Chắc chắn cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ đều không muốn xảy ra một cuộc xung đột quân sự theo đúng nghĩa.
Theo giới quân sự nhận định thì xung đột trên mặt trận quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc có một đặc điểm là “đua mà không đánh”, nó đan xen, hoà lẫn vào các mặt trận khác như công nghệ, ngoại giao, gián điệp, thương mại, và thậm chí cả đầu tư, tài chính. Với 2 khối ngân sách khổng lồ, chúng ta cùng xem Mỹ và Trung Quốc sắp đặt lực lượng quân sự của mình như thế nào.
Sách lược hai bên
Ngày 18/12/2017, tổng thống Donald Trump công bố Chiến lược An ninh quốc gia đầu tiên của chính phủ mới, trong đó có một số điểm đáng chú ý: Một là, tổng ngân sách quốc phòng của Mỹ đạt con số kỉ lục 716 tỉ USD. Hai là, Mỹ trực tiếp coi Trung Quốc và Nga là các đối thủ chiến lược và gọi họ là “các cường quốc xét lại”. Gần đây nhất, ngày 27/6/2019, Thượng viện Mỹ thông qua Luật thẩm quyền Quốc phòng Quốc gia (NDAA) với ngân sách 750 tỉ USD.
Trong khi đó, ngày 24/7/2019 Trung Quốc công bố Sách trắng Quốc phòng cho biết sẽ “không bao giờ tìm kiếm quyền bá chủ, mở rộng phạm vi ảnh hưởng lên các nước khác”. Đồng thời Trung Quốc cáo buộc Mỹ gây mất ổn định chiến lược khi mở rộng chi tiêu quốc phòng và bán vũ khí cho Đài Loan. Ngân sách quốc phòng công bố ngày 5/3/2019 của Trung Quốc là hơn 177 tỉ USD, con số mà nhiều chuyên gia đánh giá là ít hơn nhiều so với thực tế.
Sức mạnh quân sự
Trong tương quan trực diện về quân số và vũ khí, có thể nói sức mạnh của Mỹ vẫn vượt trội. Số lượng binh sĩ khổng lồ của Trung Quốc chỉ là lục quân đóng tại các khu vực biên giới và nội địa nói chung, trang bị đơn giản. Thông tin từ Ngũ Giác Đài cho biết trang bị cho một lính Mỹ ở mức 17.450 USD, trong khi của Trung Quốc là 1.500 USD. Sức mạnh còn thể hiện ở khả năng cơ động, lính Trung Quốc khi di chuyển số lượng lớn vẫn dựa vào tàu hỏa, trong khi Mỹ sử dụng trực thăng.
Vũ khí lạc hậu của Trung Quốc
Về trang bị vũ khí và phương tiện quân sự, sự chênh lệch hai bên ở mức độ hiện đại. Trong khi Trung Quốc trang bị từ thời những năm 1990 khi sức mạnh kinh tế còn rất hạn chế, cho nên khá lạc hậu, khó có thể sử dụng trong thực tế chiến tranh hiện đại. Các loại vũ khí và phương tiện hiện đại như chiến đấu cơ, hầu hết đều bị đánh giá là ăn cắp và sao chép công nghệ từ Nga và Mỹ. Ví dụ chiếc J-11, J-15 là bản sao lần lượt của Su-27 và Su-33 của Nga, J-20 và J-31 lần lượt là bản sao của F-22 và F-35 của Mỹ. Tuy có các tính năng và hình dáng giống như của các phiên bản gốc nhưng mức độ công nghệ vẫn bị đánh giá là kém hơn. Thậm chí chiếc J-20 “tàng hình” được cho là hiện đại nhất, thực tế lại vẫn phải sử dụng động cơ AL-31F của Su-27 mua từ Nga, vì động cơ WS-15 Trung Quốc tự sản xuất cho J-20 chưa đạt yêu cầu.
Về phát triển công nghệ quân sự, tư tưởng của Trung Quốc là tập trung vào các giải pháp ngắn hạn, như gián điệp và cưỡng ép chuyển giao công nghệ. Trung Quốc không có công nghệ gốc và dễ bị tụt hậu khi đối phương tăng cường bảo mật.
Về lực lượng hải quân, số lượng tàu ngầm của Trung Quốc dù lớn nhưng đa số sử dụng động cơ diesel (hiện mới có 6 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong biên chế) nên không thể so sánh được với sức mạnh của đội tàu ngầm Mỹ sử dụng năng lượng hạt nhân. Riêng nhóm tàu Hàng không mẫu hạm (HKMH), Mỹ hoàn toàn áp đảo với số lượng 20 chiếc và hai chiếc sắp hoàn thành, trong đó có 10 chiếc siêu HKMH lớp Nimitz. Trung Quốc hiện có 1 chiếc Liêu Ninh mua lại của Ukraine năm 1999 và chiếc Type-001A đang chạy thử.
Trung Quốc cũng trang bị thêm từ nguồn mua của Nga, như máy bay Su 35, tên lửa S 400, hàng trăm động cơ phản lực và một số trực thăng. Nói chung về phương diện vũ khí, khí tài và lực lượng quân đội thì Trung Quốc kém xa so với Mỹ.
Mỹ cũng thụt hậu một số lĩnh vực
Cho đến nay, giới quân sự Mỹ tự đánh giá là bị thụt hậu về một sỗ lĩnh vực vũ khí so với Nga và Trung Quốc, như tên lửa diệt vệ tinh, tên lửa siêu âm. Bởi vì hoạt động chiến đấu của Mỹ hiện đại sử dụng rất nhiều công nghệ từ vệ tinh, nếu hệ thống vệ tinh bị phá huỷ thì là một sự nguy hiểm lớn đối với Mỹ. Hệ thống HKMH cũng là một thế mạnh vượt trội của Mỹ, nhưng nếu đối thủ sử dụng tên lửa siêu vượt âm thì hệ thống đánh chặn truyền thống khó có thể phát huy tác dụng, từ đó có thể dẫn đến sự vô hiệu hoá ưu thế vốn có này.
Trong mấy tháng gần đây, giới quân sự Mỹ đã đưa ra các thử nghiệm về tên lửa siêu vượt âm của mình. Nói chung, trong trung hạn có thể nói lĩnh vực vũ khí này sẽ là phần mà Mỹ không có ưu thế vượt trội. Còn trong dài hạn, do nước Mỹ một mặt đã tăng cường bảo mật được thành quả công nghệ liên quan, mặt khác chú trọng đầu tư mạnh mẽ cho lĩnh vực này, cũng như phát triển các công nghệ vũ khí mới thì sẽ có thể lấy lại ưu thế.
Chiến tranh mạng
Một lĩnh vực đối đầu khác giữa Trung Quốc và Mỹ là chiến tranh mạng. Đây cũng là lĩnh vực Mỹ không dễ có được lợi thế. Bởi vì chính quyền Mỹ bị ràng buộc bởi nhiều quy đinh pháp lý và đạo đức, trong khi chính quyền Trung Quốc thường bỏ qua các giới hạn này.
Theo các thống kê nhiều năm liên tiếp, Trung Quốc luôn là một trong 10 nước khởi phát các cuộc tấn công mạng hàng đầu trên thế giới. Các lĩnh vực nhắm vào không chỉ là quân sự mà còn nhắm vào tất cả các lĩnh vực dân sinh như ngân hàng, lưới điện… Nhiều sĩ quan – hacker của PLA nằm trong danh sách truy nã của Cơ quan điều tra liên bang Mỹ (FBI).
Chương trình huấn luyện
Các tướng lĩnh của của quân đội Trung Quốc (PLA) trước hết là các nhà chính trị chứ không hoàn toàn là các tướng lĩnh quân sự. Do vậy quá trình đào tạo, chọn lọc đều phải ưu tiên trước hết cho khía cạnh tư tưởng chính trị. Tình trạng tham nhũng trong PLA cũng luôn là đặc điểm điển hình. Ví dụ hàng chục tướng lĩnh cao cấp hàng đầu của PLA như Từ Tài Hậu, Cốc Tuấn Sơn, Quách Bá Hùng… trong những năm qua bị phát hiện tham nhũng với số tài sản khổng lồ. Tình trạng tham nhũng và đấu đá nội bộ này làm kinh phí được sử dụng thực sự cho quân sự giảm sút và khả năng phối hợp trong PLA trở nên lỏng lẻo. Chương trình huấn luyện của PLA có tỉ lệ 20 – 30% thời gian dành cho nội dung chính trị để bảo đảm lòng trung thành với ĐCSTQ, thay vì tập trung vào khía cạnh huấn luyện quân sự.
Trong khi đó, khuynh hướng chính trị đối với người Mỹ là sự lựa chọn tự do, nên việc huấn luyện tập trung chính vào chuyên môn quân sự. Quân đội Mỹ đều phải bảo vệ lợi ích quốc gia Mỹ, chứ không bảo vệ lợi ích cho một đảng phái chính trị nào. Trung Quốc trong mấy chục năm qua không có kinh nghiệm thực tế chiến trường, trong khi Mỹ liên tục trải qua nhiều cuộc chiến. Đây là điều làm nên sự khác biệt lớn nhất trong tương quan sức mạnh quân sự thực chất của hai bên.
Sức mạnh đồng minh
Mỹ có trên 60 đồng minh quân sự trong khi Trung Quốc (cô đơn) không có. Các đối tác của Trung Quốc như Nga, Bắc Hàn hay Campuchia không có độ tin cậy thực chất. Các quốc gia có xu hướng ngả theo Trung Quốc cũng thường có mối quan hệ không ổn định. Nó thể hiện ở quan điểm của quốc gia đó dễ dàng thay đổi khi một chính quyền mới lên nắm quyền, thậm chí thường sử dụng xu hướng chống Trung Quốc để tranh cử.
Bảo mật công nghệ
Cuộc chạy đua công nghệ quân sự của chính quyền Trung Quốc gặp khó khăn bế tắc, khi Mỹ đang tăng cường bảo mật công nghệ, ngăn chặn các doanh nghiệp Mỹ hợp tác công nghệ với chính quyền Trung Quốc. Mỹ thậm chí đã kết án tù 46 năm một công dân Trung Quốc tên Su Bin vì tội ăn cắp công nghệ quân sự Mỹ.
Đối tác mà chính quyền Trung Quốc nhắm tới hiện nay là Nga cũng tỏ ra không tin cậy. Trong các chiến cơ Su-35 bán cho Trung Quốc, Nga cũng tăng cường các giải pháp bảo mật công nghệ như phủ lớp vật liệu chống soi chiếu để sao chép, hệ thống động cơ cũng được “hàn chết” để nếu chuyên gia Trung Quốc muốn tiếp cận phần lõi thì phải phá hủy hoàn toàn động cơ. Con bài hạt nhân bắc Hàn lâu nay vẫn được sử dụng trong quan hệ với Mỹ cũng đang bị ông Trump vô hiệu hoá.
Theo DKN