Thỏa thuận thương mại EU-Mercosur còn xa vời

0
642

Triển vọng đạt được một thỏa thuận thương mại tự do giữa châu Âu và khu vực Nam Mỹ vẫn khá mờ mịt khi cuộc đàm phán giữa các bộ trưởng của Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) và các quan chức hàng đầu Liên minh châu Âu (EU) đã bước sang ngày thứ 2 mà chưa tìm được tiếng nói chung..
Hôm 27/6, một nguồn tin gần gũi với các cuộc đàm phán cho biết nhiều khả năng EU và Mercosur sẽ đạt được thỏa thuận chính trị trong nay mai, nhưng cũng có thể sẽ không có thỏa thuận nào. Nguồn tin khẳng định: “Điều này vẫn chưa chắc chắn.”
Trong khi đó, trao đổi với báo giới, một người phát ngôn của EU cho biết các bên đã có những “cuộc trao đổi mang tính xây dựng”, nhưng từ chối bình luận thêm do tính chất nhạy cảm của các cuộc đàm phán.
EU đã tiến hành các cuộc đàm phán thương mại với các nước thành viên Mercosur (gồm Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay) trong 2 thập kỷ qua. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán chưa thể kết thúc bằng một thỏa thuận do bất đồng trong vấn đề thịt bò khi vấp phải sự phản đối của các nhà chăn nuôi ở châu Âu.
Năm 2010, đàm phán đã được tái khởi động sau 6 năm bế tắc nhưng vẫn diễn tiến rất chậm. Phía EU cho rằng đàm phán gặp khó khăn do những đòi hỏi của các nước Nam Mỹ.

Giá dầu thị trường châu Á giảm trước thềm cuộc họp của OPEC

Giá dầu châu Á giảm nhẹ trong phiên ngày 28/6 trong bối cảnh các nhà giao dịch chờ đợi những diễn biến mới xung quanh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung trong cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào cuối tuần này, và cuộc họp trong tuần tới của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
Theo đó, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 35 xu Mỹ (0,5%) xuống 66,20 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) hạ 30 xu Mỹ (0,5%) xuống 59,13 USD/thùng.
Lãnh đạo các nước G20 sẽ nhóm họp trong hai ngày 28-29/6 tại Osaka, Nhật Bản.
Tuy nhiên, cuộc gặp được mong chờ nhất là giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ diễn ra vào ngày 29/6.
Cuộc tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tác động xấu lên giá dầu, làm gia tăng lo ngại rằng tăng trưởng kinh tế chậm lại có thể ảnh hưởng đến nhu cầu mặt hàng này.
Tổng thống Trump ngày 26/6 cho biết có khả năng sẽ có một thỏa thuận thương mại với Chủ tịch Tập Cận Bình vào cuối tuần này, song ông cũng đã chuẩn bị cho việc áp thuế lên số lượng hàng hóa nhập khẩu còn lại của Trung Quốc nếu hai bên bất đồng.
Bên cạnh đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và một số nước đồng minh trong đó có Nga, hay còn gọi là OPEC+, sẽ nhóm họp trong hai ngày 1-2/7 tại Vienna để quyết định liệu có gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng hay không.
Sơn Phạm (tổng hợp)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here