Nguồn : Tài liệu QLVNCH
Tiếp theo kỳ trước
Suốt cả tuần lễ khóa sinh được ăn nhưng không được ngủ. Suốt ngày bị bắt buộc chạy bộ, bơi lội, chèo thuyền. Huấn luyện viên “quấy rầy và hành hạ” thân thể khóa sinh tới mức tối đa. Suốt cả tuần lễ mặc dầu các khóa sinh được cho ăn nhưng không ai ăn uống gì được cả vì quá mệt mỏi, mỗi bữa ăn chỉ ăn được vài miếng mà thôi, phần nhiều khóa sinh chỉ lấy múi cam hay chanh để bỏ vào miệng ngậm cho đỡ khát rồi mau rời bàn ăn để tìm chỗ ngả lưng một lúc. Nhưng khi vừa nằm xuống chưa đầy một phút thì nghe tiếng còi ré lên và phải chạy ngay đến chỗ tập họp, nếu đến trễ phải bị phạt ít nhất là 50 cái hít đất. Nội trong tuần lễ này có từ 50 đến 60% khóa sinh bị loại vì không chịu nổi.
Trong suốt cuộc chiến, số thương vong, tử trận của Liên Đoàn Người Nhái lúc nào cũng cao so với số khóa sinh tốt nghiệp. Do đó, không thể có đủ số khóa sinh để cung cấp, bổ sung cho các đơn vị đang thiếu hụt quân số. Việc đào tạo Người Nhái càng ngày càng khó khăn vì sự nguy hiểm của công tác và sự đòi hỏi quá nhiều yếu tố trong huấn luyện. Do đó, trong các khóa huấn luyện sau này, số người tình nguyện ít hơn so với các khóa đầu. Từ khi thành lập cho đến khi cuộc chiến kết thúc, có đến 60% Người Nhái hy sinh, trong số những người còn sống, có 1/3 được di tản sang Hoa Kỳ.
HỒI KÝ: SANH NAM … TỬ BẮC
Cá Kình Nguyễn Văn Tâm (Kính dâng anh linh các Chiến hữu: – Nguyễn Chuyên – Ðinh Như Khoa – Nguyễn Hữu Thảo và các Chiến hữu đã yên nghỉ trong lòng đất mẹ).
Buổi chiều cuối Hạ bên bờ biển Mỹ Khê, trong ngôi nhà nghỉ mát yên tịnh. Nó không ồn ào rầm rộ như một cuộc hành quân qui mô, nhưng rất quan trọng, tỷ mỷ cẩn thận với những trang bị đặc biệt và mìn định giờ.
Tại căn cứ nầy có anh Ba là người điều khiển và huấn luyện Toán Công Tác cùng với ba người Mỹ tên Bill, Dan và Bob phụ trách kỹ thuật và thực tập. Anh Phan điều khiển và huấn luyện Toán Biệt Hải.
Toán Công Tác người nhái có nhiệm vụ phá hoại gồm bốn người: Tôi (anh Tư) và anh Năm, hai đứa chúng tôi từ Liên Ðoàn 77 Sở Khai Thác Ðịa Hình, còn anh Sáu và anh Bảy do Hải Quân gởi qua. Toán Biệt Hải gồm mười hai người có nhiệm vụ lái tàu hoặc thuyền đưa Toán Công Tác đi hoạt động dẫn đường đi và đón về.
Sau nhiều tháng thực tập, nghiên cứu địa hình, địa thế, không ảnh, kiểm soát lại dụng cụ, hôm nay là thời điểm xuất phát vào cuối mùa Hạ năm 1962.
Dưới ánh sao lờ mờ, một chiếc thuyền lớn trang bị máy chạy dầu với lưới đánh cá nằm gọn dưới cột buồm đangchuẩn bị ra khơi. Thủy bàn gần tay lái. Một chiếc thuyền cao su chưa bơm hơi và chiếc thuyền gỗ nhỏ sức chứa độ mười ngưới. Ở giữa thuyền gỗ có một lỗ vuông thòng xuống nước là chỗ để gắn máy nổ nhỏ cho Toán Công Tác và người hướng dẫn di chuyển trong sông.
Thuyền được cải trang thành thuyền đánh cá của ngư dân trong vùng trên bờ nhìn xuống không thể phân biệt được là thuyền của Toán Công Tác. Toán nầy thương xuy- ên công tác ở Vịnh Hạ Long, Móng Cái, Bạch Long Vĩ.
Toán Công Tác được trang bị gọn và nhẹ gồm: Hai đèn bấm điện tử để liên lạc giữa hai thuyền. Súng lục để tự vệ khi cần. Mìn đặc biệt định giờ có thể sử dụng từ 5 phút đến 30 ngày. Một đơn vị hỏa lực nhỏ cho tập thể sử dụng khi cần để tháo chạy. Màn đêm phủ xuống, những bóng đen bắt tay từ giã trong tiếng “Good luck” của ba anh bạn Mỹ.
Tiếng sóng vỗ nhẹ vào mạn thuyền nghe lách tách,thuyền hướng mũi ra khơi. Bầu trời đầy sao, nhìn quanh là biển cả bao la, với bản tính tự tin, dày dạn với công tác thường xuyên nên một số đã an giấc. Riêng mấy anh em chúng tôi còn ngồi hướng tầm mắt về phía trước tuy chưa phải lúc cảnh giác địch vì một đêm và một ngày sau thuyền mới tới địa điểm công tác. Mặc dù vậy, chuyến đi bí mật vào đất địch, đầu óc luôn suy nghĩ kỹ lại những việc phải làm trong đêm mai. Ðang triền miên suy nghĩ, có tiếng nhắc nhở các anh nên nghỉ đi để đêm mai mà công tác chứ.
Xem tiếp kỳ tới