
Tiếp theo kỳ trước
Nhận xét về các thanh tra của State Board tiểu bang California, là cơ quan chịu trách nhiệm làm luật và giám sát việc thi hành luật lệ và vệ sinh của ngành thẩm mỹ tại California, một kỹ nghệ mà trong đó thợ Nails người Mỹ gốc Việt chiếm khoảng 80%, anh Benjamin Thái đã làm Nails hơn 20 năm nay, hiện đang làm Nails tại Las Vegas, cho biết: “Tôi từng làm cho rất nhiều tiệm Nails lớn, nhỏ do người Việt làm chủ tại nhiều tiểu bang, trong đó có thời gian vài năm làm Nails tại tiểu bang California. Tôi nhận thấy, các thanh tra viên của State Board tại tiểu bang California là khó khăn nhất, kiểm tra vệ sinh rất “gắt gao”, họ luôn tìm cách phạt thợ và chủ những lỗi không đáng, và khi ghi phạt, thì tiền phạt luôn rất cao. Những nơi tôi làm bên ngoài California, hoặc cụ thể là đang làm tại Las Vegas vài năm nay, các thanh tra của State Board vào kiểm tra rất hòa nhã, thân thiện, không gây cho chủ và thợ áp lực nặng nề, như hồi tôi còn làm ở tiểu bang California. Chỉ trừ khi người thợ hoặc tiệm đó vi phạm lỗi vệ sinh nặng, thì mới bị ghi phạt, còn những lỗi nhẹ, họ chỉ cảnh cáo thôi. Và nếu tiệm nào sau khi kiểm tra không vi phạm gì, thì khoảng 1 năm sau họ mới quay lại.”
Theo chia sẻ của anh Benjamin Thái , thì ở Las Vegas, nhân viên thanh tra của State Board xuống xét, nếu có phạt, chỉ phạt chủ tiệm thôi. Vì chủ phải chịu trách nhiệm nhắc nhở những chuyện giữ vệ sinh. Không phạt thợ. Còn tại California thì phạt thợ khi thấy thợ vi phạm, rồi phạt luôn chủ. Mấy tiểu bang khác như các tiểu bang miền Đông nước Mỹ còn dễ hơn. Thường mỗi năm State Board xuống tiệm chỉ một lần/ 1 năm thôi. Tiệm nào bị khách gọi than phiền, thì State board sẽ xuống liền. Họ sẽ xét kỹ, nếu đúng như lời khách than phiền, họ sẽ ghi giấy phạt ngay. Một khi tiệm đã bị khách than phiền, nhân viên thanh tra của State Board sau khi kiểm tra xong, tháng sau sẽ xuống kiểm tra tiếp, để xem có còn vi phạm không. Nếu thấy mọi chuyện êm xuôi, thì năm sau mới quay lại. “Vì một nhân viên thanh tra của State Board phải kiểm tra 50- 60 tiệm Nails trong một năm. Một nhân viên phải đi kiểm tra nhiều tiệm quanh năm, nên một năm chỉ có thể xuống kiểm tra một lần thôi. Tiệm nào vi phạm thì mới quay trở lại nhiều lần trong năm. Thường tôi thấy các nhân viên kiểm tra cũng không moi móc cho ra để phạt. Nếu tiệm chưa từng bị phạt, không bị khách gọi điện than phiền lên State Board, thì nhân viên thanh tra State Board chỉ kiểm tra căn bản, tiệm có sạch sẽ không, máy hút khử mùi hôi hóa chất trong tiệm có hoạt động tốt không, nước nóng, nước lạnh ra sao. Thợ có bằng hành nghề hay không. Đồ nghề có để trong hộp khử trùng hay không. Chỉ trừ khi tiệm nào đã ghi vào hồ sơ đã vi phạm thì mới bị kiểm tra khắt khe hơn.”
Anh Benjamin Thái kết luận: “Từ trước đến nay, người thợ Nails hoặc chủ tiệm Nails tại California luôn gặp nhiều khó khăn hơn các chủ và thợ ở những tiểu bang khác, vì sự cạnh tranh nghề nghiệp và giá cả với nhau ở California rất cao, do có nhiều thợ Nails và tiệm Nails quá. Những bạn bè của tôi làm Nails tại California than quá chừng, thu nhập vốn không nhiều bằng những thợ Nails ở các tiểu bang khác, ngành Nails không còn trong thời hoàng kim nữa, kiếm tiền chật vật hơn. Cộng thêm luật lệ gắt gao, và tiền phạt thì rất cao, cùng với thái độ của các nhân viên thanh tra của State Board vào tiệm luôn gây căng thẳng cho chủ, cho thợ…. Nghĩ đến những điều đó, nên dù có người thân tại California, nhưng tôi vẫn không muốn quay về làm Nails tại California là vì vậy.”
Chủ tiệm Nails và thợ Nails nên làm gì khi bị phạt?
Nhiều năm trước nhân viên State Board của tiểu bang California vào kiểm tra tiệm Nails, thường bỏ qua cho thợ, không phạt thợ, mà chỉ phạt chủ, vì họ cho rằng chủ là người chịu trách nhiệm, cần phải nhắc nhở thợ giữ vệ sinh. Nhưng thường những lỗi vi phạm đều do thợ gây ra, chính vì họ không phạt thợ, nên lỗi lầm ngày càng nhiều hơn. Những năm gần đây họ bắt đầu chú đến phạt chủ và phạt luôn thợ. Theo quy định của state board bất cứ tiệm Nails nào 3 lần bị phạt dù đó là những lỗi nhỏ, state board có quyền lấy lại giấy phép của tiệm. Hoặc họ vẫn cho chủ mở cửa tiệm, nhưng phải đóng cửa 5 ngày hoặc 10 ngày liên tiếp, tùy theo lỗi nặng hay nhẹ trong tháng đó. Trong thời gian đóng tiệm, chủ tiệm phải dán lên cửa tấm bảng đã vi phạm vệ sinh do State Board đưa. Còn thợ Nails cũng vậy, ngưng làm việc bao nhiêu đó ngày và bị ghi lại điểm xấu vào hồ sơ. Ông Phước chồng bà Ann (là chủ tiệm Nails và Spa ở thành phố Brea) bày tỏ, “Tôi muốn mọi người phải chú ý điều này vì nhiều người do không nắm luật lệ, khi bị phạt, cứ nộp phạt cho yên thân. Dù là bị oan ức. Họ không biết rằng chính State Board khi đã phạt mình, buộc mình đóng phạt rồi, họ có quyền quay lại và kiểm tra từ 3 đến 6 tháng. Việc vi phạm họ tính trong suốt thời gian của bằng hành nghề của mình, chứ không phải chỉ tính trong 1 năm đó, do vậy mình vi phạm 1 lần, nhiều năm sau bị 1 lần nữa, thì họ vẫn giữ lại điều đó, để đúng 3 lần vi phạm, sẽ buộc mình đóng cửa tiệm hoặc ngưng làm việc một thời gian đối với người thợ. Sau khi đã đóng cửa đủ ngày rồi, thì thanh tra viên có quyền quay lại tiệm đã từng bị phạt bất cứ lúc nào, khi tiệm không vi phạm, thì chủ nhân vẫn phải trả tiền cho chuyến đi của thanh tra viên, nếu tiệm vi phạm lỗi nữa, thì họ có quyền buộc tiệm phải đóng cửa lần thứ nhì.
Ông Phước khuyên: “Qúy vị nào bị phạt, mà nhận thấy lỗi mình không đáng bị như vậy, thì không nên nộp phạt, mà hãy gửi thư khiếu nại lên State Board và đề nghị được ra Appeals Hearing để gặp Disciplinary Committee (Ủy Ban Xem Xét Kỷ Luật của State Board). Nhiều chủ tiệm NailS và thợ người Việt thường than phiền nhân viên State Board vào tiệm quát tháo, phạt những lỗi rất vô lý, oan ức, nhưng các thợ và chủ tiệm nail lại không có bằng chứng, thành ra họ đã thắng mình.”
Ông Phước đề nghị: “Mỗi tiệm Nails nên có sẵn một máy chụp hình. Chủ tiệm có quyền đi theo thanh tra viên, để xem họ chụp những hình gì, mình cũng chụp lại để chứng minh người thanh tra đó phạt không đúng. Chứ không nên cứ để người thanh tra đó làm trời, làm đất gì trong tiệm mình cũng được. Vì khi họ chụp hình những nơi mà họ cho rằng tiệm mình dơ. Họ có những dữ kiện để phạt mình, thì mình cũng phải có lại đủ những dữ kiện hình ảnh để chứng minh là họ sai. Chứ khi mình không có hình ảnh chứng minh, chỉ nói miệng, thì sẽ không cãi lại được họ. chẳng hạn một cái chậu rửa chân do xử dụng lâu ngày bị cũ, họ chụp ngay chổ bị tróc, rồi phạt mình vì chậu dơ. Nếu mình không chụp hình nguyên cái chậu ngay lúc đó, để chứng minh chậu này cũ, mà gần đến ngày ra tòa, khoảng 6 tháng sau, mình mới đi chụp lại hình, thì sẽ không thể làm bằng chứng được. Thông thường, những thanh tra viên không muốn chủ tiệm đi theo họ xem họ chụp những gì, rồi mình chụp lại, để làm bằng chứng chống lại họ khi ra tòa, vì như thế nghĩa là những gì họ đề ra phạt không còn giá trị nữa. Thành ra họ thường tỏ thái độ khó chịu, quát mắng mình, thậm chí họ còn phạt mình thêm tội là ngăn cản họ làm việc. Nhưng tiện đây, tôi nói luôn, tiệm của mình là nơi công cộng, mình có quyền đi theo họ, chụp lại những công việc họ làm, kể cả chụp hình họ luôn. Điều này không hề phạm luật. Mình có quyền chụp hình lại những gì họ chụp, mình không cản trở họ, mà chỉ đứng sau lưng họ để chụp, vì vậy mình không phạm luật. Nếu họ quát tháo mình, mình có quyền nói rằng họ làm vậy là sai.”
Một số điều State Board cần sửa đổi
Ông Phước nói: “Chúng tôi luôn phải tuân thủ luật lệ, không làm việc gì ngoài luật lệ cho phép, nhưng chúng tôi cũng yêu cầu các nhân viên state board phải làm đúng luật. Các thanh tra viên không nên lạm dụng quyền hành, họ thường vào kiểm tra các tiệm nail theo cảm tính rất nhiều, họ nói sạch là sạch, mà dơ là dơ. Đa phần người chủ tiệm Nails gốc Việt, hay thợ Nails gốc Việt do hạn chế về Anh ngữ, nên không thể cãi lại họ trước những ghi phạt vô lý. Hoặc nếu có đủ Anh ngữ, thì khi trình bày vấn đề với họ, họ vẫn không chịu nghe. Đây là điều mà các chủ tiệm Nails và thợ Nails đang phải đối đầu”.
Theo ông Phước, vì có rất nhiều người thợ bị phạt, họ không đồng ý và đã gửi đơn khiếu nại lên State Board và chờ đi Appeals Hearing để gặp Ủy Ban Xem Xét Kỷ Luật (Disciplinary Committee). Nhưng vì có quá đông người chờ được đi Appeals Hearing, nên thời gian được gặp Ủy Ban Xem Xét Kỷ Luật thường kéo dài khá lâu, có khi gần 1 năm. Chính điều chậm trễ này kéo theo một hệ quả, đó là có nhiều trường hợp bằng hành nghề của người thợ cũng đã đến ngày phải đổi lại sau mỗi 2 năm, thì phía State Board đã từ chối cấp bằng mới, nêu lý do cần phải đợi việc gặp Ủy Ban Xem Xét Kỷ Luật giải quyết những khiếu nại của thợ xong, mới cho đổi bằng. Nếu chủ tiệm nail nào không biết việc này đối với người thợ của mình, vẫn để thợ làm trong tiệm, thì khi thanh tra viên State Board vào kiểm tra, họ sẽ phạt một ngàn mỹ kim người chủ tiệm đó.
Ông Phước nói, “ Tôi mong rằng các chủ tiệm Nails và các thợ Nails bị phạt, sẽ được đi học để xóa giấy phạt như trường hợp lái xe mà DMV đã áp dụng từ xưa nay, sẽ là cơ hội cho người thợ hoặc người chủ chuộc lỗi lầm và xóa được vi phạm trong hồ sơ hành nghề của mình. Ngoài ra mong là trong thời gian người thợ đang chờ gặp Ủy Ban Xem Xét Kỷ Luật của State Board để chứng minh những buộc tội và bắt nộp phạt là không đúng, thì State Board vẫn phải đổi bằng cho thợ vì đã hết hạn 2 năm, để thợ vẫn tiếp tục đi làm kiếm sống. Rất mong State Board nên có cách nào để các chủ tiệm Nails trả góp không tiền lời sau khi bị phạt. Vì hiện nay thu nhập của các tiệm Nails đang bị giảm sút, mà mỗi lần bị phạt từ một ngàn mỹ kim lên đến năm ngàn hoặc nhiều hơn, có người trả một lần không nổi, đành phải dẹp tiệm luôn.”
(Còn tiếp) Phương Đan