Trung Quốc đã tăng cường quân đội đồn trú ở Hồng Kông với hàng ngàn binh sĩ, và ủy quyền một làn sóng bắt giữ mới dọa dẫm những người biểu tình ôn hòa. Những cuộc biểu tình Hồng Kông bắt nguồn từ phong trào phản kháng một dự luật dẫn độ do Trung Quốc hậu thuẫn, trở thành một cuộc chiến giành quyền tự chủ và tương lai của Hồng Kông.
Theo Thượng Nghị sĩ Macro Rubio, những gì xảy ra ở Hồng Kông không chỉ đơn giản là vấn đề nội bộ Trung Quốc. Mỹ và các quốc gia có trách nhiệm khác không thể chỉ đứng quan sát bên lề. Dự luật dẫn độ chỉ là một ví dụ mới nhất về việc Trung Quốc thất hứa nhiều lần với người dân Hồng Kông và thế giới. ĐCSTQ đang chặn quyền tự trị của chính phủ thành phố – điều mà Bắc Kinh đã hứa trong một hiệp ước quốc tế 1984 ràng buộc pháp lý với Anh theo Luật Cơ bản Hồng Kông.
Vào năm 2014, Bắc Kinh rút cam kết cho phép công dân Hồng Kông lựa chọn lãnh đạo điều hành thành phố thông qua quyền bầu cử phổ thông, dấy lên Phong trào Ô dù. Trong năm 2016 và 2017, Tòa án Tối cao loại bỏ 6 nhà lập pháp dân chủ khỏi vị trí của họ trong Hội đồng Lập pháp và đưa ra giải thích gây tranh cãi về Hiến pháp Hồng Kông.
30 năm sau khi quân đội Trung Quốc tàn sát các nhà hoạt động cải cách và người dân trên con đường dẫn tới Quảng trường Thiên An Môn, giờ đây Bắc Kinh sẵn sàng lộ can thiệp công khai và hung hãn ở Hồng Kông. Cảnh sát vũ trang bán quân sự với hàng ngàn nhân viên và phương tiện hiện diện ở Thâm Quyến, ngay bên kia ranh giới giữa Đại lục và Hương Cảng.
Các quan chức Trung Quốc và các phương tiện truyền thông nhà nước liên tục leo thang hùng biện cảnh cáo, vạch ra những “trường hợp pháp lý” để can thiệp vào Hồng Kông dựa trên “dấu hiệu khủng bố”. Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn phản ánh tiếng nói thể chế trung ương đảng xuất bản một bài xã luận tuyên bố Hồng Kông tham gia “cách mạng màu”.
Người dân Hồng Kông cũng như hàng ngàn người nước ngoài ở đây đang lâm vào hoàn cảnh nguy hiểm, trong đó có khoảng 85.000 công dân Mỹ đang sinh sống tại thành phố.
“Các lãnh đạo Trung Quốc ngày nay đang sử dụng cùng một chiêu thức mà họ đã dùng để can thiệp vào Triều Tiên trong năm 1950”, theo Nghị sĩ Marco Rubio, “Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế phải nói rõ với các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng sự gây hấn của Bắc Kinh ở Hồng Kông có nguy cơ dẫn đến hậu quả rất nhanh chóng, nghiêm trọng và lâu dài”.
Ông Rubio cho biết, Mỹ có nhiều cách xét xử chính quyền Trung Quốc thông qua các đạo luật:
Đạo luật Mỹ – Hồng Kông 1992
Đạo luật Chính sách Mỹ – Hồng Kông được Thượng Nghị sĩ Mitch McConnell soạn thảo, ban hành năm 1992, cho phép Mỹ đối xử với Hồng Kông tách biệt Trung Quốc trong các vấn đề xuất khẩu thương mại và kiểm soát kinh tế, sau khi Hương Cảng bàn giao về đại lục năm 1997. Mỹ sẽ thực hiện nghĩa vụ với Hồng Kông theo thỏa thuận quốc tế bất kể Trung Quốc có phải là bên tham gia thỏa thuận hay không. Hồng Kông được coi là một thực thể kinh tế độc lập. Nếu Hồng Kông trở nên thiếu tự chủ hơn, tổng thống Mỹ có thể thay đổi cách áp dụng luật.
Đạo luật là cơ sở để chính phủ Mỹ đối xử với Hồng Kông như một thực thể “không chủ quyền”, không liên quan với Trung Quốc cho các đề xuất luật nội địa Hoa Kỳ, dựa trên nguyên tắc Tuyên bố chung Trung – Anh 1984.
Vị thế đặc biệt của Hồng Kông
Hồng Kông là một đặc khu kinh tế, Bắc Kinh khai thác và hưởng lợi từ điều này. Đây là một khu vực hải quan riêng biệt có kết nối tài chính quốc tế mở, dựa trên ổn định đồng đô la Hồng Kông với đồng đô la Mỹ. Thành phố đã chứng tỏ là một cửa ngõ tài chính quốc tế không thể thay thế, ngay cả khi Trung Quốc cố gắng xây dựng một giải pháp khác ở đại lục.
Mỹ có thể đưa ra các giới hạn về cả hành chính và ngoại giao, trừng phạt cá nhân các quan chức vi phạm nhân quyền nghiêm trọng theo Đạo luật Magnitsky Toàn cầu.
Mới đây, Thượng Nghị sĩ Marco Rubio đồng khởi xướng Luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông 2019 cùng với các Nghị sĩ Ben Cardin (D-Md.), James E. Risch (R-Idaho) và Robert Menendez (D-N.J.). Nếu thông qua, luật trừng phạt các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông phá hủy quyền tự trị của thành phố.
Theo DKN