Theo dự kiến, lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un và Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh Liên Triều vào ngày 27/4, tại khu vực phi quân sự ở làng Panmunjom, cách Seoul 53km về phía bắc.
Theo mô tả của các phương tiện truyền thông địa phương, cuộc gặp gỡ lịch sử này có thể chấm dứt hơn nửa thế kỷ đối đầu giữa hai miền Nam Bắc.
Chiến tranh giữa hai miền Nam – Bắc Hàn nổ ra vào năm 1950, và cho đến nay vẫn trong tình trạng chiến tranh vì cuộc xung đột giữa hai miền 1950-1953 kết thúc bằng một vụ ngừng bắn, chứ không phải bằng một hiệp định hòa bình.
“Cánh cửa hòa bình” bất ngờ hé mở khi vào đêm trước ngày diễn ra Thế vận hội mùa đông 2018 tại PyeongChang, Nam Hàn, hai quốc gia cùng đồng ý thành lập một đội khúc côn cầu nữ và đồng ý diễu hành dưới chung một lá cờ tại Thế vận hội.
Có thể, với thế giới “cánh cửa hòa bình” đang dần mở ra ở bán đảo Triều Tiên, nhưng đối với người Việt Nam có lẽ sẽ nghĩ khác. Đơn giản, là người Việt Nam cũng từng trải qua thời kỳ chiến tranh giữa một bên quốc gia và một bên cộng sản. Họ (người Việt Nam) từng rất nhiều lần nghe, từng thấy và đọc được những hiệp định hứa hẹn hòa bình…và cuối cùng họ nhận ra rằng, “cộng sản khi vào bước đường cùng cái gì cũng hứa, nhưng khi có cơ hội là lập tức trở mặt…”.
Không có gì ngạc nhiên, mặc dù có những dấu hiệu hòa bình đấy, nhưng Hoa Kỳ và một số nước vẫn kêu gọi siết chặt cấm vận Bắc Hàn.
Hay nói một cách chính xác Hoa Kỳ cũng đã “thuộc lòng bài học hứa hẹn” của cộng sản. Nói tóm lại, phải thấy cụ thể rõ ràng mới tin.
Trở lại với vấn đề Nam – Bắc Hàn
Những dấu hiệu hòa bình
Có thể nói rằng, Bắc Hàn đã có một thái độ “khiêm nhường” đáng ngạc nhiên, khi mới đây có thông tin cho rằng, Bắc Hàn muốn “giải trừ hạt nhân toàn diện” và không mưu tìm các điều kiện như trước tiên quân đội Mỹ phải rút khỏi Nam Hàn, hãng tin Reuters trích lời Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in cho biết.
Ông Moon nói rằng “Bắc Hàn đang thể hiện thiện chí giải trừ hạt nhân toàn diện”
“Họ không gắn bất kỳ điều kiện nào mà Hoa Kỳ không thể chấp nhận, chẳng hạn như việc rút binh sĩ Mỹ khỏi Nam Hàn. Tất cả những gì họ thể hiện là việc chấm dứt các chính sách thù địch chống lại Bắc Hàn, và họ muốn được bảo đảm an ninh.”
Một thông tin khác cũng gây chú ý đến từ cố vấn an ninh quốc gia phủ tổng thống Nam Hàn Chung Eui Yong.
Theo ông Chung Eui Yong, thì Washington và Seoul đang thảo luận về phương án thay thế thỏa ước đình chiến có hiệu lực từ năm 1953 bằng một quy chế khác «chính thức tuyên cáo chiến tranh chấm dứt ». Tuy nhiên, đây là một vấn đề quan trọng, không chỉ tùy thuộc vào Hoa Kỳ và Nam Hàn, mà còn phải « thương lượng gay go » với Bắc Hàn.
Sáng kiến trên được cố vấn an ninh Nam Hàn Chung Eui Yong và cố vấn an ninh Hoa Kỳ Jonhn Bolton bàn thảo. Tổng thống Donald Trump cũng đã lên tiếng ủng hộ tổng thống Nam Hàn «đề cập đến hiệp ước hòa bình» nhân thượng đỉnh Nam – Bắc Hàn sắp tới.
Cánh cửa mở ra hay đóng lại đang nằm trong tay Bắc Hàn
Có nhiều bình luận cho rằng, hình ảnh một nhà nước Iraq, Lybia hay Syria… đang còn đó, và Bắc Hàn sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân của mình. Bắc Hàn có thể hoàn toàn chọn con đường đó. Tuy nhiên, khi Bắc Hàn đã ít nhiều đã phát đi thông điệp hòa bình, có nghĩa Bắc Hàn đang ở bước đường cùng, và ngay cả đàn anh Trung Quốc cũng đang bị “tơi tả” vì lệnh cấm vận của Hoa Kỳ, thì việc Bắc Hàn tìm cho mình một con đường an toàn hơn là điều hợp lý.
Theo Reuters đưa tin, ông Moon Chung-in, cố vấn đặc biệt về an ninh và đối ngoại của Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in, cho hay ông hy vọng hội nghị thượng đỉnh sắp tới giữa hai lãnh đạo Nam – Bắc Hàn sẽ đạt được những kết quả tích cực.
Ông Chung-in cho biết thêm, Tổng thống Moon Jae-in có thể sẽ đệ trình một tuyên bố hòa bình chính thức với Bắc Hàn lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào tháng 9 tới nếu đôi bên đạt được thỏa thuận lịch sử này
“Miễn là cam kết giải trừ hạt nhân của Bình Nhưỡng đáng tin cậy, họ sẽ nhận lại những khích lệ về nhiều lĩnh vực trong đó có kinh tế, quân sự, chính trị và ngoại giao”, ông Chung-in nói.
Ông Chung-in cho hay, Hoa Kỳ đồng minh chính của Nam Hàn, có thể cũng sẽ có những nhượng bộ: “Nếu Bắc Hàn sẵn sàng giải trừ hạt nhân hoàn toàn và đáng tin cậy, thì Mỹ cũng như các quốc gia khác trên thế giới sẽ dành cho họ rất nhiều khích lệ”, vị cố vấn Nam Hàn cho biết.
Theo ông Chung-in, những nhượng bộ này có thể bao gồm nới lỏng các lệnh trừng phạt quốc tế, đưa Bình Nhưỡng ra khỏi danh sách tài trợ khủng bố hay Nam Hàn từ bỏ kế hoạch cho Mỹ lắp đặt lá chắn tên lửa. Và một điều không thể thiếu đó là «thiết lập tình trạng hòa bình vĩnh cửu, đánh tan mối lo ngại an ninh của Bắc Hàn, bảo đảm một tương lai tươi sáng », một khi Bình Nhưỡng chọn quyết định đúng đắn.
Tuy nhiên, trong chính trị thì không thể nói trước được điều gì sẽ xảy ra. Nhưng, Bắc Hàn cũng khó có thể chọn cho mình con đường tốt hơn, ít nhất là trong thời điểm hiện nay.
Phương Nghi (tổng hợp)