Chiến hạm Pháp Vendemiaire
Đối phó với Mỹ chưa xong, giờ đây, Trung Quốc lại phải quay sang đối phó với Pháp trên vấn đề eo biển Đài Loan. Vào ngày 25/04/2019, chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi Bắc Kinh chính thức loan báo là đã gởi công hàm phản đối vụ một chiến hạm Pháp đi qua eo biển Đài Loan vào đầu tháng Tư, Paris đã phản ứng, tái khẳng định quyền tự do hàng hải trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.
Đài Loan và Biển Đông theo cách nhìn của chính quyền Bắc Kinh thì cả hai đều thuộc ‘chủ quyền’ Trung Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế, Trung Quốc tự vẽ cái ‘lưỡi bò’ rồi vơ luôn 80% diện tích biển Đông làm ‘của riêng’, nhưng chưa một quốc gia nào trên thế giới thừa nhận cái ‘lưỡi bò’ của Trung Quốc. Thậm chí, Tòa trọng tài quốc tế cũng phủ nhận cái đòi hỏi vô lý của Bắc Kinh.
Đài Loan cho đến thời điểm hiện tại, từ tổng thống Thái Anh Văn cho đến đại đa số người dân Đài Loan đều không thừa nhận chính sách ‘một Trung Quốc’, và họ vẫn mong mỏi mưu tìm một sự độc lập hay nói chính xác, họ muốn Đài Loan trở thành một quốc gia độc lập có chủ quyền.
Chính vì không công nhận các đòi hỏi của Trung Quốc, nên nhiều quốc gia như Anh, Pháp, Úc , Mỹ…vẫn thường xuyên cho tàu chiến tuần tra trên các khu vục thuộc tự do hàng hải theo thông lệ quốc tế.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến vấn đề Đài Loan, cụ thể mới đây, Pháp đã cho chiến hạm đi qua vùng eo biển Đài Loan. Mới đây, chính quyền Bắc Kinh lên tiếng phản đối, trong khi Pháp tuyên bố, họ đang thực hiện quyền tự do hàng hải theo thông lệ quốc tế, vậy ai đúng ai sai?
Chiến hạm Pháp qua eo biển Đài Loan
Trong một cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường cho biết là chính quyền Bắc Kinh đã chính thức gởi công hàm cho phía Pháp, phản đối sự kiện một chiến hạm Pháp đã ‘xâm nhập lãnh hải’ Trung Quốc một cách ‘bất hợp pháp’ khi đi qua eo biển Đài Loan vào đầu tháng Tư
Theo hãng tin Pháp AFP, phát ngôn viên Trung Quốc còn cho biết là chiến hạm Trung Quốc đã được điều ra để theo dõi. Đối với Bắc Kinh, Đài Loan là một tỉnh ly khai, do đó cả đảo này lẫn vùng eo biển Đài Loan đều thuộc lãnh thổ của Trung Quốc. Bắc Kinh như vậy đã xác nhận thông tin được hai quan chức Mỹ xin giấu tên tiết lộ vào hôm (24/04), theo đó ngày 06/04/2019, chiến hạm Pháp Le Vendémiaire đã băng qua vùng eo biển phân cách Đài Loan và Trung Quốc, trong một động thái hiếm hoi đối với tàu chiến châu Âu.
Một quan chức Mỹ được hãng tin Anh Re- uters trích dẫn đã nhận xét rằng trong lịch sử hiện đại, ông chưa thấy một chiến hạm Pháp nào đi qua vùng eo biển này.
Cũng theo hai nguồn tin trên, được hãng tin Anh Reuters trích dẫn, sau sự kiện đó, Bắc Kinh đã rút lại lời mời chiến hạm Pháp tham gia cuộc « diễu hành » hải quân hôm 23/04 ngoài khơi Thanh Đảo (Sơn Đông) nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hải Quân Trung Quốc.
Theo Reuters, đại tá Patrik Steiger, phát ngôn viên của tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp đã từ chối bình luận về một chiến dịch đang được tiến hành.
Paris và Bắc Kinh tranh cãi về quyền tự do hàng hải ở eo biển Đài Loan
Cho đến hôm 25/4, Paris hoàn toàn kín tiếng về hoạt động của chiếc Le Vendémi- aire ở vùng eo biển Đài Loan, nhưng những lập luận có thể nói là đao to búa lớn của Trung Quốc đã khiến Pháp phải phản ứng. Theo hãng tin Pháp AFP, một cộng sự viên của bộ trưởng bộ Quân Lực Pháp Florence Parly vào hôm 25/4 đã xác định hai điểm : Trước hết là Pháp luôn luôn gắn bó với « quyền tự do hàng hải, phù hợp với luật biển», và kế đến là « Hải Quân Pháp trung bình mỗi năm đều đi qua eo biển Đài Loan một lần, mà không gây nên bất kỳ một sự việc hay phản ứng nào ».
Sự kiện Paris nhắc nhở Bắc Kinh về quyền tự do đi lại tại vùng eo biển Đài Loan diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc trên vấn đề Đài Loan, với việc Mỹ tăng cường nhịp độ cho chiến hạm của mình băng qua eo biển Đài Loan, gây ra những phản ứng gay gắt từ phía Bắc Kinh.
Gần đây nhất là hồi tháng Hai vừa qua, Trung Quốc cũng đã phản đối Mỹ cho chiến hạm băng qua eo biển Đài Loan và cáo buộc đó là một «hành động khiêu khích ».
Theo giới quan sát, việc tàu chiến Pháp đi qua eo biển Đài Loan là một dấu hiệu cho thấy các đồng minh của Mỹ đang tăng cường thực hiện quyền tự do đi lại tại những vùng biển quốc tế gần Trung Quốc. Sau Pháp, các nước như Nhật, Úc cũng có thể nghĩ đến việc có những hành động tương tự.
Về phần nước Pháp, việc Paris tái khẳng định quyền tự do hàng hải trên các vùng biển quốc tế nằm trong chiến lược mới của Pháp muốn đóng một vai trò năng nổ hơn trong khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương. Trong ba năm gần đây, hầu như năm nào Pháp cũng cử tầu đến khu vực Biển Đông. Trong một quyết định đầy tính biểu tượng, tầu sân bay Charles de Gaulle đã được phái qua thi hành nhiệm vụ ở vùng Ấn Độ Dương sẽ ghé Singapore, nhưng sẽ không đi qua Biển Đông.
Đối với ông Abraham Denmark, cựu phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ phụ trách Đông Á, «sự việc» Đài Loan đã phản ánh cách tiếp cận mới của Pháp đối với Trung Quốc và vùng châu Á Thái Bình Dương. Đối với Trung Quốc, các nước như Pháp không còn đơn thuần xem xét qua lăng kính thương mại mà còn từ quan điểm quân sự. Điều quan trọng, theo chuyên gia này, là cần phải thêm nhiều nước khác đến hoạt động ở châu Á để chứng minh rằng đó không chỉ là vấn đề cạnh tranh tay đôi giữa Washington và Bắc Kinh, mà những gì Trung Quốc đang làm đã thách thức cả trật tự quốc tế.
Phuong Nghi (tổng hợp)