Hàng triệu người biểu tình đứng tràn ngập con đường ở Hồng Kông Ảnh Reuters
Ước tính có 1 triệu người tuần hành ở Hồng Kông vào Chủ nhật để lên tiếng phản đối luật dẫn độ. Những người biểu tình hô vang khẩu hiệu “không có sự dẫn độ của Trung Quốc, không có luật lệ xấu nào” trong khi những người khác kêu gọi Lãnh đạo Hong Kong- bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) hãy từ chức.
Một số cơ quan chuyên môn ở Hồng Kông đã tiến hành khảo sát ý kiến người dân về việc sửa đổi “Pháp lệnh về Tội phạm Bỏ trốn”. Kết quả cho thấy, gần 70% người dân Hồng Kông phản đối việc sửa đổi pháp lệnh dẫn độ.
NTD đưa tin, Liên minh Học giả vì Tự do học thuật (Scholars Alliance for Academic Freedom) và một số cơ quan chuyên môn, vào tháng trước đã ủy thác cho Đại học Hồng Kông thực hiện một cuộc khảo sát dư luận về việc sửa đổi Pháp lệnh tội phạm bỏ trốn.
Kết quả khảo sát cho thấy, 66% số người được hỏi “không tán thành” hoặc “rất không tán thành” dẫn độ người Hồng Kông sang đại lục để xét xử, 59% người Hồng Kông nghĩ rằng ngành tư pháp của Trung Quốc không công bằng.
Giáo sư Khoa học Xã hội, ông Thành Danh (Dixon Sing Ming) nói: “Tại sao người Hồng Kông lại phản đối Pháp lệnh tội phạm bỏ trốn? Tôi nghĩ một trong những lý do là nhiều quan chức cấp cao không đáng tin cậy. Tôi cảm thấy họ không ngừng khoác lác”.
Ngoài ra, cuộc khảo sát cho thấy hơn 40% người dân Hồng Kông muốn di dân sang nước khác.
“Những người trẻ tuổi và trình độ học vấn cao có xu hướng ủng hộ dân chủ, tự do và pháp quyền. Bạn hỏi (về việc) họ di dân, những người trẻ tuổi hoặc sinh viên đại học là nhóm người (di dân) nhiều nhất, bao gồm Đại học Khoa học Công nghệ. Năm nay tôi dạy một lớp có 400 sinh viên, trong bài đầu tiên, tôi hỏi có bao nhiêu người muốn di dân, có hơn 50% người giơ tay. Điều này làm tôi rất ngạc nhiên”, Giáo sư Thành Minh cho biết.
Trong những tháng gần đây, công chúng Hồng Kông ngày càng quan tâm đến vấn đề liệu chính phủ có thông qua Pháp lệnh về Tội phạm Bỏ trốn hay không. Nhóm nghiên cứu tin rằng số người tham dự cuộc diễu hành chống sửa đổi pháp lệnh vào ngày 9/6 dự kiến khoảng 300.000 người, thế nhưng con số tăng lên đến gấp gần 4 lần như thế !
Hồng Kông : Giới luật sư tuần hành phản đối luật dẫn độ
Tại Hồng Kông hôm 06/06/2019, hàng ngàn luật sư đã xuống đường trong một cuộc tuần hành trong im lặng, gọi là « black march » để phản đối dự luật về dẫn độ. Hiếm khi nào giới luật sư Hồng Kông biểu tình một cách rầm rộ như vậy.
Theo phong viên RFI mô tả « Tất cả đều mặc trang phục màu đen, nhưng hàng ngàn luật sư tuần hành mà không mang theo các biểu ngữ và cũng không hô các khẩu hiệu. Họ đi từ tòa thượng thẩm đến trụ sở của chính quyền Hồng Kông, và tại đây họ đã dành 3 phút mặc niệm.
Một cựu nghị viên và cũng là một luật sư nổi tiếng ở Hồng Kông nói : Giới luật sư chúng tôi cho rằng đề nghị sửa đổi luật này là một đòn tấn công trực diện vào Nhà nước pháp quyền ở Hồng Kông cũng như vào tính độc lập của hệ thống tư pháp Hồng Kông so với hệ thống tư pháp ở Hoa lục. Đi phía sau, một luật sư trẻ, xin được giấu tên, cho biết ý kiến : Chúng ta biết rằng Trung Quốc sử dụng việc dẫn độ như là một vũ khí, như trường hợp của Hoa Vi. Chúng tôi rất lo ngại rằng luật mới về dẫn độ sẽ được áp dụng không chỉ đối với công dân Hồng Kông, mà cả với những người quá cảnh qua Hồng Kông.
Đối với Doanh nghiệp
Nhiều người coi đây là mối đe dọa trực tiếp với cộng đồng doanh nghiệp. “Mối đe dọa chính là luật dẫn độ sẽ khiến nhiều doanh nhân nước ngoài đang ở Hong Kong chịu ảnh hưởng từ hệ thống pháp lý của Trung Quốc”, Duncan Innes-Ker – Giám đốc khu vực châu Á tại Economist Intelligence Unit nhận định.
Các doanh nhân lo ngại họ có thể bị giới chức Trung Quốc bắt từ Hong Kong vì nhiều lý do khác nhau. Việc này có thể làm giảm tính tự chủ về pháp lý của Hong Kong. “Uy tín của Hong Kong đang bị đe dọa”, Tara Joseph – Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại Hong Kong cho biết.
Cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài – vốn đứng ngoài các vấn đề chính trị gây tranh cãi – cũng đã lên tiếng phản đối dự luật này. Nhiều lãnh đạo vận động hành lang, cảnh báo các nhà làm luật Hong Kong rằng việc này có thể khiến danh tiếng của Hong Kong đi xuống. Nơi này luôn được coi là điểm đến an toàn để đặt trụ sở cho khu vực châu Á và Trung Quốc.
Trên CNN, lãnh đạo một công ty quốc tế lớn ở Hong Kong thừa nhận “các doanh nghiệp nước ngoài luôn phải chịu rủi ro nhất định khi hoạt động ở nước khác. Tuy nhiên, giá trị của Hong Kong nằm ở khả năng giảm thiểu các rủi ro này thông qua các điều luật, sự tự do trong nhiều hoạt động và hệ thống tư pháp độc lập”. Ông nói rằng lãnh đạo các doanh nghiệp nước ngoài ở Hong Kong sẽ phải đánh giá rủi ro tăng lên đến mức nào nếu dự luật này được thông qua và cân nhắc các địa điểm kinh doanh thay thế.
Liệu luật dẫn độ có được thông qua ?
Trước sự phản kháng của người dân, các nhà quan sát nhận định rằng, có 3 kết quả đối với dự luật dẫn độ, gồm: Chính phủ Hồng Kông buộc thông qua dự luật hiện hành, sửa đổi trước khi thông qua, hoặc lùi lại và tạm hoãn dự luật. Theo thông tin mới nhất, Hong Kong tạm hoãn thảo luận về dự luật dẫn độ. Tạm hoãn, có nghĩa rằng Luật dẫn độ sẽ được thông qua, vấn đề ở đây chỉ là thời gian. Trừ trường hợp Hong kong noi gương Đài Loan.
Sơn Phạm Tổng hơp