Cách đây 5 năm, trong bài diễn văn đọc tại Paris hồi hạ tuần tháng 3/2014, để đánh dấu kỷ niệm 50 năm ngày Trung Quốc và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng “Napoleon từng nói rằng Trung Quốc là một con sư tử đang ngủ, và khi nó thức dậy, thế giới sẽ rúng động. Con sư tử Trung Quốc đã thức dậy, nhưng đây là một con sư tử hòa bình, dễ mến và văn minh.”
Tuy nhiên, ông Jean-Piere Cabestan, giáo sư chính trị học của Đại học Báp Tít Hồng Kông, không tán đồng nhận xét đó. Ông nói với tờ South China Morning Post rằng “Quí vị có bao giờ nhìn thấy một con sư tử hòa bình, văn minh và không hung dữ hay chưa? Sư tử là một con vật to lớn, hoang dại và chuyên ăn thịt những con thú khác, khá giống Trung Quốc trong mối quan hệ của họ với các nước khác.”
Quả thực, trước khi ông Trump trở thành tổng thống Hoa Kỳ, có thể nói rằng, Trung Quốc đã có những bước tiến rất thuận lợi trong mọi lãnh vực.
Thậm chí có nhiều tiên đoán cho rằng, Trung Quốc ‘soán ngôi’ Hoa Kỳ và lập lại trật tự thế giới chỉ còn là vấn đề thời gian. Liệu có xảy ra xung đột quân sự giữa hai cường quốc số 1 và số 2 trên thế giới?
Có thể nói rằng xung đột quân sự là điều không có bất cứ một quốc gia nào mong muốn, kể cả Hoa Kỳ. Nếu có những hoạt động quân sự thì chỉ dừng ở mức phô trương thanh thế.
Dùng kinh tế để khuất phục đối thủ được xem là biện pháp tối ưu.
Dưới thời tổng thống Trump, ông đã chọn mở cuộc thương chiến với Trung Quốc, nhằm bảo vệ quyền lợi quốc gia, và giữ vững vị trí cường quốc số 1 thế giới
Cho đến nay, nhiều quốc gia và ngay cả người dân Mỹ cũng ủng hộ tổng thống Trump mở cuộc thương chiến với chính quyền Bắc Kinh.
Trở lại với cuộc thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện nay, tất cả các tờ báo lớn, các nhà bình luận, các chính trị gia, giới phân tích đều cho rằng cuộc thương chiến Mỹ – Trung sẽ là nghị trình chính tại hội nghị G 20 tại Osaka, Nhật Bản.
Một câu hỏi lớn được đặt ra, liệu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có đạt được thỏa thuận về thương mại tại G 20 ?
Nếu theo tình hình hiện nay, người ta nghĩ rằng, vấn đề đạt thỏa thuận trong thời điểm hiện tại sẽ rất khó xảy ra, vì sao ?
Các nhà đàm phán Trung Quốc và Hoa Kỳ vẫn chưa tìm được tiếng nói chung
Một trong những vấn đề sẽ được tranh luận giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tuần này là tạo ra một thỏa thuận cân bằng.
Trung Quốc muốn rằng, thỏa thuận mới cần phải cân bằng, trong khi Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer nói với những người đòng cấp bên phía Trung Quốc rằng thỏa thuận cân bằng sẽ chẳng bao giờ xảy ra, Kayla Tausche của CNBC dẫn lại nguồn tin thân cận với quan điểm của Tòa Bạch Ốc.
Lý do tại sao Mỹ không ưu tiên sự cân bằng là vì những vi phạm về thương mại trong quá khứ của Trung Quốc. Trong những hành vi bất bình đẳng đó, Trung Quốc bị cáo buộc đánh cắp công nghệ của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhắm tới Trung Quốc để áp hàng rào thuế quan khi ông muốn tạo ra một sân chơi công bằng và giảm bớt thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Thâm hụt năm 2018 của Mỹ với Trung Quốc ở mức 419.5 tỷ USD trong năm 2018 và đã ở mức 106.9 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2019.
Hôm 26/06, Tổng thống Trump cho biết ông muốn thấy một thỏa thuận, nhưng cũng vui lòng với tình hình hiện tại. “Họ muốn thỏa thuận nhiều hơn tôi”, ông nói với Fox Business Network.
Mỹ áp thêm thuế 25% lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và dọa áp thêm thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa còn lại chưa bị áp thuế trong những vòng trước.
Hoa Kỳ không hứa hẹn và bỏ ngõ mọi cơ hội có thể xảy ra
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu đôi bên không đạt được thỏa thuận?
Ngày 27/06, Larry Kudlow, Cố vấn Kinh tế hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cho biết không có điều kiện tiên quyết nào được đặt ra cho cuộc họp thương mại Mỹ-Trung và Tòa Bạch Ốc có thể tiến tới kế hoạch áp thuế bổ sung.
Khi được Fox News yêu cầu làm rõ những nhận định trước đó từ Tổng thống Mỹ Donald Trump về thương mại Mỹ-Trung, ông Larry Kudlow, Cố vấn Kinh tế hàng đầu của Tổng thống Donald Trump, cho biết, Tổng thống Mỹ đang ngụ ý rằng ông hoàn toàn vui lòng với vị thế hiện tại của Mỹ và của chính ông trong các cuộc đàm phán.
“Và nếu cần thiết, chúng tôi có thể triển khai kế hoạch áp thêm hàng rào thuế quan”, ông nói.
Ông Kudlow – người giữ vị trí Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia – cho biết, chưa có thỏa thuận cụ thể nào được đưa ra trước cuộc gặp Trump-Tập, trái ngược với các nguồn tin trước đó.
Trước đó, nguồn tin từ South China Morning Post (SCMP) cho biết Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý tiến tới thỏa thuận đình chiến thương mại nhằm nối lại đàm phán.
Thông tin chi tiết về thỏa thuận có thể được đưa ra trong thông cáo báo chí trước thềm cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka (Nhật Bản) vào cuối tuần này, dựa trên 3 nguồn tin thân cận – một nguồn từ Bắc Kinh và hai nguồn từ Washington.
Trong một diễn tiến mới nhất, theo SCMP Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với các nhà lãnh đạo thế giới trong cuộc họp của G-20 vào thứ Sáu tại Nhật Bản rằng, “Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở Trung Quốc là nạn nhân của các hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ sẽ được bồi thường và sẽ có một kênh được thiết lập để họ khiếu nại,
Bên cạnh đó, trong bài phát biểu của mình, ông Tập cho biết Trung Quốc sẽ thực hiện “các bước quan trọng” để tự do hóa nền kinh tế và giảm các hạn chế thị trường đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Phát biểu của ông Tập được xem như một thông điệp nhượng bộ gửi tới ông Trump trước cuộc hội đàm rất được mong đợi giữa nguyên thủ quốc gia Mỹ-Trung bên lề G-20, vì giải quyết vấn đề vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, mở cửa thị trường là những nội dung đàm phán thương mại chủ yếu mà Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc phải thực hiện.
Tuy nhiên, việc Tập Cận Bình có giữ lời hứa hay không thì cần phải có thời gian để xác thực
Phuong Nghi (tổng hợp)