Trong không khí sôi động của hàng loạt hoạt động ngoại giao con thoi gần đây liên quan đến Triều Tiên, ngày 31/5, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã thăm Bình Nhưỡng để thảo luận những diễn biến trên bán đảo Triều Tiên.
Trên thực tế, chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga tới Triều Tiên đã được dự tính từ đầu tháng Tư, trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều cũng như trước khi Mỹ và Triều Tiên xác nhận kế hoạch tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh vào ngày 12/6 tới tại Singapore.
Trong chuyến thăm Nga từ 9-12/4 để thảo luận về vấn đề bán đảo Triều Tiên trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lịch sử ngày 27/4, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho đã mời ông Lavrov thăm Bình Nhưỡng để tiếp tục thảo luận việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, cũng như việc thúc đẩy các dự án ba bên với sự tham gia của Triều Tiên và Hàn Quốc.
Ngoại trưởng Nga khẳng định không thể giải quyết hoàn toàn và trọn vẹn vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên chừng nào các biện pháp trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng chưa được dỡ bỏ.Đây là quan điểm rõ ràng ngược với chính sách lâu nay chính quyền Mỹ vẫn theo đuổi về “gây áp lực tối đa” thông qua các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Nga cũng thể hiện ủng hộ hoàn toàn quan điểm của Triều Tiên về phương thức phi hạt nhân hóa từng bước và “có đi có lại,” khi tuyên bố rằng không thể bảo đảm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bằng cách tiến hành liền một mạch, mà cần theo từng giai đoạn và ở mỗi giai đoạn cần có “hành động đáp lại” với động thái phi hạt nhân hóa của Triều Tiên.
Một mặt, thể hiện rằng Nga luôn là người bạn, là đồng minh, là “nước láng giềng thân thiện” của Triều Tiên và sẵn sàng hỗ trợ, ủng hộ Bình Nhưỡng cả về chính trị lẫn kinh tế. Mặt khác, Nga muốn tái khẳng định quan điểm của mình về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, như những gì nước này đã từng thể hiện nhiều năm qua khi tham gia các vòng đàm phán về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Nhìn từ góc độ Triều Tiên, đặt chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga trong bối cảnh các chuyến thăm con thoi của giới chức Triều Tiên đến Nga và Trung Quốc, gần đây, có thể thấy Bình Nhưỡng muốn tái khẳng định quan hệ vững chắc từ lịch sử với hai đồng minh quan trọng này, và cũng tìm kiếm sự ủng hộ của Moskva và Bắc Kinh.
Xét trên quan điểm này, việc Nga ủng hộ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên theo từng giai đoạn và kêu gọi dỡ bỏ từng phần các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên, cho thấy Triều Tiên phần nào đạt được mục tiêu. Với sự ủng hộ của Nga, vị thế của Triều Tiên trên bàn đàm phán về phi hạt nhân hóa rõ ràng có sức nặng hơn.
Cùng với Trung Quốc, Nga dường như là vị khách không mong muốn đối với Mỹ trong cuộc đấu giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jung-un.