LIÊN HIỆP CHÂU ÂU TĂNG CƯỜNG TỰ VỆ TRƯỚC MỘT TRUNG QUỐC HÁU ĂN

0
555

Với 500 phiếu ủng hộ, 49 phiếu chống và 56 phiếu trắng, Nghị viện châu Âu (EP) ngày 14/2 đã thông qua dự luật, theo đó “bật đèn xanh” cho việc kiểm soát các vụ sáp nhập của nước ngoài trong các lĩnh vực trọng yếu, trong bối cảnh cho nhiều lo ngại về hoạt động đầu tư của Trung Quốc.

Dự luật này quy định bảo vệ các ngành chiến lược của Liên minh châu Âu (EU) như nước, vận tải, viễn thông và công nghệ, trong đó bao gồm sản xuất thiết bị bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và người máy.

Ngoài ra, các nước EU sẽ phải cung cấp, theo một số điều kiện nhất định, những thông tin về dự án đầu tư nước ngoài cho các nước thành viên khác nếu nó liên quan đến an ninh và trật tự xã hội. Với dự luật này, EU sẽ có thể tự bảo vệ mình tốt hơn trước những tác động của hoạt động đầu tư của nước ngoài.

Nếu nhật báo kinh tế Les Échos nhận thấy «Châu Âu tăng tốc trên vấn đề giám sát đầu tư ngoại quốc», thì tờ báo Công Giáo La Croix nêu rõ mục đích của châu Âu : «Tự vệ tốt hơn trước thói ăn tham của Trung Quốc».

Đối với Les Eschos, văn bản mà Nghị Viện Châu Âu phê duyệt chỉ nhằm thiết lập một nguyên tắc cảnh giác, nhưng thể hiện một thay đổi suy nghĩ đáng chú ý của Liên Hiệp Châu Âu, một bước tiến dù khiêm tốn, nhưng lại là một cử chỉ quan trọng trên  phương diện chính trị.

Tờ báo Pháp đã trích lời nghị sĩ châu Âu Franck Proust, một trong những kiến trúc sư hàng đầu của các quy định mới này, cho rằng châu Âu rốt cuộc đang cố « tìm lại thời gian đã mất » trong một lãnh vực mà các cường quốc thế giới khác đã biết cảnh giác từ lâu. Dù các quy định mới này bao trùm mọi đầu tư nước ngoài vào châu Âu, Les Échos xác định rằng chính các hoạt động trong thời gian qua của Trung Quốc nhằm thâu tóm công nghệ mới của Liên Hiệp Châu Âu là  chất xúc tác thúc đẩy phản ứng của châu Âu.

Bài báo trích một nguồn tin từ Nghị Viện Châu Âu nhận định rằng với kế hoạch « Made in China 2025 », phô bày tham vọng trở thành cường quốc công nghệ và sau vụ mua lại hãng chế tạo robot Kuka của Đức, « Trung Quốc đã trở thành một chất xúc tác và góp phần đẩy nhanh tiến độ thương thuyết » giữa các nước trong Liên Hiệp để tìm cách đối phó. Theo nhật báo Pháp, chính sự thay đổi thái độ của Đức, trước đây rất miễn cưỡng trong  việc giám sát đầu tư ngoại quốc, đã đóng vai trò quyết định. Vào lúc này, hiện chỉ có 14 trong số 28 quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu là có cơ chế quốc gia nhằm giám sát đầu tư nước ngoài.

Quy định mới của châu Âu sẽ thúc đẩy tất cả các quốc gia Liên Hiệp Châu Âu tăng cường hệ thống kiểm tra của mình. Đối với Ủy Ban Châu Âu, việc đề cao cảnh giác đối với Trung Quốc không nên được thực hiện bằng cách hy sinh chính sách cạnh tranh, mà bằng cách yêu cầu Trung Quốc phải áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong mối quan hệ song phương.

Nhật báo La Croix cũng xem việc Liên Hiệp Châu Âu tăng cường giám sát đầu tư ngoại quốc chính là một biện pháp tự vệ chống lại thói háu ăn của Trung Quốc Đối với La Croix, sự gia tăng của các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Liên Âu đã khiến cho ngày càng có nhiều chính trị gia nhận thấy là không nên thụ động, mà không can thiệp.

Xu hướng kiên quyết đặc biệt tăng mạnh vào năm 2016, khi Kuka, một nhà sản xuất robot công nghiệp của Đức, bị công ty Trung Quốc Midea mua lại. Berlin ngay sau đó đã nhận thấy rằng mình cần có phương tiện đối phó, điều mà hai nước Pháp và Ý đã có từ trước đó.

Theo RFI

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here