Ngự Bình/Việt Mỹ
GARDEN GROVE, California (VM) – Vào trưa Thứ Bảy, 5 Tháng Giêng, 2019, tuyển tập “Chôn Lầm Huyệt Nhớ”của Trạch Gầm vừa được ra mắt với đồng hương do Biệt Đội Văn Nghệ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, và nhà thơ Lính Trạch Gầm tổ chức tại hội trường Thư Viện Việt Nam số 10872 Westminster Blvd Suite# 214-215 Garden Grove, California.
Nhà thơ lính Trạch Gầm cho biết: “Thường những người học thức khuyên rằng, muốn sống yên ổn, bình thản thì hãy quên đi quá khứ. Tôi thấy lời nói đó đúng nên tôi mang những quá khứ của tôi tự chôn đi để mình không còn nhớ đến nữa. Nhưng, tôi lại chôn lầm vào huyệt nhớ, thành ra tôi cứ nhớ đến quá khứ của tôi hoài, mà nhớ nhiều nhất là những kỷ niệm trong thời gian tôi chiến đấu chống quân thù cộng sản. Vì thế mới có sách “Chôn Lầm Huyệt Nhớ”.
Lời nói đầu tiên của tác phẩm “Chôn Lầm Huyệt Nhớ” cũng có viết: “Cứ coi là như vầy. Cuộc đời nào, tệ cách mấy khi vượt qua thời gian mà lại không có lúc đạp chân lên niềm vui, nỗi buồn. Quay lưng lại một chút, không ai không gặp lời khuyên: bỏ đi, muốn bình yên tâm hồn thì phải biết chấp nhận những gì mình đang có, và khôn ngoan hơn nữa là chôn vùi đi quá khứ,…” “Làm người khó quá. Biết mà không biết! Tôi cũng đã từng theo lời dạy khôn ngo- an, bao lần đào huyệt mang chôn quá khứ, chôn đi rồi chôn lại, lại cứ chôn lầm vào huyệt nhớ. Với một hiện tại trống bốc. Nỗi nhớ nào lại không luồng tuông. Với “Chôn Lầm Huyệt Nhớ”, biết đâu bạn lại bồi hồi gặp mình trong đó.”
Quyển sách “Chôn Lầm Huyệt Nhớ” dầy 253 trang với 32 mẩu chuyện, 12 bài thơ và bảy bài thơ đã được một số nhạc sĩ có tiếng tăm đã phổ nhạc.
Điều hợp chương trình là Mũ Đỏ Vũ Long Sơn Hải. Nghi thức khai mạc do Biệt Đội Văn Nghệ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đảm trách. Buổi ra mắt sách có phần văn nghệ với sự yểm trợ của Biệt Đội Văn Nghệ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Trước mặt mọi người, Trạch Gầm nói: “ Mỗi buổi sáng tại quán cà phê, có rất nhiều bạn hữu tụ họp. Rồi từ từ cũng thưa thớt dần. Nhưng trong buổi ra mắt sách của tôi, tôi rất vui mừng vì sự hiện diện đông đảo của anh em cựu quân nhân và đồng hương đến dự. Rất cám ơn mọi người.” Và bài thơ đầu tiên trong cuốn sách này là bài “Khưi Tờ Lịch Cũ”. Trạch Gầm lật tác phẩm “Chôn Lầm Huyệt Nhớ”, rồi đọc bài thơ nầy:
Bỗng dưng khưi nhằm tờ lịch cũ
Chợt gặp lại mình tuổi hai mươi
Một lời xin lỗi làm sao đủ
Trút cả tang thương giữa ngậm ngùi.
Thằng lính nào không vào cõi chết
Sống còn, cập mắt buốt niềm đau
Xé trời! Ừ cũng đời ngang dọc
Đào huyệt mang chôn nỗi tự hào.
Lịch cũ vút bay vào nỗi nhớ
Mỗi tờ rớt đụng đoạn đường quen
Vang vang bom đạn ngày chinh chiến
Sông núi ngóng chờ phút bình yên.
Bao thằng tắt nụ cười trai trẻ
Trao lại anh em khúc ân tình
Đáp lời vĩnh biệt mà đau xót
Cứ tưởng mai rồi hết điêu linh.
Chồng tờ lịch cũ trên tờ lịch
Bóc giữa tha phương gởi bạn bè
Bao nhiêu xương máu chồng lên đó
Có gió sương nào không sắc se.
Diễn giả Hoàng Đình Khuê cho biết: “Trong tập sách này có nhiều mẩu chuyện mang tính nhân bản khiến cho người đọc bùi ngùi, xúc động trước nghĩa cử đầy tình người của ngươi flinhs VNCH. Trong tim tác giả ngập tràn yêu thương như yêu tổ quốc, yêu mẹ già, cha yếu, yêu cấp chỉ huy, yêu đồng đội bạn bè, và thậm chí yêu cả kẻ thù bên kia chiến tuyến. Chỉ trừ một điều là tác giả quên yêu chính bản thân của mình… Tác giả ghi lại cuộc đời của mình từ lúc ấu thơ, tuổi học trò, đời lính, đi tù cộng sản, và cuộc đời kẻ lưu vong trên xứ người. Qua mỗi mẩu chuyện, tác giả đã ghi lại những tâm tình cùng người đọc để chia sẻ sự thăng trầm của một kiếp người bất hạnh đã sinh ra trong một thế kỷ mà quê hương, đất nước đầy rẩy chiến tranh tang tóc.”
Cũng theo diễn giả Hoàng Đình Khuê, nhà thơ lính Trạch Gầm thuộc ‘nòi’ giang hồ, lãng tử, bạt mạng, ba gai, lì lợm, bất cần đời, coi cái chết nhẹ như lông hồng. Cho nên phong cách của người lính cầm bút không bị hạn chế bởi ngôn từ, không bị gò bó trong khuôn khổ, văn phong ngắn gọn bình dân.
“Một điểm rất lạ là mặc dù tác giả gốc Quảng Ngãi, nhưng lớn lên ở Sài Gòn, ảnh hưởng phong tục tập quán, văn hóa miền Nam nên lời văn rất là Nam Kỳ đặc. Vì thế, văn của ông bộc trực, thẳng thừng và thích chơi chữ, nói lái, văn tục kiểu ‘Đan Mạch’. Nhưng, lại không thô tục khó nghe, mà trái lại làm cho người đọc thích thú, vì tác giả đã nói đúng sự suy nghĩ của người đọc,” ông Khuê cho biết.
Phần nhiều đồng hương đến dự là cựu quân nhân, trong đó có nhiều người đã từng trong hàng ngũ tác chiến. Vì thế, họ rất yêu thích những vần thơ của Trạch Gầm, vì họ cho rằng, thơ của người lính Trạch Gầm rất là đời thường, rất là bình dân, và nhất là rất là nặc mùi lính chiến. Như chiến hữu Tống Văn Thái, cựu trưởng toán Hector Brovo, thuộc toán xâm nhập đặc biệt vào Bắc Việt đã nói: “Tôi đọc được thơ Trạch Gầm và rất thích những gì anh đã viết ra, những câu chuyện anh kể đều là sự thật, không hư cấu, không trau chuốt hay bịa dặt. Vì thế, đối với tôi, Trạch Gầm là một nhân chứng và còn nhớ rất nhiều về những chiến trận mà anh đã tham dự. Vì thế, tôi đang là bạn của anh.”
Vì Trạch Gầm là một chiến sĩ và cũng là một nhà thơ, mà thơ của anh đã nói lên cuộc đời của những người lính chiến, mạng sống của họ lúc nào cũng kề cận với tử thần! Nhưng, dù có cực nhọc, khổ đau đến mấy thì cũng phải chấp nhận để hoàn thành nhiệm vụ của mình đối với đất nước và dân tộc. Văn thơ của Trạch Gầm cũng nói lên những trăn trở, những ấm ức của các cựu quân nhân VNCH chưa hoàn thành nhiệm vụ của mình là bảo quốc, an dân thì bị lưu đày trong những trại tù của cộng sản.
Ngôn ngữ văn chương của Trạch Gầm không trau chuốt, không hoa hòe, nhưng có sự huyền diệu là đánh thức những chuyện đã xảy ra trên chiến trường ngày xưa để cho các cựu chiến binh hồi tưởng lại những hình ảnh nguy hiểm, cực khổ, gian nan của người đã từng đi chiến đấu. Vì thế, chiến hữu Trần Đắc đã tâm tình: “ Tôi rất yêu thích và kính trọng những vần thơ mộc mạc đó, vì nó đã làm cho tôi rung động khi nhớ đến những lúc cận kề với tử thần trong những lúc đụng độ với địch quân, mà tôi đã không còn nhớ kỷ. Nhưng, khi đọc thơ của Trạch Gầm, những chứng tích đầy nguy hiểm của ngày xưa tự nhiên trở lại trong tâm trí của tôi.”
Những tác phẩm của Trạch Gầm đã xuất bản: Thơ: “Vụn Vặt” (2007), “Ráng Chịu” (2009), “Dấu Giày Chinh Chiến” (2013). Sách: “Bên Lề Cuộc Chiến” (2015), “Nhốt Vòng Nhớ Thương” (2016). “Chôn Lầm Huyệt Nhớ” (2018).