MUỐN ĐƯỢC PHƯỚC ĐỨC!

0
787

Thưa Cô Diễm Hương,

Cái chuyện con dâu và gia đình chồng không ưa thích nhau là chuyện bình thường. Có điều em gởi thư này cho cô là em thắc mắc về nhân quả và bố thí. Gia đình chị chồng em trước đây ở Việt Nam rất nghèo, anh rễ em bị đi tù cải tạo sáu năm nên cả gia đình được qua Mỹ theo diện HO. Từ một gia đình nghèo khó trong xóm lao động ở VN, nay được phước đức gì mà đột nhiên họ trở nên giàu có quá mức. Họ không có học hành chữ nghĩa gì cả, qua Mỹ họ bắt đầu với nghề phụ bếp trong nhà hàng rồi qua nghề NAILS mà nay làm nên sự nghiệp. Qua Mỹ, gia đình chị chồng em  định cư ở Cali. Không có chữ ng- hĩa gì nên cả nhà vô làm phụ bếp,  rữa chén trong một nhà hàng Việt Nam. Tiệm này nổi tiếng nhờ món bánh cuốn ngon . Lần lần họ học được bí quyết pha bột làm bánh cuốn. Từ đó cả nhà xúm nhau làm bánh cuốn bỏ mối ở các tiệm chạp phô. Có được một số vốn họ đi học nghề NAILS, rồi sang tiệm NAILS , rồi sang trạm xăng nhỏ, họ làm việc chuyển tiền, gởi quà về VN. Họ bắt được nhiều mối với các đại  gia ở VN, chuyển nhiều tiền từ VN qua Mỹ. Nay họ giàu kinh khủng. Để đền đáp ơn trên phù hộ, họ bố thí nhiều lắm. Mỗi lần có lễ lộc lớn hay chợ Tết mấy chị em, con cháu trong gia đình xúm nhau mở gian hàng bán thức ăn: bánh cuốn, chè cháo đủ thứ, kiếm lời từ năm đến mười ngàn đô. Họ gởi hết tiền lời về cho các hội từ thiện ở Việt Nam, như cho Hội phát cơm miễn phí ở bệnh viện, họ cho những bà mẹ nghèo nuôi con bị ung bứu ở bệnh viện Saigon. Họ cho bất kể chùa hay nhà thờ hay một tổ chức từ thiện nào.

Em nghe mấy đứa cháu kể như vậy. Em nghĩ có lẽ nhờ họ bố thí rộng rãi nên được Trời Phật ban cho nhiều phước đức. Em khởi tâm bắt chước bố thí với ước mong được phước đức như họ. Em gởi tiền về VN, nhờ chị của em ở Việt Nam giúp, nào là phóng sinh chim cá, bố thí cho người ăn xin, cúng dường chùa, đúc tượng, hể báo đăng ở đâu có người nào nghèo khổ là chị em tìm đến tận nhà cho tiền, rồi báo cáo cho em hằng tháng biết quỹ từ thiện của em ở Việt Nam còn bao nhiêu… Em bố thí rất rộng rãi cả chục năm rồi mà sao em chẳng  được phước đức gì cả, mà cứ tiếp tục gặp chuyện không may, nào bị xe đụng, nào bịnh hoạn. Em đang bị bịnh thấp khớp, đau đớn quá chừng, mỗi tháng phải bỏ ra bạc ngàn để chích một mũi thuốc cho bớt đau, mà bác sĩ nói bịnh của em càng ngày càng nặng thêm, phải chích thuốc mạnh hơn, tốn nhiều tiền hơn. Tốn tiền kiểu này mà không tiện tặng thì làm sao chịu nỗi đau đớn, bệnh hoạn sau này?

Em buồn nên đi chùa hỏi thăm Thầy, tại sao nhiều người rất gian ác mà vẫn giàu sang, còn em sống tử tế, có bố thí tứ phương mà cứ bịnh hoạn dài dài, may mà chưa bị stroke nằm một chỗ. Thầy giả thích lung tung khó hiều. Em muốn hỏi cô, muốn thực hiện cái hạnh bố thí không phải là dễ, ai cũng có thể làm được phải không cô?

Lê thị Thu Thảo

Trả lời:

Tôi nhận được nhiều câu hỏi như thế này từ độc giả. Tại sao người sống lương thiện mà cứ bị tai họa, còn người hàng xóm rất gian manh mà rất giàu sang? Tại sao Trời Phật không phạt mấy người xấu ác? Vì vậy họ rất hoài nghi về luật nhân quả. Tôi nghĩ, nếu phước đức hiện ra ngay trước mắt, thì nhiều người sẽ đua nhau làm phước. Cũng như vậy, nếu tội và nghiệp báo có thể thấy dể dàng thì nhiều người sẽ không dám gây tội lỗi. Đời sẽ không còn là bể khổ nữa. Em phải hiểu, phước đức hay tội và nghiệp báo xảy ra là do nghiệp của THÂN, KHẨU VÀ Ý của mình tạo tát ra, nó tích tụ lâu dài, có khi gieo nhân từ kiếp này qua kiếp khác mới có kết quả hay hậu quả.

Đọc qua cái thư của em, tôi thấy em bố thí với ước mong giàu sang, nên không được kết quả như mong muốn. Còn mấy người trong gia đình chị chồng dù họ nghèo không bố thí ai tiền bạc, nhưng nhiều người nghèo rất tốt bụng, sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ người lối xóm. Dù của ít nhưng lòng nhiều, hay dù không giúp đồng nào, họ cũng tạo được phước đức như người cho tiền. Tôi nhớ có đọc trong kinh Phật dạy, cho dù mình không có tiền để cúng dường hay bố thí, nhưng trong lòng mình tha thiết ước muốn có tiền để giúp đỡ người khác thì mình cũng được phước như như người bỏ tiền ra giúp đỡ. Giá trị là ở tấm lòng từ bi của mình, muốn chia sẽ khổ đau, đem an vui đến cho người khác. Rất có thể gia đình chị chồng em nghèo nhưng họ có từ tâm nên Trời Phật ban cho họ nhiều may mắn, hết gặp duyên may này đến duyên may khác khiến họ giàu to.

Nói đến bố thí thì quý Thầy ở chùa nói kinh sách Phật dạy có ba loại bố thí. Tài thí là bố thí của cải vật chất, tiền bạc. Pháp thí là bố thí những lời giảng dạy của Đức Phật, giúp người đời hiểu đạo, có đời sống an lạc và Vô úy thí là giúp cho người không sợ hãi lo âu, được an ổn tinh thần. Trong ba cách lạoi, Pháp thí là cao quý nhất.

Suy ngẫm kỹ em sẽ thấy thực hành hạnh bố thí chúng ta sẽ diệt được lòng tham lam, tâm thanh tịnh không sân si, sẽ mau tiến đến chỗ giải thoát. Vì vậy thực hành được hạnh bố thí thì chẳng những chúng ta có được phước đức, mà chúng ta có thể đi đến giải thoát, cho nên giá trị của việc bố thí không thể nghĩ, không thể đo lường được. Nhưng đó phải là sự bố thí trong sạch. Nếu chúng ta bố thí với ước mong được ơn trên gia hộ cho mình, cho gia đình được phước đức là mình còn vướn mắc với cái “ Tôi”, “Cái của tôi”. Bố thí như vậy còn tính chất vị kỷ, không khác gì bỏ tiền của ra hối lộ thần linh, đem tiền bạc vật chất ra đổi lấy, mua lấy phước đức. Bố thí với tâm ý trao đổi, mua bán như vậy không có giá  trị gì, sẽ không có phước đức.

Trừ khi chúng ta thực hành hạnh bố thí với tấm lòng rộng rãi, “thương người quên mình, với tất cả tấm lòng từ bi, ước mong cho người khác bớt khổ đau, không mong cầu danh lợi, không mong cầu báo đáp, không cần nghe lời khen, không cần được tiếng cám ơn, không cần ai biết đến… Ðó chính là sự bố thí thanh tịnh, trong sáng, sẽ được nhiều phước đức. Thí dụ như trong những buổi gây quỹ, nhiều người đóng góp nhiều tiền, nhưng muốn tên của mình được xướng to lên cho mọi người biết, thì sự bố thí đó là vì háo danh, muốn cho mọi người biết mình có lòng hảo tâm, cho tiền nhiều. Nếu MC xướng danh thiếu sót, thì nổi giận, cự nự, bố thí như vậy có tính cách cầu danh, cũng không đem lai phước báo gì.

Nhiều người cúng chùa, cúng dường thập phương chư Phật, chư hiền thánh nhơn, với tâm trong sáng giúp cho nhà chùa có phương tiện vật chất để phát triển hay bảo trì nhà chùa là nơi phổ biến đạo pháp của Đấng Thế Tôn, giúp cho người đời có phương tiện tu học, tu hành có đời sống tinh thần an lạc, để trở thành người tốt trong xã hội… cúng dường với tâm ý ttrong sáng như vậy thì mới có được phước báo vô lượng vô biên. Trong kinh sách gọi là “bố thí ba la mật”. Còn như cúng dường nhiều cho chùa với tâm ý tạo uy tín trong xã hội, có thế lực để chỉ huy, làm sếp lớn trong chùa, thì có cúng dường cả một ngôi chùa hay đúc hằng chục tượng là cũng để cung dưỡng cho tham vọng ích kỹ của mình, thì cũng chằng tạo được phước đức gì, mà đôi khi còn mắc tội buôn thần bán thánh.

Hiểu sâu xa ý nghĩa và giá trị của việc bố thí, làm phước với tâm trong sạch, người bố thí sẽ tạo được nghiệp lành, tự tạo cho mình một kho tàng phước báu hiện tại và mai sau. Của người khác mình  không THAM , không giành giật đem về cho mình, mà còn lấy tiền của của mình chia sẻ cho người khác với ước muốn từ bi đem niềm vui cho người khác, với thời gian huân tập, đức tính này phát triền, chẳng những mình tạo NGHIỆP LÀNH cho mình, mà Bố thí cũng giúp mình tiêu trừ được đau khổ, phiền muộn trước cảnh tham lam, giành giật của người khác đối xử với mình. Tâm từ bi phát triển, sẽ giúp cho tâm trí mình được an lạc, thảnh thơi, hạnh phúc. Vì vậy hạnh bố thí là gốc rễ của tất cả các thiện pháp. Bố thí là một pháp tu, hạnh tu mà những người kém trí huệ cũng có thể thực hành. Nhiều chư vị hiền thánh nhơn kim cổ đều tu học, thực hành các hạnh tu bố thí.

Để trả lời câu hỏi của em, làm sao có can đàm bỏ tiền túi của mình ra bố thí người khác trong lúc mình phải tiết kiệm từng đồng, không dám ăn, không dám mặc vì đâu ai biết ngày mai mình sẽ ra sao? Tôi xin nhắc lại, Hạnh bố thí là nền tảng của các nghiệp lành, nghiệp thiện, giúp con người dẹp bỏ được tam độc: tham lam, sân hận, si mê. Pháp môn này, nói chung, không đòi hỏi thông minh trí tuê để thấu hiểu kinh điển cao siêu, mọi người ai ai cũng có thể thực hành được. Người giàu có thể bố thí nhiều, người nghèo có thể bố thí ít, hay chỉ đơn thuần bỏ công lao ra giúp đỡ người với tâm thiện lành cũng là bố thí, được phước đức.

Tôi mong em hiều được sâu xa ý nghĩa lợi ích của bố thí, nếu tin sâu vào đạo pháp, em sẽ hoan hỉ tu tập thực hành hạnh bố thí, trước là giúp người bớt khổ, sau là cũng giúp mình phát triển tâm bồ đề, tức là tâm của các bậc Bồ Tát và Ðại Bồ Tát, sẽ được an lạc không những ở kiếp này mà cả kiếp sau.

Diễm Hương

Muốn liên lạc với Diễm Hương xin gởi thư về ViệtMỹMagazine.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here