Cả Le Monde và Les Echos cùng quan tâm đến sự kiện «Các biện pháp giam lỏng được mở rộng ở Trung Quốc», ngoài Vũ Hán, hiện được áp dụng thêm ở ba thành phố ở tỉnh Chiết
Giang (phía đông TQ) để phòng lây nhiễm virus corona mới (2019-nCoV).
Hai nhật báo đưa tin, Hàng Châu (Hangzhou), ở tỉnh Chiết Giang, đang áp dụng biện pháp hạn chế đi lại. Mỗi gia đình chỉ được phép có một người ra khỏi nhà đi chợ hai ngày một lần. Sau Hàng Châu, thêm ba thành phố cũng áp dụng biện pháp « giam lỏng » là Thai Châu (Taizhou), Ôn Châu (Wenzhou) và Ninh Ba (Ningbo).
Liệu Thượng Hải, thành phố lớn thứ hai của Trung Quốc, chỉ cách Hàng Châu chưa đầy 200 km, sắp phải chịu những biện pháp tương tự ?
Tình cảnh của người dân trong vùng dịch
Thị trưởng Ôn Châu, nói rõ: «Người dân không được ra khỏi nhà trong vòng một tuần». Ôn Châu có hơn 3 triệu dân và có hơn 170.000 người đi làm ở tỉnh Hồ Bắc, vùng dịch virus
corona mới và về nhà ăn Tết nguyên đán. Trong số lao động đó, có thể rất nhiều người đã nhiễm virus corona mới và biến thành phố này thành địa phương bị nhiễm nặng nhất ngoài
vùng ổ dịch Hồ Bắc.
Một số nhân chứng ở Ôn Châu thuật lại đời thường của họ với nhật báo Le Monde. Joss Van der Broek, một người Hà Lan 49 tuổi, chủ một nhà hàng ở Ôn Châu từ 9 năm nay, cho
biết là đã 3 đêm, ông phải ngủ lại nhà hàng ở trung tâm thành phố. Dân làng nơi ông sinh sống, nằm ở ngoại ô, đã đóng mọi ngả đường, chỉ để mở một lối vào duy nhất, được người dân thay nhau canh gác trước rào chắn bằng tre. Họ để ông đi, nhưng cảnh báo «không
thể cho ông vào làng». Trong làng có rất nhiều người già. Hou Shenglie, một người dân khác sống ở
Ôn Châu, cho Le Monde biết cả gia đình ông phải ở trong nhà. Ông được nhiều tờ giấy mầu hồng, kiểu «giấy thông hành», trên đó ghi : «Khu phố Doumen, giấy phép ra». Giấy này chỉ được sử dụng một lần nên chính quyền địa phương khuyến cáo mỗi gia đình chỉ nên dùng một phiếu hai ngày một lần để đi chợ. Ngoài ra, theo ông Hou, « các biện pháp kiểm tra được thực hiện rất chặt chẽ. Họ đang tách các khu dân cư trong thành phố ».
Ở Hàng Châu, cũng tương tự, người dân nhận được giấy cho phép ra khỏi nhà hai lần mỗi tuần để đi chợ và mỗi nhà chỉ có một người được phép ra. Còn ở Thai Châu, xe mang biển số từ địa phương khác bị cấm vào thành phố, nếu lái xe không có giấy tờ hợp lệ cần thiết. Một số thành phố khác ở tỉnh Chiết Giang, như Thiệu Hưng (Shaoxing) hay Nghĩa Ô (Yiwu), cũng áp dụng những biện pháp tương tự.
Trên mạng xã hội, nếu như một số người dường như chấp nhận bị hạn chế đi lại, một số khác thì lên án những biện pháp kiểu « chuyện đã rồi ». Khác với Vũ Hán, các thành phố ở Chiết Giang không báo trước các biện pháp cách ly. Ví dụ ở Ôn Châu, trong số 46 điểm vào thành phố, chỉ có 9 điểm được mở cửa và bị kiểm soát.
Hàng triệu người lao động, về quê ăn Tết, giờ chờ đèn xanh của chính quyền để trở về nơi làm việc. Chính những đợt di chuyển lớn như thế này khiến giới chuyên gia lo ngại dịch bệnh lan truyền nhanh hơn, đặc biệt trong hệ thống giao thông công cộng ở những thành phố lớn. Để cố hạn chế phần nào khả năng lây lan, kiểm tra thân nhiệt trở thành chuyện bình thường ở mỗi lối vào chung cư hay siêu thị.
Nhiều cơ quan hành chính ở Bắc Kinh cho phép công chức « từ nơi khác đến » làm việc tại nhà trong vòng hai tuần. Le Monde kết luận, ba thành phố ở tỉnh Chiết Giang đang trở thành phòng thí nghiệm cho một Trung Quốc, xây từng bức tường nhỏ ngăn cách, để dựng lên Vạn Lý Trường Thành ngăn dịch. Trong khi chưa dập tắt được dịch, chính phủ Trung Quốc che giấu những lời chỉ trích và mở rộng tuyên truyền.
Công xưởng đắp chiếu vì virus corona
Theo nhật báo Le Figaro, về mặt chính thức, hàng trăm nghìn nhà máy ở Trung Quốc sẽ hoạt động trở lại vào ngày 09/02, hoặc chậm nhất là ngày 13/02 ở tỉnh Hồ Bắc. Thế nhưng, chưa có gì là chắc chắn. Truyền thông Trung Quốc đồng loạt chỉ trích việc một nhà máy dệt may ở miền nam mở cửa trở lại. Ông chủ nhà máy đang bị tạm giam. Chính quyền trung ương đưa ra chỉ thị rõ ràng : an ninh trước đã, kinh tế tính sau. Hiện chỉ có những nhà máy
sản xuất trang thiết bị y tế và một số nông phẩm được phép hoạt động. Hàng loạt nhà máy gia công cho các tập đoàn quốc tế đành đắp chiếu cho đến khi có lệnh mới. Dịch virus corona đưa ra bằng chứng : Trung Quốc vẫn là công xưởng của thế giới, cung cấp đến 20% sản lượng thế giới và các nhà máy này cung cấp gần 1/3 GDP của Trung Quốc.
Kiểm duyệt thông tin gắt gao
Che đậy sự thật về mức độ lây lan, về những thiếu sót cơ bản nhất trong hệ thống y tế, đồng thời đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền về những tấm lòng quả cảm của muôn dân trước con virus corona, những nỗ lực của Nhà nước sát cánh với toàn dân : Đó là chủ trương mới của bộ máy tuyên truyền Trung Quốc. Chủ tịch nước kiêm tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, đã bước lên tuyến đầu trên mặt trận này.
Trong cuộc họp với Bộ Chính Trị hôm 03/02/2020 nguyên thủ Trung Quốc ra lệnh “cần tăng cường kiểm soát thông tin trên các phương tiện truyền thông và internet”. Phát biểu này đã không được giữ lại trong bản dịch sang Anh Ngữ của Tân Hoa Xã. Báo chí chính thức tại Bắc Kinh đưa tin nhẹ nhàng rằng, ông Tập chỉ thị với các cấp là đã tới lúc cần “đẩy mạnh các chiến dịch tuyên truyền, tăng cường vế giáo dục, kiểm soát công luận trên cơ sở tất cả những trao đổi qua internet và trong cuộc sống hàng ngày”. Cỗ máy tuyên truyền của Đảng và Nhà nước cũng cần “củng cố niềm tin, kích động bầu nhiệt huyết của toàn dân, phải tuyên truyền những câu chuyện khiến mọi người động lòng”
Chưa đầy một ngày sau cuộc họp đó, ngay cả tạp chí Tài Tân (Caixin), nổi tiếng là độc lập với guồng máy thông tin của Trung Quốc đã “đổi giọng”. Cho đến cuối tuần qua, về dịch virus corona, tờ báo kinh tế rất có uy tín này tại Bắc Kinh liên tục nhấn mạnh đến “tầm mức quan trọng của việc đưa tin một cách minh bạch và trung thực, đầy đủ và tránh những thiếu sót do cố tình gây nên, tránh im lặng trên một số chủ đề”. Cũng tờ báo này cho rằng “quyền được biết thông tin của các công dân Trung Quốc phải được tôn trọng”.
Thế nhưng sau cuộc họp của Bộ Chính Trị thì tờ báo “cứng đầu” này đã đi vào khuôn phép. Bên cạnh đó là phóng sự đầy đủ chi tiết bệnh viện dã chiến đầu tiên khai trương sau 10 ngày công trình được khởi động, rồi đưa tin chính phủ có những biện pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp làm ăn sa sút vì dịch bệnh … Còn những bài báo nói về tình trạng thiếu trang thiết bị y tế cũng được đăng trên tờ Tài Tân thì đã “mất hút”.Nhân Dân Nhật Báo trong ấn bản ngày 04/02/2020 cũng tràn ngập những bài viết ca ngợi “những tấm lòng” của người dân Vũ Hán.
Trên internet, cỗ máy kiểm duyệt của Trung Quốc cũng đã tăng tốc. Trên mạng xã hội WeChat, tin nhắn báo động “cẩn thận khi đưa thông tin về dịch virus corona kẻo bị phạt” đã biến mất khỏi các màn hình. Cũng trên mạng WeChat, một người sử dụng cho biết “đã có rất nhiều những bài báo về virus corona vị rút đi, làn sóng hoảng loạn giờ mới thực sự bắt đầu” và thế là tài khoản của người này đã bị khóa ngay lập tức.
Cỗ máy tuyên truyền của Đảng Cộng Sản Trung Quốc hành xử như thể chỉ cần xóa những thông tin về virus corona, đóng tài khoản nói về loại siêu vi chủng mới đó là đủ để che giấu sự thật bẽ bàng : Một con virus nhỏ đang thách thức khả năng “đề kháng” của Đảng và chế độ cầm quyền của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
Dường như Trung Quốc không rút kinh nghiệm những lần có dịch bệnh trước đây, tiếp tục duy trì “phản xạ” che giấu, bưng bít thông tin, gây ra những hậu quả nghiêm trọng : Chính vì kiểm duyệt mà Bắc Kinh đã đánh mất tối thiểu là ba tuần lễ trong cuộc chạy đua với thời gian để ngăn chận virus corona. Đầu tháng Giêng, tám vị bác sĩ ở Vũ Hán đã bị bắt vì tội “phổ biến thông tin thất thiệt làm xáo trộn trật tự xã hội” chỉ vì phát hiện thấy virus lạ, để rồi sau đó, chính tư pháp TQ lại miễn tội cho họ. Liệu rằng bài thuốc “kiểm duyệt thông tin”
của Tập Cận Bình là một hiểm họa đối với cho “Giấc Mộng Trung Hoa”, với mục đích xây dựng một “Xã Hội Hoài Hòa” mà chính Tập dày công xây dựng ?
Chỉ nội hình ảnh các nước bất luận giàu nghèo huy động máy bay đến Vũ Hán, đưa công dân của họ ra khỏi “ổ dịch” trong lúc những dân ở Vũ Hán, ở Hồ Bắc bị đồng bào của mình hắt hủi cũng đủ cho thấy, chính sách kiểm duyệt, che giấu thông tin – liều thuốc chống dịch bệnh của Tập Cận Bình – đã thất bại.
Tổng hợp từ RFI