CÁC NHÀ LẬP PHÁP HOA KỲ KÊU GỌI GIẢI QUYẾT KHỦNG HOẢNG CHÍNH TRỊ Ở HỒNG KÔNG

0
589
Ngoại trưởng Mike Pompeo

Một nhóm gồm tám nhà lập pháp Hoa Kỳ đã gửi thư cho Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm 28/4, nhằm yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá về mức độ quyền tự trị của Hồng Kông, sau khi chính quyền đặc khu thực hiện một đợt bắt bớ các nhà hoạt động dân chủ ở thành phố này.

Vào đầu tháng 4, viện cớ là do tham gia các cuộc biểu tình bất hợp pháp, cảnh sát Hồng Kông đã bắt bớ ít nhất 15 nhà hoạt động của phe đối lập, bao gồm ông trùm truyền thông Lê Trí Anh (Jimmy Lai Chee-ying) và luật sư nổi tiếng Lý Trụ Minh (Martin Lee Chu-ming), được biết đến là “cha đẻ của nền dân chủ”.

Vào ngày 28/4, tám nhà lập pháp Hoa Kỳ, do Thượng nghị sĩ Marco Rubio thuộc đảng Cộng hòa dẫn đầu cùng Dân biểu James McGitas, thuộc đảng Dân chủ đã gửi thư cho Ngoại trưởng Mike Pompeo.

“Tương lai của Hồng Kông có tầm quan trọng rất lớn đối với Hoa Kỳ và cộng đồng  quốc tế. Không giải quyết được sự can thiệp của Bắc Kinh trong việc làm xói mòn quyền tự trị của Hồng Kông, sẽ làm suy yếu quyền tự do và nhân quyền của người dân, làm suy yếu vai trò quan trọng của Hồng Kông với tư cách là đối tác của Hoa Kỳ, cũng như làm suy yếu vai trò đặc thù của hòn đảo này trong nền kinh tế quốc tế”, bức thư cho biết.

Trong thư, các nhà lập pháp kêu gọi ông Pompeo sử dụng “Luật Nhân quyền và Dân  chủ Hồng Kông” đã được Tổng thống Don- ald Trump ký ngày 27/11/2019 để đánh giá  về mức độ tự trị của Hồng Kông, từ đó lấy căn cứ để xem xét liệu Hồng Kông có nên được hưởng các đặc quyền thương mại như hiện nay hay không.

Trong một cuộc họp báo vào ngày 29/4, Ngoại trưởng Pompeo cho biết: “Chúng tôi tiếp tục theo dõi với sự lo ngại ngày càng tăng về những nỗ lực leo thang của Bắc Kinh nhằm can thiệp đối với [Hồng Kông]”.

Trong cuộc họp, Ngoại trưởng Pompeo đã gián tiếp đề cập đến việc các quan chức Trung Quốc gần đây đưa ra Điều 23, một đạo luật chống lật đổ mà nhiều người lo ngại sẽ thắt chặt hơn các quyền tự do, sẽ được tái giới thiệu ở Hồng Kông. Trước đó, dự luật này đã được đề xuất lần đầu tiên vào năm 2003, và bị loại bỏ sau cuộc biểu tình rầm rộ vào tháng 7 năm đó.

“Bất kỳ nỗ lực nào nhằm áp đặt luật pháp an ninh quốc gia hà khắc đối với Hồng Kông là không phù hợp với những lời hứa của Bắc Kinh, và sẽ ảnh hưởng đến các lợi ích của Mỹ tại đó”, ông Pompeo cho biết.

Huong Thao

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here