Gỡ Rối Tơ Lòng: Cầu Nguyện Và Phát Nguyện

0
925
Một du khách Đài Loan tại Milano (Ý) dán trên lưng áo "Tôi không phải người Trung Quốc", "Tôi là người Đài Loan"... bằng 4 thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Ý. Ảnh chụp ngày 25/02/2020. REUTERS

 

Thưa Cô Diễm Hương,

Bây giờ đang là mùa dịch Covid-19, trên thế giới có hằng triệu người bị nhiễm bịnh và riêng ở Mỹ đã hơn bốn mươi lăm ngàn người chết. Ở đâu cũng có lệnh cách ly, đường phố vắng tanh, ở Saigon những nơi rất đông đúc, nay vắng vẻ không thể tưởng tượng được. Vậy mà bà chị của em ở Việt Nam, năm nay đã 80 tuổi mà ngày nào cũng lò mò đi nhà thờ, để cầu nguyện. Nhà thờ cách nhà em mười lăm phút đi bộ. Thánh lễ lớn, tụ tập đông người thì không được phép hoạt động. Nhưng nhà thờ ở Thị Nghè, Quận Bình Thạnh, có mở cửa để cá nhân nào muốn cầu nguyện thì có thể vào chỗ của họ, ngồi đó cầu nguyện.

Em sợ bà chị của em bị nhiễm vi rút nên hết lời giải thích để chị ấy hiểu là cầu nguyện chỉ là để cầu xin ơn trên, ban cho mình điều mong cầu, vì tự khả năng mình không thể thực hiện được. Cầu nguyện suông không đem lại ích gì đâu. Nếu cầu nguyện có kết quả như mong muốn thì trên cõi đời này không có người nghèo, người khổ, người chết. Em khuyên chị ấy ở nhà cầu nguyện cũng được, đừng có đi lang thang ra đường rồi nhiễm bịnh. Lúc ngã bịnh, nằm trên giường cầu nguyện ơn trên cũng chịu thua, không cứu sống được đâu.
Em giải thích hết lời nhưng chị ấy tin tưởng là chí tâm cầu nguyện sẽ được ơn trên lắng nghe, ban phước. Chị ấy kể cho em nghe, có một lần chị ấy bị tim đập nhanh bất thường, mệt gần chết, chị ấy muốn đi bịnh viện cấp cứu nhưng không có ai ở nhà, nên chỉ chí tâm cầu nguyện Đức Mẹ Maria hằng cứu giúp và chị ấy mơ màng thấy hình Đức Mẹ hiện ra trên tường, cạnh giường. Sau đó tim hết đập nhanh và chị ấy tin là khi mình chí tâm cầu nguyện thì ơn trên có lắng nghe và cứu giúp. Chị ấy nói, nhiều đạo coi cầu nguyện là một cách để liên lạc với ơn trên. Hình như trong Đạo Hồi, người ngoan đạo chẳng những ăn mặc che kín thân thể và mặt mũi, chỉ để hai con mắt thấy đường, họ cầu nguyện ba lần một ngày, sáng trưa chiều (lúc mặt trời lặng).
Em thấy khó thuyết phục được người có lòng tin, em tự an ủi, lúc chị ấy cầu nguyện là lúc nghĩ tới Chúa, tâm an tịnh, nghĩ tới làm lành tránh dữ như trong kinh thánh dạy, thì cũng tốt thôi. Nhưng không biết sao chị ấy không chịu ngồi nhà cầu nguyện mà phải đi nhà thờ, làm như Chúa chỉ ở trong Nhà Thờ. Trong đạo Phật thì nói “Phật tức tâm”. Phật ở trong tâm mình, không nên tìm kiếm, cầu xin bên ngoài. Cô thấy được sự khác biệt của hai tôn giáo không?

Hà thị Tâm
Trả lời:

Nói tới dịch bịnh Covid-19, tôi thấy thật là một đại nạn cho toàn thế giới, hằng triệu người bị nhiễm bịnh, hằng trăm ngàn người chết. Sự chết sống có thể xảy ra cho bất cứ ai, già trẻ lớn bé gì cũng có thể bị nhiễm trùng rồi chết tươi. Trước tai họa khủng khiếp này, con người cảm thấy mình bất lực nên hay cầu nguyện ơn trên che chở. Đó là phản ứng tự nhiên của con người. Tuy nhiên theo tôi thì cầu nguyện không đem lại ích lợi gì, nó chỉ thể hiện sự mong ước của mình mà thôi. Thí dụ như cầu nguyện cho thế giới có hòa bình, cầu nguyện cho chiến tranh chấm dứt.
Xét theo giáo lý Nhà Phật, theo tôi hiểu thì con người sinh ra đời là thọ Nghiệp từ kiếp trước, cũng như kiếp này mình đang tạo nghiệp, nghiệp lành hay nghiệp ác cho kiếp sau. Con người sinh rồi diệt, diệt rồi sinh theo vòng luân hồi là một vòng tròn, gọi là luân hồi sinh tử. Luân là luân chuyển, hồi là trở lại. Đó là giáo lý căn bản của Đạo Phật. Đối với con mắt phàm của người đời, mình chỉ thấy được quá khứ và hiện tại kiếp này. Nhưng đối với Thiên nhãn của Phật, Phật thấy được Phúc hay Họa là sự kết hợp và sự vận hành của Nghiệp. Nghiệp hiển lộ thành Quả Báo. Quả Báo là động tác tiếp liền nhau giữa Nhân và Quả.
Sự kiện đi trước là gieo Nhân, có thể không phải chỉ ở kiếp này mà có thể là từ nhiều kiếp trước. Theo sau Nhân là Quả, mà người đời thường không biết từ đâu đưa đến. Người được quả lành thì nói là nhờ Trời Phật ban cho số may mắn, số tốt. Nếu nhận quả xấu thì người đời cho là Trời giáng họa cho số phận không may bất hạnh. Sự thực là Phúc hay Họa đểu do Nghiệp của mình mà ra, sinh ra bởi sinh hoạt hằng ngày của mình, phát xuất từ Thân, Khẩu, Ý, được gọi là Thân nghiệp, Khẩu nghiệp và Ý nghiệp.
Nhiều người tin ở Định mệnh, số phần, nghĩa là cái số của mình nó không may thì phải đành chịu. Thuyết này chủ trương số phận con người được an bài, định đoạt sẵn bởi một quyền năng thiêng liêng tối cao, không có sự tự lực của con người trong đó. Theo Đạo Phật, cuộc sống của con người được dẫn dắt bởi hai sức mạnh là Nghiệp Lực và Nguyện Lực.
Nghiệp lức là do cái quả từ kiếp trước, luân chuyển theo vòng Luân Hồi. Mình thọ nhận từ lúc mới sinh ra đời, cho đến chết. Rồi tái sinh ở kiếp sau cũng theo nghiệp tạo ra ở kiếp hiện tại. Luân hội và Nghiệp này chỉ chấm dứt khi mình được giải thoát khỏi vòng luân hồi.
Còn Nguyện lực bắt đầu tác động từ khi mình phát nguyện. Điều này không lệ thuộc vào tiền kiếp, hiện kiếp hay hậu kiếp. Con người đang thọ nghiệp ở thế gian có thể phát nguyện ngay ở kiếp làm người này. Nguyện làm môt việc lành nào đó. Thí dụ như có người phát nguyện “Tâm Bồ Đề”, nguyện cứu giúp người nghèo khổ, hoạn nạn, dù chỉ có thể thực hiện một việc làm nhỏ, trong tầm tay của mình. Có người phát nguyện ăn chay, có người phát nguyện giữ năm giới, có người nguyện giúp súc vật. Tùy ước nguyện của mỗi người.
Đức Phật Thích Ca có phát nguyện rất lớn như:
– Nguyên tế độ chúng sanh khỏi mọi khổ ách.
– Nguyện độ chúng sinh ra khỏi vòng luân hồi khổ não…
Phật a Di Đà có 48 lời Đại nguyện.
Người khéo tu, thấu hiểu giáo lý Nhà Phật có thể giải thoát cho cá nhân họ, sống an lạc giữa cõi trầm luân. Nhưng người muốn cứu khổ cho người và tạo phước lành cho mình thì phát nguyện “Tâm Bồ Đề ”, tâm của một vị bồ tát.
Trả lười câu hỏi của em, về cầu nguyện và phát nguyện khác nhau như thế nào, tôi thấy có nhiều người mặc dầu đã quy y Tam Bảo, trở thành phật tử, có pháp danh. Nhưng họ quy y để khi chết kê khai pháp danh trong Cáo Phó, cho thiên hạ biết họ thuộc dòng giống con cháu nhà Phật. Có thể lúc đã chết, họ đem pháp danh ra chứng minh mình là phật tử, để mong cầu Phật vì tình Cha – Con mà cứu giúp họ bên kia thế giới.
Tôi nghĩ, là một phật tử (con của Phật, người theo Phật) thì con phải theo lời cha dạy, nghĩa là đang sống trong kiếp sống này, mình nên phát nguyện làm mọi điều lành, tránh mọi điều ác, và tâm ý giữ trong sạch. Đó là lời Phật dạy.
Qua những hình ảnh, tin tức, chúng ta biết dịch Covid-19 đã làm cho biết bao nhiêu người chết, biết bao nhiều người đang sống trong đói rách lầm than vì thất nghiệp, ở Mỹ cũng như ở VN. Nhưng có nhiều người dững dưng, không thể hiện xót thương dù bằng một hành động nhỏ nào. Những người này dù có cầu nguyện bao nhiêu lần, bao nhiêu lâu cũng chẳng đem lại được ích lợi gì cho họ và cho ai.
Trên đường hành đạo, Phật tử nên PHÁT NGUYỆN giúp người, giúp đời, dù bắt đầu với một việc nhỏ. Chẳng hạn như tặng một bữa cơm từ thiện, chỉ tốn có một đô la thôi, miếng khi đói, gói khi no, cũng giúp người khổn khổ đói rách ở VN, do dịch Covid-19 gây ra.
Có niềm vui trong giờ tuyệt vọng. Giữa cõi trần ai nhiều khổ lụy đau thương này, người đời thường bỏ mặc, ai sống ai chết mặc ai. Thật là may mắn còn có rất nhiều tấm lòng vàng từ nhiều nơi ở hải ngoại ở Mỹ, ở Úc, ở Canada…gởi tiền về cho nhiều nhóm người thiện nguyện ở Việt Nam, mỗi ngày nấu tặng mấy trăm phần cơm từ thiện phân phát nhiều nơi ở Saigon và trước Bịnh Viện Ung Thư Saigon.
Tội nghiệp cho nhiều người bịnh ung thư đã khổ đau tinh thần, còn thêm đớn đau thễ xác, mà họ xếp hàng đợi một, hai giờ để có một bữa cơm từ thiện trị một đô la. Có người không cho đồng nào còn lý luận, chuyện cứu đói, cứu khổ ở VN để cho Chính Phủ lo. Chính phủ VN phải lo cho dân. Tại sao Việt kiều ở hải ngoại gom góp tiền gởi về cứu đói ở VN?
Xét cho kỹ, nếu Chính Phủ VN đã lo cho dân thì Người Việt ở hải ngoại đâu phải chống Cộng hơn 45 năm nay? Chờ đến bao giờ toàn dân VN mới có thể đứng lên lật đổ chính quyền? Trong lúc cái đói, cái khổ của người dân nghèo xảy ra trong từng giờ, từng ngày hiện tại.
Nói tóm lại, theo tôi, thay vì dành thì giờ đi chùa, đi nhà thờ cầu nguyện cho mọi người được an lành, thì mình nên PHÁT NGUYỆN làm một việc lành hôm nay, dù là một việc lành nhỏ, chẳng hạn như đóng góp năm, mười đô la, tùy theo khả năng của mỗi người cho quỹ phát cơm từ thiện. Như vậy đem lại lợi ích thiết thực hơn là cầu nguyện suông, không đem ích lợi gì cho mình và cho tha nhân.

Diễm Hương,

Muốn liên lạc với Diễm Hương xin gởi thư về ViêtmyMagazine.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here