WESTMINSTER, California (VM) –Chiều Thứ Sáu, 18 Tháng Mười, 2019, cựu Sinh Viên Sĩ Quan Khóa 6/68 (SVSQ/ K6/68) Thủ Ðức và Ðồng Ðế đã có một buổi hội ngộ lân thứ 6, do Hội Ái Hữu Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Khóa 6/68 Thủ Đức và Đồng Đế Nam California tổ chức tại Việt Mỹ Media Center, 14190 Beach Blvd., Westminster, California.
Theo ban tổ chức, kỳ họp mặ lần thứ 6 là để tạo cơ hội cho các cựu SVSQ K6/68 Trừ Bị Thủ Đức và Đồng Đế gpặ lại nhau để hàn huyên tâm sự, cho nhau những tình cảm, chia sẻ những điều bị mất mát và giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống hiện tại.
“Đây cũng là dịp để anh em chúng tôi ngồi lại với nhau và xem ai còn, ai mất. Vì, anh em chúng tôi cũng đã già hết rồi. Trong kỳ hội ngộ này, Hội trưởng là anh Võ Quốc đang bị bệnh tại Florida, nên không về tham dự,” Ông Trần Văn Thanh, thành viên trong ban tổ chức cho biết.
Đêm giao thừa Tết Mậu Thân, nhằm ngày 29 Tháng Giêng, 1968. Cộng Sản Bắc Việt đã lợi dụng thỏa hiệp ngưng chiến được ký kết với chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, họ đã điều động hàng trăm ngàn binh lính chính quy được trang bị vũ khí và đạn dược của Nga Sô và Tàu Cộng đồng loạt tấn công vào các tỉnh thành của miền Nam VNCH.
Huế là một thành phố bị cộng sản chiếm đóng lâu nhất. Để quyết tâm giành lại cố đô thân yêu, sau 25 ngày phản công, các chiến sĩ của nhiều binh chủng Quân Lực VNCH đã đánh đuổi Việt Cộng ra khỏi thành phố Huế. Tàn trận chiến thì Cố Đô Huế đã chìm trong biển máu và nước mắt; hơn 5,000 thường dân vô tội bị ngã gục vì bom đạn của đối phương. Thảm kịch này được gọi là “Thảm Sát Mậu Thân”.
Từ vụ tổng tấn công của Việt Cộng đánh phá vào nhiều nơi của miền Nam, như Sài Gòn và nhiều tỉnh thành tại miền Nam, và vụ “Thảm sát Mậu Thân” tại Huế vào năm 1968, cũng như trước họa xâm lăng của Cộng Sản Bắc Việt, nên lúc bấy giờ, hàng ngàn thanh niên, sinh viên, học sinh miền Nam trong lứa tuổi hai mươi, lên đường tòng quân cứu nước theo lệnh tổng động viên của chính phủ VNCH. Trong đó có cựu Sinh Viên Sĩ Quan Khóa 6/68 Trừ bị Thủ Đức và Đồng Đế có danh xưng là Tự Quyết.
Thời gian trôi qua đã trên 47 năm kể từ ngày ra trường. Trong buổi hội ngộ lần thứ 6, những cựu SVSQ còn sống sót trên nhiều chiến trận khốc liệt tại miền Nam; sống sót từ những ngục tù của cộng sản. Họ quy tụ về tại Little Saigon trong tình chiến hữu, trong tinh thần huynh đệ chi binh. Vì thế, buổi hội ngộ có nhiều màu áo trận của Quân Lực VNCH. Những màu áo kiêu hùng của những người trai thế hệ ngày xưa đã trở về với đại gia đình Khóa 6/68 tại hải ngoại, trong đó có những người đến từ Canada, Việt Nam, Âu Châu, và những tiểu bang khác tại Hoa Kỳ.
Những nàng dâu của quân trường mẹ Thủ Đức và Đồng Đế trong những tà áo dài màu vàng thướt tha tươi mát của những phụ nữ trong ban tổ chức. Ngày xưa, họ là những em gái hậu phương thương mến những chiến sĩ ngoài tiền tuyến khi đất nước còn trong binh lửa; ngưỡng mộ sự kiêu hùng của những chàng trai thế hệ, và họ đã chấp nhận là người vợ hiền của những cựu SVSQ Khóa 6/68.
Sau cuộc đổi đời bi đát vào cuối Tháng Tư Đen 1975, họ là những người mẹ thay chồng nuôi con dại, vì chồng của mình đã bị cộng sản giam cầm trong hàng ngàn trại tù trên khắp đất nước. Và, họ đã từng lặ lội đường xa để đến thăm chồng trong những trại tù của cộng sản.
Giờ đây, những mái đầu bạc phơ của các cựu SVSQ/K6/68 Trừ Bị Thủ Đức và Đồng Đế, một lần nữa đã cùng ngồi bên nhau để nhớ lại những thời oanh liệt của ngày nào. Sau nghi thức khai mạc, bài nhạc “Khóa 6/68 Tự Quyết Hành Khúc,” sáng tác của Trần Văn Thanh, do toàn ban văn nghệ của Khóa 6/68 Tự Quyết đồng ca đã mở đầu cho chương trình văn nghệ, với sự điều hợp của chiến hữu Nguyễn Bình Trị và hậu duệ Nguyên Thảo.
Năm Mậu Thân 1968 là một biến cố lịch sử của chiến tranh còn ghi lại qua sự tổng tấn công của Cộng Sản Bắc Việt vào miền Nam. Từ đó, 9 khóa Trừ Bị Thủ Đức và Đồng Đế cũng được khai mở vào năm Mậu Thân 1968, với hơn 18 ngàn thanh niên, học sinh, sinh viên nhập ngủ theo lệnh tổng động viên. Sau cuối Tháng Tư, 1975, họ như bầy chim vỡ tổ tan tác lìa đàn, bao kẻ lưu lạc xứ người ở khắp năm châu, người thì bị lưu đày phát vãng trại hóa thú cải tạo từ Nam ra Bắc, trong núi thẳm rừng sâu của cộng sản xâm lược chịu bao đọa đày cay đắng, tưởng không bao giờ có dịp gặp lại nhau nữa.
Nhưng dù lưu lạc bốn phương hay còn ở lại quê nhà, các cựu SVSQ/K6/68 đã tìm đến với nhau trong tình thân đồng khóa. Tình thân ấy vẫn nguyên vẹn như thuở trai trẻ bước vào nghiệp lính chiến.
Ngự Bình/Việt Mỹ