Tàu Mỹ, Philippines, Nhật Bản và Ấn Độ tập trận ở biển Đông hồi đầu tháng này. Ảnh : SCMP
Theo đó, một số thượng nghị sĩ Hoa Kỳ hôm 23-5 đã đề nghị dự luật trừng phạt các cá nhân và thực thể Trung Quốc có hành vi nguy hiểm và trái pháp luật ở biển Đông lẫn biển Hoa Đông.
Nếu dự luật được thông qua, “Luật trừng phạt ở biển Đông và biển Hoa Đông” cho phép chính quyền Mỹ tịch thu các tài sản tài chính ở Mỹ của các đối tượng bị trừng phạt, thu hồi hoặc từ chối cấp thị thực cho bất kỳ ai dính líu đến các hoạt động hoặc các chính sách đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định tại các khu vực thuộc biển Đông.
Dự luật yêu cầu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ báo cáo quốc hội mỗi 6 tháng, xác định bất kỳ cá nhân hoặc công ty Trung Quốc nào dính líu đến việc xây dựng hoặc phát triển các dự án bất hợp pháp ở biển Đông. Các hoạt động trái phép được đề cập trong dự luật gồm cải tạo đất, xây đảo nhân tạo, xây hải đăng và cơ sở hạ tầng liên lạc di động. Theo dự luật, bất kỳ ai đồng lõa hoặc dính líu các hoạt động đe dọa sự hòa bình, an ninh và ổn định của các khu vực này hoặc các khu vực ở biển Hoa Đông thuộc chủ quyền Nhật Bản và Nam Hàn cũng sẽ là đối tượng bị trừng phạt.
Dự luật trên từng được đề nghị hồi năm 2017 nhưng Ủy ban Đối ngoại Thượng viện chưa trình lên thượng viện để được xem xét thông qua trước khi được đưa đến bàn tổng thống ký ban hành luật.
Sự kỳ vọng về việc dự luật lần này được thông qua tăng cao khi ngày càng nhiều nghị sĩ Mỹ ủng hộ động thái cứng rắn chống lại Trung Quốc.
Bà Bonnie Glaser, chuyên gia về chính sách đối ngoại và an ninh của Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho rằng nếu dự luật có được sự ủng hộ mạnh của thượng viện thì có thể hạ viện sẽ nhượng bộ.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio, một trong những người đề nghị dự luật nói trên, cho hay dự luật tăng cường nỗ lực của Mỹ và đồng minh trong việc đối phó hành vi nguy hiểm và trái pháp luật của Trung Quốc khi nước này quân sự hóa các vùng tranh chấp ở biển Đông. Theo ông, dự luật cũng tái khẳng định cam kết của Mỹ duy trì đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực.
“Dự luật này củng cố nỗ lực của Hoa Kỳ và các đồng minh của chúng tôi chống lại việc quân sự hóa bất hợp pháp và nguy hiểm của Bắc Kinh đối với phần lãnh thổ tranh chấp mà họ đã chiếm giữ ở Biển Đông”, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio, cùng với Thượng nghị sĩ Dân chủ Benja- min Cardin, nói với SCMP.
“Đạo luật này nhắc lại cam kết của Hoa Kỳ về việc giữ cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tự do và cởi mở với tất cả các quốc gia, và buộc chính quyền Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về việc bắt nạt và ép buộc các quốc gia khác trong khu vực”, ông Ru- bio cho biết thêm.
Hoa Kỳ và các đồng minh gởi thông điệp răn đe đến Trung Quốc
Trong một sự kiện có liên quan, các tàu của Hải quân Hoa Kỳ đã tiến hành các cuộc tập trận chung với các tàu chiến của các đồng minh Nhật Bản, Australia, Nam Hàn, Hải quân Hoa Kỳ cho biết hôm 23/5, theo Reuters.
Cuộc tập trận Vanguard Thái Bình Dương gần đảo Guam, Hoa Kỳ, là cuộc tập trận chung đầu tiên giữa các đồng minh tiến hành ở Tây Thái Bình Dương, diễn ra trong 6 ngày, tiến hành bắn đạn thật và chống tàu ngầm.
Tập trận Vanguard diễn ra trước chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Donald Trump vào cuối tuần này, khi Washington cùng các đồng minh châu Á chống lại sức mạnh quân sự của Trung Quốc trong khu vực, theo Nikkei.
Trong một tuyên bố, Phó Đô đốc Phillip Sawyer, chỉ huy của Hạm đội Thái Bình Dương nói: “Trận Vanguard Thái Bình Dương có sự tham gia của 4 lực lượng, các quốc gia hàng hải có cùng chí hướng nhằm mang lại an ninh trên khắp Ấn Độ Thái Bình Dương dựa trên các giá trị chung và lợi ích chung”.
Nhật Bản điều hai tàu khu trục là JS Ariake và JS Asahi tham dự tập trận.
Hoàng gia Australia cử hai tuần phòng hạm HMAS Melbourne và HMAS Parramatta, và một tàu khu trục ROKS Wang Geon Hàn Quốc. Có tới 3.000 thủy thủ tham gia, theo The Defense Post.
Về phía Hải quân Hoa Kỳ đã triển khai 5 tàu, máy bay chiến đấu và máy bay tuần tra hàng hải, bao gồm: Tàu USS Blue Ridge, con tàu tiên phong của Hạm đội Bảy; Tuần dương hạm tên lửa dẫn dường USS Antie- tam; Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur; Tàu bổ sung dầu USNS Rappahannock; và tàu chở hàng quân nhu đạn dược USNS Richard E. Byrd; Máy bay Scorpions của Đội tác chiến điện tử và máy bay Mad Foxes của Phi đoàn tuần tra. Tập trận Vanguard Thái Bình Dương là chương trình mới nhất kết hợp các lực lượng hải quân ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Trong tháng này, các tàu của Hoa Kỳ đã thực hiện các cuộc tập trận với các tàu của Pháp, Nhật Bản và Australia ở Vịnh Ben- gal, và tổ chức các cuộc tập trận riêng với một tàu sân bay trực thăng của Nhật Bản và các tàu chiến từ Ấn Độ và Philippines trên Biển Đông tranh chấp.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp gần như toàn bộ Biển Đông chiến lược, tuyến đường thủy thông qua đó là khoảng một phần ba thương mại đường biển toàn cầu.
Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam là những nước cũng có các tuyên bố chủ quyền ở khu vực.
Minh Khoa ( tổng hợp)