Phong trào phản kháng chống Bắc Kinh trở thành quyết liệt, nhãn hiệu và cơ sở thương mại Trung Quốc bị tấn công, trong khi Bắc Kinh chào mừng 70 năm chế độ Cộng Hoà Nhân Dân, tuổi trẻ Hồng Kông xuống đường thách thức.
Tình hình Hồng Kông được Le Monde nhận định
Với tựa “Quốc khánh Trung Quốc biến thành hỗn loạn”, phóng viên tại chỗ của nhật báo độc lập ghi nhận cũng như mọi cuộc biểu tình, đoàn người phản kháng ngày 01/10 bắt đầu tuần hành một cách ôn hoà trước khi xung đột xảy ra khi bị cảnh sát chận đường. Từ lúc đó lá cờ đỏ 5 sao vàng bị đốt, xung đột trên các ngã đường giữa cảnh sát và hàng ngàn người biểu tình, 20 trạm xe điện ngầm bị thiệt hại vật chất, bom xăng chống lựu đạn cay, 66 người biểu tình từ 12 tuổi đến 71 tuổi bị thương, một học sinh 18 tuổi bị cảnh sát bắn vào ngực nhưng « có cơ may » phục hồi.
Quy mô các cuộc biểu tình trong thành phố được yểm trợ bằng một chiến dịch phản kháng bằng hình ảnh « bùng nổ trên mạng », theo quan sát của Le Monde, trong bài « cuộc nổi dậy ra tay ». Trước thế mạnh áp đảo của chính quyền Bắc Kinh, tuổi trẻ Hồng Kông sử dụng trí tưởng tượng sáng tạo làm vũ khí. Song song với những cuộc xuống đường như biển người, phong trào phản kháng gia tăng hình thức “nối vòng tay lớn” trước các cơ sở chính quyền, cầu nguyện tập thể, bãi công bãi khóa một ngày, và nhất là chiến dịch tràn ngập hình ảnh, biểu ngữ, biểu tượng trên tường, trên mạng internet. Phong trào qua hình ảnh, màu sắc, đập vào mắt quần chúng.
Chiến thuật Lý Tiểu Long : Hãy là nước
Chiến lược tranh đấu bằng nghệ thuật hình ảnh, theo giới trẻ Hồng Kông, là một khái niệm của Triệt Quyền đạo của Lý Tiểu Long : Hãy là nước, không định hình, không chẻ ra được, lúc tiến lúc thóai, xâm nhập khắp nơi trên không gian mạng. Mỗi ngày, hàng chục ngàn hình ảnh, biểu ngữ, mật mã bằng chữ Hán và tiếng Anh tung lên mạng kết nối người dân với nhau, hướng dẫn cách chống lựu đạn cay, cách bảo vệ những thiếu nữ, thiếu niên trên tuyến đầu lúc bị đàn áp. Khi phong trào muốn làm một bức tượng nữ thần tự do Hồng Kông, thì ngay lập tức, một đạo binh điêu khắc gia ẩn danh xin tham gia, một số tiền lớn 203 ngàn đô la Hồng Kông (25.000 đô la Mỹ) được đóng góp.
Một chi tiết được Le Monde chú ý là các biểu ngữ của phong trào không mang tính tuyên truyền chính trị và ý thức hệ. Trái lại chúng dựa theo khẩu vị, văn hóa của thế hệ trẻ, chẳn hạng như « Nếu chúng tôi bị đốt cháy thì quý vị (lãnh đạo) cũng bị cháy theo». Giới « fan » trò chơi Hunger Games không lạ gì khẩu hiệu này. Phong trào 2019, theo Le Monde, huy động mọi tầng lớp xã hội khác nhau : Công nhân, Dù vàng, sinh viên học sinh, tôn giáo với những khẩu hiệu biểu tượng nhắc nhau «sáng kiến không bao giờ chết », Hãy thông minh, khiêm tốn, hãy là nước để không bao giờ thất bại.
Trung Quốc: Một quốc gia hai cuộc tưởng niệm
Trong bài xã luận « Trung Quốc : một quốc gia hai cuộc tưởng niệm», Le Monde mô tả hai hình ảnh đối chọi. Bắc Kinh với binh lính rầm rộ, xe tăng tuần hành, người tham gia mặt mày hào hứng. Hồng Kông với những người trẻ mặc y phục đen, cầm dù, xé biểu ngữ mừng quốc khánh, đốt giấy vàng bạc như đưa một đám tang.
Theo tác giả bài xã luận, Hồng Kông đã trở thành sân khấu của một cuộc đối đầu giữa hai hệ thống : chế độ xã hội chủ nghĩa của Tập Cận Bình và mô hình dân chủ. Với hệ thống luật pháp riêng, xã hội công dân, trình độ giáo dục cao, Hồng Kông chứng tỏ đủ khả năng tự quản. Bắc kinh cũng biết giữ thái độ chừng mực để không bị Tây phương chỉ trích mạnh hơn.
Chính quyền Trung Quốc sử dụng đội quân dư luận viên, thành phần dân Hoa Lục nhập cư và gián điệp, trả đũa kinh tế, để đánh phá phong trào phản kháng và hy vọng làm đảo ngược công luận và làm phong trào phản kháng tự tan rã. Nhưng vô vọng.
Bế tắc toàn diện. Lâm Trinh Nguyệt Nga mất hết uy tín. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng biết công luận Hồng Kông vì sao đốt phá các biểu tượng của chế độ Trung Quốc nhưng sử dụng quân đội là một cuộc phiêu lưu đầy bất trắc. Theo Le Monde, giải pháp khả thi nhất là bầu một lãnh đạo mới dễ chấp nhận hơn. Liệu Tập Cận Bình có sẵn sàng hay không ?
Sơn Phạm Tổng hơp