WESTMINSTER, California (VM)- Chiều nhạc “Tưởng Niệm Nhạc Sĩ Trầm Tử Thiêng và Nhật Ngân” thành công rực rỡ với hàng trăm quan khách và đồng hương đến dự, do Hội Đồng Hương Quảng Nam Đà Nẵng(QNĐN) Nam California tổ chức vào chiều 28 Tháng Bảy, 2019 tại nhà hàng Moonlight Restaurant 15440 Beach Blvd, # 118, Westminster, California.
Hướng dẫn chương trình tổng quát gồm hai MC Bích Ngọc và Hoàng Tấn Kỳ.
Sau nghi thức khai mạc, ông Đoàn Ngọc Đa, Hội trưởng Hội Đồng Hương QNĐN ngỏ lời chào mừng, cảm ơn quan khách và đồng hương thân hữu đến dự. Theo hội trưởng, Quảng Nam Đà Nẵng có nhiều nhạc sĩ tên tuổi, nhưng đặc biệt đối với hai nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng và Nhật Ngân đã gắn liền với quê hương Quảng Nam Đà Nẵng, với cuộc chiến bảo vệ quê hương.
Ông nói: “Những tác phẩm của hai nhạc sĩ nầy đã gắn liền theo những biến cố qua từng giai đoạn với cuộc chiến nghiệt ngã, để rồi cuối cùng phải nổi trôi theo vận nước. Đó là lý do mà chúng tôi tổ chức chiều nhạc tưởng niệm hôm nay.”
Mở đầu chương trình văn nghệ, bài “Quảng Nam Quê Ta Ơi” sáng tác của Nhạc Sĩ Nhật Ngân, do toàn ban văn nghệ Quảng Nam Đà Nẵng đồng ca. Tiếng hát của ca sĩ Quốc Anh tiếp nối bài “Một Mai Giả Từ Vũ Khí” của Nhạc Sĩ Nhật Ngân và bản “Đưa Em Vào Hạ” của Nhạc Sĩ Trầm Tử Thiêng.
Ông Huỳnh Phước, cựu Hội Trưởng QNĐN nói về cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, con người và cuộc đời phụng sự âm nhạc. Nhạc sĩ tên thật là Nguyễn Văn Lợi. Sinh ngày 1 Tháng Mười, 1937 tại Quận Đại Lộc, Quãng Nam. Trầm Tử Thiêng lìa đời ngày 25 Tháng Giêng, năm 2000 tại bệnh viện Anaheim West Medical Center, California.
Trầm Tử Thiêng yêu âm nhạc từ lúc 10 tuổi. Bài “Hương Ca Vô Tận” là sáng tác đầu tay của nhạc sĩ được viết vào năm 1958, do nữ ca sĩ Thái Thanh hát, đã đưa ông bước vào vùng trời âm nhạc Việt Nam. Những sáng tác của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng thật đa dạng, với nhiều thể loại như nhạc thiếu nhi, tình ca, dân ca, lính chiến ca,… Ông đã cho ra đời trên 200 bài nhạc, và trên 100 tác phẩm riêng cho thiếu nhi.
Ông Huỳnh Phước tâm tình: “Tôi muốn khơi lại vài nét về lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu đồng bào của anh qua âm nhạc. Từ quân trường đổ mồ hôi, sa trường bớt đổ máu, và kể từ sau Tết Mậu Thân 1968, sau cuộc tàn sát dân lành của bọn cộng sản, làm chết chóc, chia ly của bao gia đình, tàn phá phố phường và nhất là giật sập chiếc cầu Trường Tiền 6 vài 12 nhịp nối liền hai bờ sông Hương xứ Huế mộng mơ. Anh ngậm ngùi thương tiếc, uất hận và nhập cuộc vào đấu tranh cho đồng bào, cho tổ quốc Việt Nam,…”
Nói về cố nhạc sĩ Nhật Ngân, ông Mỹ chia sẻ: “Nhật Ngân là người nhạc sĩ tài ba của nền âm nhạc Việt Nam, và cũng là người có nhiều gắn bó với đồng hương QNĐN cho đến ngày anh vĩnh viễn ra đi vào cõi vĩnh hằng.” Ông cho biết, “Trần Nhật Ngân sinh ngày 24 Tháng Mười Một, 1942 tại Thanh Hóa. Lớn lên ở Huế, Đà Nẵng. Anh đã theo học các trường Huế và Đà Nẵng, vào Sài Gòn cùng gia đình, anh học ở Võ Trường Toản và rồi trở lại dạy học tại Đà Nẵng cho đến ngày anh nhập ngũ vào QLVNCH.”
Cũng theo ông MỸ kể, trước đó, tại Đà Nẵng và Huế, Nhật Ngân đã đến với âm nhạc qua sự chỉ dạy của các linh mục và sau đó, tại Sài Gòn, qua sự hướng dẫn của những người trong thân tộc là giáo sư âm nhạc và nhạc sĩ nổi tiếng như Đỗ Thế Phiệt và Nhật Bằng. Anh là một chiến sĩ QLVNCH trong ngành Tâm Lý Chiến; Trưởng ban Văn Nghệ của Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Ông vượt biên năm 1982 và định cư tại Hoa Kỳ. Khi ra hải ngoại nhạc sĩ Nhật Ngân vẫn miệt mài sáng tác cho đến khi anh trút hơi thở vào ngày cận Tết, năm Nhâm Thìn 2012 tại Orange County, California.
Nhạc phẩm đầu tiên “Tôi Đưa Em Sang Sông”, anh đã viết lên mối tình thật sự của mình với người em xứ Quảng. Cuộc đời không ít sự rối râm, nếu tình yêu cứ êm đềm đi đến kết quả tốt cho Nhật Ngân lúc đó, thì làm gì chúng ta nghe được các ca sĩ hoặc chính chúng ta hát bài “Tôi Đưa Em Sang Sông”? Làm gì chúng ta nghe được giai điệu ray rứt và những lời nhạc thật chân chất của bến đò Xu, Đà Nẵng “Sợ bến đất lấm gót chân”? “Sợ bến gió buốt trái tim”? Hay “Gót chân ngày xa xưa sợ lấm trong bùn khi mưa”?
Từ bài hát nầy đã làm cho mối tình của Nhạc sĩ Nhật Ngân với Quảng Nam Đà Nẵng càng thêm thắm thiết, nhất là trong những năm sau nầy cho đến khi anh rời bỏ chúng ta. Dòng nhạc của Nhạc sĩ Nhật Ngân với tình yêu, với quê hương, với đấu tranh, với thân phận con người, với mơ ước hòa bình và nổi trôi của vận nước, đã bay khắp hang cùng ngõ hẻm trong nước Việt Nam và trên toàn thế giới, theo gót chân của người Việt ly hương. Và, tên tuổi của Nhật Ngân cũng như các nhạc sĩ khác của thời VNCH đã in sâu trong lòng người Việt.
Trên 21 tác phẩm của hai cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng và Nhật Ngân đã làm dậy sóng tình người, tình yêu quê hương, dân tộc qua những tiếng hát của các ca sĩ tên tuổi như Ngọc Hạ, Quốc Anh, Lê Toàn, Carol Kim, Lan Hương, Kim Loan,…, Ban Tù Ca Xuân Điềm, Ban văn nghệ Quảng Nam Đà Nẵng, và nhiều tiếng hát của hữu khác. Kết thúc chương trình, toàn ban văn nghệ và các ca nghệ sĩ đồng ca bài “Lữa Bolsa” của Nhật Ngân.
Ngự Bình/Việt Mỹ