SANTA ANA, California (VM) – Sau cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chống ách đô hộ nhà Hán, hơn hai trăm năm sau, vào thế kỷ thứ II, có một người phụ nữ không chịu cam tâm cúi đầu làm nô lệ phương Bắc mà chỉ huy nghĩa quân đánh đuổi giặc Ngô. Người phụ nữ anh hùng đó là Triệu Thị Trinh (Bà Triệu). Vì kính phục tấm lòng dũng cảm và yêu nước của Bà, nên mọi người đã vinh danh bà “Nhụy Kiều Tướng Quân” (vị tướng yêu kiều như nhụy hoa). Để tưởng nhớ công ơn một vị nữ anh hùng dân tộc, vào chiều Chủ Nhật, 6 Tháng Mười, 2019, Hội Ái Hữu Bà Triệu & Hội Thái Cực Quyền đã long trọng tổ chức Đại Lễ Tưởng Niệm Bà Triệu lần thứ 23 tại nhà hàng Majesty, Santa Ana, California.
Lễ rước di ảnh Bà Triệu được tổ chức rất trang trọng và uy nghiêm. Đi đầu, người đóng vai Bà Triệu là cô Sandra Sương Nguyễn giữ di ảnh của bà, sau đó là đoàn nữ tướng trong y phục áo dài truyền thống màu vàng rực rỡ, tay mang gươm báu. Theo sau là Ban Tế Nữ Quan trang nghiêm trong y phục cổ truyền dân tộc màu xanh dương, vàng và đỏ. Kế tiếp là những cựu nữ sinh các trường trung học như Gia Long, Trưng Vương, Lê Văn Duyệt, Sư Phạm Quy Nhơn,…
Đoàn rước di ảnh từ bên ngoài cửa chính của nhà hàng oai hùng tiến vào lễ đài. Tại lễ đài, trên bàn thờ của vị nữ tướng là di ảnh của bà đang cưỡi voi xuất trận tiêu diệt quân thù, một bộ lư đồng cùng hoa, quả, hương án… Khi đoàn rước di ảnh của Bà Triệu tiến vào vị trí hành lễ, mọi người cùng đứng lên nghênh đón chân dung vị nữ anh hùng dân tộc.
Ban Tế Nữ Quan bắt đầu đảnh lể chính thức gồm các Lễ rước đèn, Lễ dâng hương, hoa kính dâng lên bàn thờ Bà Triệu.
Sau phần tế lễ, bà Lệ Giang, hội trưởng Hội Ái Hữu Bà Triệu đọc diễn văn khai mạc. Trong lời khai mạc, bà Lệ Giang nói: “Bà Triệu đã hy sinh cuộc đời son trẻ của mình để chống ngoại xâm, và để nêu gương người phụ nữ đã hy sinh cho tổ quốc, nên chúng tôi hôm nay vinh hạnh được tổ chức Đại Lễ Bà Triệu lần thứ 23, không ngoài mục đích vì nhớ công ơn của bà đối với dân tộc ta cũng như nêu cao truyền thống của người phụ nữ Việt trong lãnh vực đánh đuổi giặc ngoại xâm để giành độc lập, tự do, dân chủ cho dân tộc Việt Nam, chớ không chịu quất phục dưới chân của giặc Tàu.”
“Tổ quốc chúng ta có biết bao vị anh hùng đã hy sinh cho quê hương dân tộc, đã đánh đuổi giặc ngoại xâm mang lại độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam. Bà Triệu là một trong những vị anh hùng đó. Bà đã nêu cao tấm gương hy sinh anh dũng cho toàn dân Việt nói chung và cho phụ nữ Việt Nam nói riêng. Bà đã để lại câu nói được ghi đậm nét trong lịch sử Việt Nam: ‘Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá tràng kình ở Biển Đông, quét sạch bờ cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tì thiếp người ta.’ Câu nói lịch sử ấy được dân tộc Việt Nam truyền tụng cho tới ngày nay.”
Người đóng vai Bà Triệu là Cô Sandra Sương Nguyễn, chia sẻ: “Tôi rất hân hạnh được đóng vai Bà Triệu trong buổi Đại Lễ Tưởng Niệm Bà. Đây cũng là dịp để cho giới trẻ Việt Nam hải ngoại hiểu được nguồn cội của mình và truyền thống của dân tộc Việt Nam, trong đó có những vị nữ tướng như Hai Bà Trưng, Bà Triệu. Tuy các bà là phận nữ nhi, nhưng đã chứng tỏ cho thế giới biết rằng, phụ nữ Việt Nam vẫn sát cánh cùng nam giới để không thẹn với câu của ông bà mình đã nói, ‘Giặc đến nhà, đàn bà phải đánh’.”
Dân tộc Việt Nam đã tự hào rằng, phụ nữ Việt Nam có những chí khí quật cường, khí phách anh dũng không thua gì nam giới. Những tổ chức để tưởng niệm quý bà, không những để tưởng nhớ và vinh danh những nữ tướng của dân tộc, mà còn để cho những thế hệ trẻ ở hải ngoại hiểu biết được lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Triệu Thị Trinh, còn có những tên gọi khác như Triệu Trinh Nương, Nàng Trinh hoặc là Bà Triệu. Bà sinh ngày 2 tháng 10, năm 226 (Bính Ngọ) tại vùng núi Nưa thuộc đất Trung Sơn, quận Cửu Chân, nay thuộc huyện Triệu Sơn tỉnh Thanh Hóa, trong một gia đình hào trưởng.
Quê hương của Bà Triệu cũng là quê hương của hai anh em Khương Công Phụ và Khương Công Phục, những người đã có công khai mạch Đại Khoa Nho Học cho Thanh Hoá nói riêng và cả nước nói chung. Họ đã dốc chí học tập rồi thi đỗ tiến sĩ dưới thời Đường Đức Tông (779-805). Bà Triệu mất năm 248, lúc mới 23 tuổi.
Đến nay, chuyện Bà Triệu từ Thế kỷ thứ II, và vẫn còn ghi đậm trong tâm thức mỗi người Việt Nam với lòng ngưỡng mộ và tự hào. Bà được bao phong là Bột Chính Anh Liệt Hùng Tài Trinh Nhất Nữ Nhân qua nhiều thời đại. Đền thờ Bà hiện nằm trên đỉnh núi Tùng thuộc thôn Phú Điền, nay là xã Triệu Lộc huyện Hậu Lộc tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây là di tích lịch sử quan trọng của quốc gia, như một bằng chứng về niềm tự hào và tôn vinh người phụ nữ liệt oanh của dân tộc Việt Nam.
Ngự Bình/Việt Mỹ