
Các thủ lãnh của cuộc biểu tình bị bắt giữ
Đầu giờ sáng 30/8, Hồng Kông Free Press (HKFP) xuất bản một bản tin ngắn với nội dung: Nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) bị bắt khi trên đường tới trạm tàu điện ngầm South Horizons.
Lãnh đạo Đảng Dân chủ, La Quán Thông (Nathan Law) cho biết Tổng thư ký Đảng Dân chủ bị đẩy vào trong một chiếc xe ô tô, lúc 7:30 sáng (giờ địa phương), bị hộ tống đến trụ sở cảnh sát Loan Tể (Wan Chai). La Quán Thông nói, Hoàng Chi Phong bị cáo buộc 3 tội danh, luật sư của họ đang xử lý vụ việc. Hiện chưa rõ tội danh cáo buộc là gì.
Trước đó, vào 17/6, Hoàng Chi Phong, cựu thủ lĩnh phong trào sinh viên biểu tình đòi dân chủ năm 2014 (Phong trào chiếc ô), đã được trả tự do sau khi mãn hạn tù. Trước lúc Hoàng Chi Phong bị bắt vài giờ, lãnh đạo ủng hộ độc lập Andy Chan bị bắt giam tại sân bay. Trong một tin nhắn trên Facebook, Andy Chan cho biết bị bắt vào tối thứ Năm (29/8), trong khi đang lên một chuyến bay tới Nhật. Anh không được biết lý do bắt giữ, vụ việc do cảnh sát thực hiện theo lệnh của Cục điều tra Tội phạm và Xã hội đen.
Đầu tháng Tám, có 8 người bị bắt tại Sa Điền (Sha Tin), trong đó có Andy Chan, vì cáo buộc sở hữu vũ khí tấn công. Cảnh sát tìm thấy bom xăng và các vật dụng khác tại một tòa nhà công nghiệp ở Fo Tan.
Năm ngoái, Đảng Quốc gia Hồng Kông của Andy Chan bị cấm hoạt động theo Pháp lệnh Xã hội (Societies Ordinance), sau khi chính quyền coi là mối đe dọa an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, có thông tin nói rằng Hoàng Chi Phong, cũng như lãnh đạo trẻ Trần Hạo Thiên, đã được nộp tiền bảo lãnh để tại ngoại.
Cảnh sát bắt thêm nhà hoạt động cùng đảng với Hoàng Chi Phong
Theo bản tin sớm nay của Hong Kong Free Press, thành viên Đảng Dân chủ Jeffrey Ngo cho biết, nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông Chu Đình (Agnes Chow) đã bị bắt. Thông tin Chu Đình, 23 tuổi, bị bắt xuất hiện sau 20 phút thông báo vụ việc của Hoàng Chi Phong. Cả hai nhà hoạt động bị bắt một ngày sau khi cảnh sát cấm một cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ vào thứ Bảy (31/8).
Chu Đình sinh năm 1996, là một thành viên của Đảng Dân Chủ. Vào năm 2018, cô hy vọng trở thành ứng cử viên tranh một ghế lập pháp. Tuy nhiên cô bị truất quyền tranh cử.
Phản ứng với việc này, Agnes Chow nói, việc cô bị truất quyền tranh cử là “sự sàng lọc chính trị”, và quyết định “bãi bỏ tư cách ứng cử viên của tôi có nghĩa là các quyền chính trị đang bị bóp nghẹt”.
Trung Quốc điều binh lính mới vào Hồng Kông lúc rạng sáng
Hãng thông tấn Tân Hoa Xã Trung Quốc đưa tin vào lúc 4 giờ sáng 29/8, Quân đội Trung Quốc đồn trú tại Hồng Kông luân chuyển quân, với lý do giúp duy trì sự thịnh vượng và ổn định của thành phố trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống chính phủ đang lan rộng.
Kênh truyền thông nhà nước cho biết, việc luân chuyển được Ủy ban Quân sự Trung ương phê chuẩn, do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đứng đầu.
Hãng Tân Hoa Xã thông báo: “Đơn vị đồn trú của Quân đội Trung Quốc tại Hồng Kông vào nửa đêm thứ Năm đã tiến hành đợt luân chuyển lần thứ 22 kể từ khi lực lượng bắt đầu đồn trú ở Hồng Kông năm 1997. Được sự chấp thuận của Quân ủy trung ương, đợt luân chuyển này là hoạt động định kỳ bình thường hằng năm, phù hợp với Luật Trung Quốc về đồn trú ở đặc khu, trong đó quy định lực lượng đồn trú sẽ thực hiện hệ thống luân chuyển các thành viên”.
Tuy nhiên, trong những lần luân chuyển trước đây, việc này chỉ được thông báo khi mọi việc hoàn tất. Tân Hoa Xã đăng tải những hình ảnh cho thấy quân đội trong các phương tiện quân sự đã đi vào Hồng Kông qua cửa khẩu cảng Huanggang, trong khi lực lượng hải quân Trung Quốc đã đến căn cứ ở đảo Stonecutter trước khi mặt trời mọc.
Trong một bản tin thứ hai, Tân Hoa Xã cho biết những binh sĩ này đã trải qua khóa huấn luyện quân sự và pháp lý cụ thể về Hồng Kông, “Quân đội quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và lợi ích. Họ sẽ tiến hành hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ Hồng Kông và thực hiện nhiều đóng góp mới để duy trì sự thịnh vượng và ổn định của Hồng Kông”.
Người đứng đầu Quân đội Trung Quốc đồn trú tại Hồng Kông tuyên bố các binh lính sẵn sàng bảo vệ chủ quyền.
Hồng Kông đã chứng kiến 12 tuần biểu tình chống chính phủ, được kích hoạt bởi một dự luật dẫn độ hiện đang tạm đình chỉ, nếu được thông qua sẽ cho phép nghi phạm chuyển sang Trung Quốc đại lục xét xử.
Các cuộc biểu tình đã trở nên bạo lực, gồm cả các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát Hồng Kông. Bắc Kinh cho biết, các cuộc biểu tình đã cho thấy dấu hiệu khủng bố và quân đội Trung Quốc có thể được triển khai để duy trì trật tự theo yêu cầu của chính phủ Hồng Kông.
Máu cảnh sát đã đổ trong cuộc biểu tình
SCMP đưa tin, một phát ngôn viên của cảnh sát cho biết, ba người đàn ông đã cầm dao tấn công người cảnh sát trong trạm tàu điện MTR Kwai Fong, khiến anh ta bị trúng bốn vết thương ở lưng, vai phải và cánh tay. Nạn nhân đã được gửi đến Bệnh viện Princess Margaret ở Kwai Chung để điều trị. Hiện anh vẫn tỉnh táo nhưng bị dao đâm sâu vào xương. Ba nghi phạm đã bỏ trốn khỏi hiện trường và chạy đến trung tâm mua sắm Metropla- za trong quận. Viên cảnh sát bị tấn công trong khi không làm nhiệm vụ. Các nguồn tin cho biết anh này làm việc cho kho vũ khí của lực lượng cảnh sát Kwai Chung. Cuộc tấn công diễn ra vào đêm trước ngày dự kiến diễn ra một cuộc biểu tình do Mặt trận Nhân quyền Dân sự tổ chức, nhưng bị chính quyền Hồng Kông bác bỏ.
Tổng hợp