Những năm cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, khi kinh tế ở
Hoa Kỳ thịnh vượng, ngành Nails còn sung túc, người ta chưa phổ biến
nhiều cách trả tiền bằng thẻ tín dụng, nên việc kiểm soát thuế trong
ngành Nails của Sở Thuế Vụ Hoa Kỳ cũng dễ dàng hơn. Khi đó, hình
thức chủ tiệm Nails trả lương cho thợ Nails một nửa chi phiếu và một
nửa tiền mặt theo Form 1099, hoặc W-2, ngay cả tiền “tip” cũng không
được tính vào phần phải đóng thuế, cũng dễ dàng hơn. Nhưng khoảng
cuối thập niên 1990, tại các tiệm Nails đã bắt đầu phổ biến hình thức trả
bằng thẻ tín dụng, việc “né thuế” bắt đầu khó khăn hơn một chút. Và
những năm gần đây, người ta có khuynh hướng trả bằng thẻ tín dụng, xài
trước, trả sau càng nhiều hơn. Vì vậy, người chủ tiệm Nails càng gặp
nhiều trở ngại hơn khi trả cho nhân viên theo Form 1099, họ rất dễ bị
phạt khi Sở Thuế và Sở Lao Động đến kiểm soát tiệm mình.
Anh Thái Sơn là một thợ Nails có kinh nghiệm hơn 20 năm, từng làm
cho rất nhiều tiệm Nails lớn, nhỏ do người Việt làm chủ tại nhiều tiểu
bang, hiện nay anh đang làm việc tại một tiệm Nails ở Las Vegas. Anh
chia sẻ, “Trước đây khi nghề Nails thời vàng son còn đông khách, ngoài
việc chia 6/4 (thợ 60 phần trăm, chủ 40 phần trăm) chủ tiệm Nails còn
trả lương cho thợ 50 phần trăm check và 50 phần trăm là tiền mặt trả
lương cho thợ theo mẫu 1099. Nhưng những năm gần đây khách trả thẻ
nhiều quá nên thành ra chủ tiệm trả lương 60 phần trăm check và 40
phần trăm tiền mặt. Có những tiệm sang ở khu Mỹ trắng, khách đông,
tiền thực hiện bộ móng vẫn còn cao, không bị phá giá rẻ bèo, chủ tiệm
Nails trả cho thợ 70 phần trăm là check và 30 phần trăm là tiền mặt. Vì
những khách ở các tiệm sang trả tiền thẻ hoàn toàn, không trả tiền mặt.
Nhưng vì những tiệm này tiền kiếm được nhiều, thu nhập đều đặn, nên
thợ Nails chấp nhận trả lương hình thức này.”
Anh Thái Sơn cho biết, từ lâu nay tiền tip thì thợ giữ. Nhưng những năm
gần đây vì khách cho tiền tip cũng bằng credit card nên chủ Nails trả
hoàn toàn tiền tip này cho thợ bằng check, chứ không đưa tiền mặt. Vì
khách trả thẻ, nên chủ phải đóng thuế. Thành ra tip của thợ, thợ cũng
phải đóng thuế. Tiền tip cũng phải khai thuế chứ không được né thuế
như trước đây. Trừ khi khách nào tip cho thợ tiền mặt thì thợ lấy rồi,
không cần thông qua chủ, họ có thể né thuế được. Vài năm gần đây,
khách trả bằng thẻ credit card khoảng 80- 90 phần trăm, chỉ còn lại 20
hoặc 10 phần trăm trả tiền mặt. Nên thợ Nails, chủ tiệm Nails né thuế rất
khó.
Anh Sơn tiết lộ, “Nếu tuần đó khách trả thẻ hoàn toàn, không có ai trả
tiền mặt hết. Cuối tuần, chủ không đủ tiền mặt trả thợ, tuần đó chủ bị lỗ,
vì không né thuế được, lại bị trả phí máy cà thẻ. Mà phải trả 40 phần
trăm cho thợ bằng tiền mặt. Có những tiệm Nails khách trả thẻ nhiều
quá, chủ sẽ năn nỉ khách trả tiền mặt. Nếu khách chịu trả tiền mặt thì
mỗi lần như vậy tiệm sẽ đóng dấu cho khách vào một tấm thẻ cho khách.
Cứ đủ 5 lần thì khách sẽ được 5 đồng off hay 10 lần sẽ 10 đồng off.
Thường những khách quen của tiệm mới chịu trả tiền mặt. Có những bà
già người Mỹ thường hay cầm theo cuốn check, chủ tiệm năn nỉ thay vì
trả credit card, hãy ký check cho nhà băng riêng của chủ (không thông
qua nhà băng của tiệm) để né thuế, nhưng số người trả check kiểu này
cũng không nhiều. Mười khách thì có 7, 8 người trả thẻ rồi, còn 1- 2
người chịu trả tiền mặt hoặc check. Đa phần thợ cũng sẽ năn nỉ khách
cho thợ tip bằng tiền mặt. Hiện nay phần đông các tiệm Nails hôm nào
tiền mặt nhiều lắm cũng chỉ được 50 phần trăm. Những khách Mỹ đen,
Mễ ăn tiền trợ cấp của chính phủ, họ được chính phủ cho tiền mặt vào
thẻ để xài (đây không phải là tiền mua thực phẩm). Họ cầm thẻ này đến
tiệm làm Nails, chứ không trả tiền mặt nữa. Những năm gần đây, có
nhiều ngày đi làm, tôi không có tiền mặt, không có tiền tươi để xài, vì
toàn bị trả thẻ.”
Anh Sơn cho biết thêm, “cũng có những tiệm Nails chủ trả 100 phần
trăm tiền mặt cho thợ. Nhưng chỉ là dành cho anh em thân thuộc của
chủ, giúp người thợ đó né tiền trợ cấp cho vợ con (sau li dị) hoặc người
thợ đang xin tiền trợ cấp chính phủ. Nhưng cũng chỉ một thời gian thôi.
Tuy nhiên có những người thợ đến năm muốn mua nhà, cần phải khai
thuế để đóng thuế nhiều, thì mới mượn được loan. Những lúc như thế thì
người chủ sẽ có lợi. Người chủ sẽ không đưa tiền mặt cho thợ nữa, mà
ký 100 phần trăm trả bằng check hoàn toàn, cả hai cùng có lợi. Thợ sẽ
mượn được loan để mua nhà, chủ không phải đóng thuế phần trả cho
thợ. Những lúc vậy, người chủ khoái lắm.”
Chủ tiệm Nails trở thành người chủ đất cho thuê station
Để đưa ra giải pháp cho các chủ tiệm Nails khỏi bị phạt từ Sở Thuế và
Sở Lao Động, theo anh Sơn, “tôi từng nghe một số gợi ý đưa ra giải
pháp là các chủ tiệm Nails hãy từ bỏ vai trò chủ tiệm của mình đi, mà trở
thành chủ cho thuê “station” (bàn làm Nails trong tiệm) thực thụ, để
những người thợ Nails của mình trở thành những người làm việc độc lập
(independent contractor), thay vì là một nhân viên (employee) như hiện
nay. Do vậy, những người thợ này sẽ trả thuế theo Form 1099 là đúng
luật, và người chủ không còn sợ Sở Thuế và Sở Lao Động phạt mình
nữa. Ví dụ, một người thợ trung bình lãnh lương 2.000 Mỹ kim một
tháng. Như vậy, họ phải kiếm khoảng 3.300 Mỹ kim một tháng. Tiền
phải trả về cho chủ là 1.300 Mỹ kim. Nếu chủ tiệm theo giải pháp này,
thì chủ tiệm cho mướn “station” đó khoảng 1.200 Mỹ kim đến 1.300 Mỹ
kim một tháng. Nếu theo cách tính hiện nay là chia 6/4, thì thu nhập theo
cách cho thuê này có không khác gì khi người đó làm chủ tiệm mà còn
cộng với quá nhiều trách nhiệm. Khi người thợ là chủ nhân của chính
họ, thì chủ tiệm không cần phải lo lắng những nghĩa vụ của một người
chủ nữa, không cần phải trả bảo hiểm lao động cho thợ, không cần đóng
bảo hiểm thất nghiệp… và khỏi lo âu bị phạt vạ nặng…
Giải pháp có thể ứng dụng được không?
Nhận xét về giải pháp trên, bà Ly Ly là chủ nhân của một tiệm Nails tại
Lake Forest cho rằng: “Giải pháp này không dễ dàng chút nào. Có nhiều
vấn đề rất phức tạp, trên hình thức thì có vẻ đơn giản, nhưng vào thực tế
thì rất khó khăn. Vì nếu mình đi thuê chỗ để làm trong tiệm, thì bản thân
người thợ đó phải đem khách đến tiệm. Chứ còn khách vãng lai khi bước
vào tiệm, thì mình không được nhận khách đó cho mình, mà người chủ
cho mình mướn chỗ, có sẵn thợ của tiệm sẽ làm những khách vãng lai
đó. Mình không được giành vị khách đó, vì đó là khách của tiệm rồi.
Việc này đã thành luật từ xưa nay, ngay hồi tôi đi mướn chỗ của chủ
người Mỹ cũng vậy”.
Đồng tình với bà Ly Ly Nguyễn, ông Nông, cùng với vợ đã mở tiệm
Nails và Spa có hơn 10 thợ, tại Santa Clarita nói rằng dù giải pháp chủ
cho thuê station có lợi cho chủ, nhưng rắc rối là “khi lượng khách vãng
lai vào tiệm, thì ai sẽ đứng ra điều hành thợ nào làm, nếu các thợ đều
giành giật khách, cho rằng tôi nhìn thấy người khách này trước, thì
người đó là khách của tôi, chắc chắn tiệm đó sẽ không bao giờ có khách
đến lần nữa. Ngoài ra, khi một người khách vào tiệm, họ làm nhiều dịch
vụ do nhiều người thợ trong tiệm đó phục vụ, nhưng khi trả tiền họ chỉ
muốn trả một lần, chứ không muốn bị chia ra lắt nhắt và phải cà thẻ tín
dụng nhiều lần trong một tiệm. Rõ ràng để tìm ra giải pháp tốt nhất cho
mối quan tâm hiện nay của các tiệm Nails về những vi phạm bị Sở Thuế
và Sở Lao Động phạt vạ, vẫn là câu hỏi khó và chưa tìm ra lời giải đáp
nào để “vẹn cả đôi đường”. Tương lai nghề Nails của người Việt tại Hoa
Kỳ nói chung, riêng tại California quả thật đang đi vào một khúc quanh
rất quan trọng, đòi hỏi những ai còn muốn tiếp tục theo đuổi nghề này
cần phải có một cái nhìn mới và thực tế trong vấn đề thuế vụ và luật lệ
lao động, áp dụng cho ngành nghề của mình. Chưa kể đến những lần
kiểm tra càng ngày càng gắt gao từ phía hội đồng cấp bằng hành nghề
State Board đối với các tiệm Nails, cũng là một điều làm cho các chủ
tiệm Nails phải đau đầu, bởi mức phạt vạ rất cao, ảnh hưởng nặng về tài
chánh, rồi tiệm còn bị đóng cửa một thời gian nếu vi phạm nhiều lần.
Còn tiếp
Phương Dan