Một thầy giáo nghệ thuật người Anh đã dành 20 năm cuộc đời mình để chăm sóc những chú voi mù xa lạ, ở cách quê hương ông nửa vòng trái đất. Không chỉ chăm sóc nơi ăn, chốn ở và dành cho chúng sự tôn trọng, thầy giáo người Anh này còn tìm ra một cách đặc biệt để an ủi tâm hồn của loài vật hiền lành nhất trái đất này: Chơi những giai điệu cổ điển bằng piano cho những chú voi. Người Anh yêu quý những chú voi ấy có tên Paul Barton, một nghệ sĩ piano tài năng. Ông đến Thái Lan vào năm 1996 và gắn bó với đất nước này kể từ đó. Paul làm việc trong một trại cứu hộ đặc biệt dành cho loài voi mang tên Elephants World, bên bờ sông Kwai. Ông đã dành trọn thời gian của mình để chăm sóc cho các chú voi già ở đây. Những cá thể voi trong trung tâm này đa phần đều đã già và đã trải qua một cuộc sống khó khăn giữa con người.
Cuộc sống khốn khó của những sinh vật hiền lành nhất hành tinh
Loài gỗ tếch của Thái Lan là một trong những loài gỗ quý nhất trên thế giới. Đó là lý do tại sao, từ năm 1975 đến 1986, Thái Lan đã mất đi 28% diện tích rừng che phủ của mình. Những chú voi cũng mất đi ngôi nhà thân yêu của chúng. Hơn thế, người Thái đã sử dụng voi như những “lao động” quan trọng trong việc khai thác gỗ. Chúng phụ trách chuyên chở những thân gỗ lớn ra khỏi rừng. Đến năm 1989, chính phủ Thái Lan chính thức ra lệnh cấm đối với các hoạt động khai thác gỗ trên toàn đất nước. Đó là lý do tại sao, những chú voi trở thành “thất nghiệp”. Chúng đối mặt với cuộc sống chênh vênh: Phần lớn chúng bị mù do đặc thù công việc và hầu hết không còn khả năng sinh tồn trong môi trường tự nhiên khắc nghiệt.
Những trại cứu hộ như Elephant World được lập nên với mục đích chính là cưu mang những chú voi tội nghiệp này.
Một buổi biểu diễn đặc biệt
Nhân dịp sinh nhật 50 tuổi của mình, cũng là sau khoảng thời gian hơn 20 năm gắn bó với trại cứu hộ, Paul mong muốn được hoàn thành ước nguyện lớn: Ông muốn chơi nhạc để dành tặng cho những chú voi bị mù. Ông cho biết, ý tưởng về buổi biểu diễn đặc biệt này không chỉ để gây quỹ. Nó còn chứa đựng trong đó tấm lòng mà ông muốn gửi đến những chú voi này.
Ý tưởng này đến từ đâu
Paul Barton đã kể lại trải nghiệm đặc biệt của mình với một chú voi trong trại cứu hộ, đó cũng chính là khởi nguồn cho dự án “chơi nhạc cho voi” của ông. Paul đã có kinh nghiệm làm việc với những trẻ em mù. Ông đã tận mắt chứng kiến tác động kỳ diệu của âm nhạc lên những đứa trẻ có khiếm khuyết về thị giác. Từ đó, ông có ý tưởng tại sao không làm điều tương tự với những chú voi trong khu cứu hộ này. Chúng cũng đã mất đi đôi mắt khi làm việc cho con người. Paul đã cân nhắc rất nhiều về thể loại âm nhạc ông lựa chọn để chơi cho những chú voi. Quyết định cuối cùng dừng lại ở âm nhạc cổ điển, với những tác phẩm của Bethoven. Paul đã thử nghiệm ý tưởng này với một cô voi già có tên Plara. Đó là một cô voi cái thông minh, Paul nghĩ rằng cô voi này chắc hẳn sẽ đánh giá cao những giai điệu mà ông sẽ đàn. Và Paul đã không nhầm. Thông thường loài voi không chú ý đến điều gì khác khi chúng đang dùng bữa.
Giống với những chú chó, loài voi thường ăn uống rất tập trung, bởi chúng không biết rằng lần tới mình còn có thể được ăn như thế này nữa hay không. Vậy nên hầu như không một loại tác động nào từ bên ngoài có thể lôi kéo những con vật đồ sộ này khi chúng ăn. Vậy mà, vào một buổi sớm, Paul đã mang một cây đàn piano đến trại cứu hộ. Sáng hôm ấy, Plara đang hạnh phúc thưởng thức những búp măng tre non ngon ngọt. Như thường lệ, nó không còn thiết gì tới xung quanh. Paul biết điều đó, nhưng ông vẫn ngồi vào cây đàn của mình và bắt đầu chơi nhạc của Bethoven:
“Có một nhánh măng tre đang ăn dở rơi ra từ miệng của Plara trong khi nó nhìn tôi một cách chăm chú. Đó là phản ứng mà tôi chưa bào giờ nhìn thấy trước đây. Một con voi ngừng ăn vì âm nhạc”.
Một lời xin lỗi dịu dàng và thật chân thành
Bạn hãy thử tưởng tượng, khi một đứa trẻ bị bạo hành lúc còn thơ bé, những ký ức đau thương ấy sẽ theo chúng đến hết cuộc đời. Và loài voi cũng vậy. Chúng mang theo những đau khổ, những điều tồi tệ mà chúng đã trải qua khi phục vụ cho con người theo suốt cuộc đời. Đây chính là lý do, Paul muốn làm điều gì đó cho những chú voi. Ông chia sẻ, khi ông chơi những bản nhạc cổ điển – những giai điệu bất hủ mà con người đã may mắn được lắng nghe hàng trăm năm nay, những giai điệu êm dịu và đẹp cho những chú voi mù, lần đầu tiên biết âm nhạc là gì, phản ứng của những chú voi thực sự tuyệt vời. Trong lúc chơi nhạc, Paul đã tạo nên một
sự liên kết (tuy vô hình) với những chú voi. Họ dường như có thể giao tiếp với nhau, không bằng tiếng của loài voi, cũng không bằng tiếng của loài người. Trong những bản nhạc của Bethoven, có một điều gì đó tuyệt đẹp đã nối kết Paul với những chú voi, đó là một cảm giác không thường được biết đến trong thế giới hiện thực này. Dù đang phải chịu căn bệnh đau lưng, nhưng Paul Barton vẫn mang cây đàn piano của mình lên núi, đến với nơi những chú voi mù thường tụ tập ăn sáng để chơi đàn cho chúng. Và động lực lớn nhất để Paul làm được những buổi diễn này chính là: ông muốn gửi đến những chú voi một
lời xin lỗi. Con người đã sử dụng những chú voi trong chiến tranh, rồi dùng chúng để phá hủy chính ngôi nhà thân yêu của chúng – những cánh rừng. Chứng kiến những điều này, Paul đã tự hỏi, ông có thể làm điều gì, dù là nhỏ bé để nói lời xin lỗi chân thành đến những chú voi, vì tất cả những điều tồi tệ mà con người đã gây ra. Và ông đã tìm thấy câu trả lời trong âm nhạc. Ông sẵn sàng mang nỗi đau thể xác cho riêng mình, đổi lại, ông muốn được tiếp tục chơi đàn cho những chú voi, giúp chúng cảm nhận được những điều ngọt ngào trong thế giới này. Vậy là, tiếng nhạc từ ấy vẫn vang lên trong không gian xanh ngát, khi những chú voi vui vẻ thưởng thức bữa sáng của mình. Hy vọng rằng, những chú voi được hạnh phúc khi nhận lời xin lỗi dịu dàng và rất chân thành này. Xin cảm ơn Paul Barton, cảm ơn trái tim tràn đầy tình yêu thương và ngập tràn âm nhạc dịu êm của ông.
Hy Van