờ này còn sân si, bận tâm về một chỗ ngồi?

Theo tôi thì những người, dù là tu tại gia hay xuất gia mà còn ham thích danh lợi, còn sân si, bực tức khi gặp chuyện trái ý, còn thích khoe khoang, còn thích được khen ngợi, tâng bốc, thích ăn trên ngồi trước thì coi như chưa hiểu Đạo. Họ không phải là người tu hành tốt theo đúng chánh pháp. Có người chấp vào cái “Tôi”, cho tôi hay hơn người khác. “Cái của Tôi” tốt hơn của người khác. Đạo của tôi thâm sâu hơn các tôn giáo khác, tranh luận không biết mệt. Những người này còn cái tâm hẹp hòi. Cho dù họ tu theo pháp môn nào, Thiền, Tịnh hay Mật, họ đọc Chú Đại Bi rào rào; cho dù họ viết nhiều sách báo về Đạo Phật … theo tôi những người đó chưa hiều được chữ “ Giải Thoát” trong Đao Phật.

Theo tôi, việc đầu tiên là người tu cần có bốn đức tính căn bản là Từ, Bi, Hỷ, Xả, thích làm phước và bố thí. Có những người đọc nhiều kinh sách, hiểu biết nhiều giáo lý nhà Phật, nói chuyện đạo rất hay, nhưng rất keo kiệt, bỏn xẻn. Có cho đi thì cũng nhắm vào việc mua danh, cầu danh, chẳng hạn như có khắc tên họ ở tượng đài hay những hình tượng, cổng chùa vv…

Việc thứ hai là giữ ngũ giới. Ngũ giới như hàng rào giúp phật tử tránh việc làm xấu ác. Nghĩa là không sát sinh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối… “ái ngữ” là giới luật thứ tư của người phật tử. Nhiều người tự nhận là phật tử từ trong  bụng mẹ, nhưng không giữ gìn khẩu ng- hiệp, ăn nói xả láng, chê bai, chỉ trích, vu  khống. Nhất là thích nói xấu người khác.

Người càng tu thì cái ngã càng nhỏ dần, biết khiêm cung tôn trọng kẻ khác, nhất là các bậc trưởng thượng. Nhìn vào những buổi giao tế cộng đồng thì thấy rõ người tu hành có giữ tính khung cung hay ngạo mạn.

Người theo Đạo Phật phải quán chiếu, Tam Pháp Ấn là Vô Thường, Vô Ngã, và Khổ và mở ba cách cửa đến Giải thoát, gọi là Tam Giải Thoát Môn, gồm có Không môn, Vô tướng môn và Vô tác môn. Chữ KHÔNG là biểu tượng cốt lõi của đạo Phật. Chưa hiểu ý nghĩ chữ “Không” coi như chưa hiều gì về Đạo Phật. Bát-Nhã Tâm Kinh có câu “Sắc bất dị không, không bất dị sắc”. Soi tỏ ngũ uẩn đều là KHÔNG thì qua khỏi được hết tất cả mọi khổ ách. Đó là Giải Thoát.

Vấn để này đòi hỏi phật tử suy ngẫm và học hỏi nhiều hơn mới thông suốt. Để trả lời câu hỏi của em tu thế nào để được an lạc hiện tại và Nghiệp lành kiếp sau, theo tôi, cúng dường Tam Bảo, tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền, nếu chỉ làm chừng này chuyện thì mình có thể giúp mình tu hành tốt, cho mình, sống được an lạc, an nhiên tự tại dứt bỏ được mọi ràng buộc với thế tục. Nhưng những ai tự nhận mình là một phật tử ( con của Phật, đệ tử của Phật) thì hành đạo có hai phần là Tự giác, tự độ và Giác tha, độ tha, nghĩa là phát tâm Bồ Đề tiến sang Giác tha độ tha. Giải thoát cho riêng mình chưa đủ, cần khởi sanh phát tâm Bồ Đề để giải thoát tất cả chúng sanh, mới viên thành Phật quả.

Khi phát tâm Bồ Đề, hành Bồ Tát đạo, sống vì người, cho người, phật tử luôn giữ tâm thanh tịnh nhưng dấn thân nhập thế đầy phiền não ràng buộc, để cứu độ chúng sanh. Người con Phật hành Bồ Tát Đạo đem dư hương về không dành riêng cho tự thân mà còn đem san sẻ cho tha nhân. Đó là ý nghĩa, đức tính cao diệu của người Phật tử tu hành đúng chánh pháp của Đạo Phật. Em hiểu hết ý chị nói không? Chúc em thân tâm thường an lạc.

Diễm Hương
Muốn liên lạc với Diễm Hương
xin gởi thư về Việt Mỹ Magazine.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here