Syria được đặt trên “chảo lửa”

0
1080

 

Syria bất ngờ bị đặt trên “chảo lửa” khi ngày 7/4/2018, lực lượng phòng vệ Syria, còn gọi là nhóm Những chiếc mũ bảo hiểm trắng (White Helmets) đăng trên Twitter những hình ảnh cho thấy một số thi thể trong tầng hầm trú ẩn, và được cho là bị anh hưởng bới vũ khí hóa học.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, Tướng Joseph Dunford, rời Tòa Bạch Ốc sau khi gặp TT Trump để bàn về Syria, ảnh chụp tại Washington, ngày12/4/2018. REUTERS

Giới truyền thông đưa tin, ít nhất 70 người thiệt mạng trong một vụ tấn công được cho là bằng chất độc thần kinh Sarin ở Douma, Syria.

Hiện chưa có nguồn tin độc lập kiểm chứng vụ việc.

Tuy nhiên, chính quyền Syria một mực phủ nhận và gọi cáo buộc về vụ tấn công hóa học là ‘sự bịa đặt’.

Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học.

Vào tháng 8/2013, tên lửa có chứa Sarin được bắn vào các khu vực quân chống chính quyền Syria chiếm đóng ở đông Ghouta, giết chết hàng trăm người.

Liên Hiệp Quốc đã khẳng định việc Syria sử dụng Sarin, nhưng không nói ai chịu trách nhiệm. Các nước phương Tây nói chỉ có quan đội chính phủ Syria mới có thể tiến hành vụ tấn công.

Vào tháng 4/2017, hơn 80 người chết trong vụ tấn công bằng chất Sarin ở thị trấn Khan Sheikhoun của phe đối lập. Một cuộc điều tra chung của Liên Hợp Quốc và Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) quy trách nhiệm cho chính phủ Syria.

Các nhà hoạt động, giới y học và Mỹ nói rằng quân đội chính phủ Syria đã bỏ bom có chứa chất độc chlorine vào các thị trấn bị quân nổi dậy chiếm đóng vào đầu năm 2018.

Đoàn công tác chung của Liên Hiệp Quốc và OPCW đang điều tra các báo cáo.

Trước đây hai tổ chức này phát hiện quân đội chính phủ đã sử dụng chlorine như một vũ khí ít nhất ba lần trong cuộc nội chiến kéo dài bảy năm.

Sau đó, quốc tế đã đặt ra “lằn ranh đỏ” đối với chính quyền Syria, về vấn đề vũ khí hóa học.

Chính quyền Syria đã bước qua “lằn ranh đỏ”

Hiện nay chưa có kết luận nào xác định chính quyền Syria đã sử dụng vũ khí hóa học, tuy nhiên Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng ông có “bằng chứng” về việc chính phủ Syria tấn công thị trấn Douma bằng vũ khí hóa học.

Tàu ngầm Hải quân Hoàng gia Anh được cho là đã lên đường đến Syria Ảnh: RT

Ông Macron không cho biết nguồn tin ông có được là từ đâu, nhưng nói: “Chúng tôi có bằng chứng rằng các vũ khí hóa học hồi tuần trước, ít nhất là khí chlorine, đã được chính quyền ông Bashar al-Assad sử dụng.”

Tổng thống Macron đe dọa sẽ tấn công Syria, và bất kỳ cuộc tấn công nào cũng sẽ nhắm vào “các nơi có hóa chất” của chính phủ Syria.

Ông Macron nói thêm, “với những chế độ ngỡ rằng họ muốn làm gì thì làm, kể cả những thứ vi phạm luật pháp quốc tế ở mức độ tồi tệ nhất, thì không thể cho phép họ hành động được.”

Ngày 12/4, Thủ tướng Anh Theresa May triệu tập khẩn các thành viên nội các thông báo về diễn tiến rất nhanh về tình hình an ninh thế giới liên quan đến Anh trong tuần qua. Người phát ngôn Văn phòng thủ tướng Anh xác nhận cuộc họp tập trung bàn về căng thẳng Syria.

Nội dung cuộc họp khẩn này không được công khai, tuy nhiên theo Sky News (Anh), có thể bà May muốn các thành viên nội các bật đèn xanh cho Anh tham gia hành động quân sự với Syria – cùng với Mỹ và Pháp – mà không phải chờ sự cho phép của Quốc hội. Theo Sky News, nếu nội các bật đèn xanh, chiến dịch sẽ được bắt đầu chỉ “trong vài giờ”.

Trước đó, ngày 11/4, tờ Telegraph (Anh) dẫn một số nguồn tin chính phủ Anh cho biết quân đội Anh đã triển khai hai tàu ngầm tấn công chất đầy tên lửa hành trình Tomahawk đến Trung Đông, khu vực được cho là nằm trong tầm bắn tên lửa vào Syria, sẵn sàng cho cuộc tấn công Syria, có thể bắt đầu vào trong thời gian rất gần.

Liên quan đến nghi án tấn công hóa học tại vùng Đông Ghouta, Mỹ cảnh báo sẽ có hành động tại Syria bất kể Liên Hiệp Quốc (LHQ) có đồng ý hay không, đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley tuyên bố tại phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an (HĐBA) về Syria ngày 9-4.

Tại phiên họp, bà Haley chỉ trích Nga là bên “gây rối” tình hình Syria khi để mặc chuyện sử dụng vũ khí hóa học xảy ra ở Syria. “Không dừng lại ở những hình ảnh thương tâm về cái chết của trẻ em. Không chỉ dừng lại ở những lời kêu gọi lương tâm. Giờ là lúc thế giới cần phải thấy công lý được thực thi” – bà Haley phát biểu tại HĐBA.

Bà Haley nặng lời chỉ trích rằng “máu của trẻ em Syria” đã vấy lên bàn tay của chính phủ Nga. Bà còn cho rằng “Nga đã không còn khả năng cảm nhận được nỗi xấu hổ”. Ba Haley nhấn mạnh: “Không chính phủ văn minh nào lại giữ bất kỳ liên hệ nào với chính quyền Tổng thống Assad”

Tổng thống Syria – Bashar al-Assadđã không còn ở thủ đô

Báo Mirror của Anh ngày 13-4 dẫn các nguồn tin cho hay Tổng thống Syria Bashar al-Assad hiện ẩn nấp bên trong một boongke quân sự của Nga trong bối cảnh nguy cơ Syria “ăn đạn” của quân đội Mỹ ngày một tăng.

Mỹ hiện có một cơ số tàu chiến mang tên lửa Tomahawk hiện diện trên Địa Trung Hải, bao gồm tàu khu trục USS Donald Cook – Ảnh: US Navy

Các căn cứ quân sự của Syria, các cơ quan tình báo và thậm chí tư dinh của ông Assad được đánh giá có thể cũng nằm trong danh sách đón “mưa tên lửa” của Mỹ và đồng minh.

Tối 12-4, xuất hiện các báo cáo cho biết ông Assad đã rời khỏi dinh tổng thống ở thủ đô Damascus, cùng một đoàn hộ tống quân sự của Nga đi theo để bảo vệ.

Tờ Baghdad Post cho biết đã nhìn thấy các hình ảnh cho thấy ông Assad có mặt tại một công sự ở căn cứ Khmeimim của Nga, thuộc khu vực duyên hải phía tây Syria.

Không có cửa sổ hay rèm cửa xung quanh căn phòng ông Assad trú. Các hình ảnh cho thấy ngồi quanh ông Assad không có một quan chức Syria nào, tất cả đều là người Iran.

Thông tin của tờ báo này nói rằng tổng thống Syria cũng không được phép thực hiện các cuộc gọi điện thoại phòng trường hợp địa điểm trú ẩn của ông bị lộ.

Phản ứng của Nga

Ngày 11/4, Hãng tin NBC News trích lời Đại sứ Nga tại Lebanon – Alexander Zasypkin trong buổi phỏng vấn với kênh truyền hình al-Manar của Lebanon nhấn mạnh: “Các lực lượng Nga sẽ chống lại bất cứ cuộc tấn công nào của Mỹ vào lãnh thổ Syria, bằng việc đánh chặn tên lửa và nơi phóng của chúng.”

Ông Zasypkin cho biết ông chỉ nhắc lại lời đe dọa này theo chỉ đạo của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov.

Tuy nhiên, ông Vassily Nebenzia, đại sứ của Nga tại Liên Hiệp Quốc, cũng thừa nhận “không thể loại trừ” nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Nga.

Nhưng, ông nói với các nhà báo:”Ưu tiên trước mắt là tránh nguy cơ chiến tranh.”

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moscow đã tiếp xúc với Washington, nhưng tình hình rất đáng báo động. “Cầu xin Thượng đế đừng để xảy ra bất cứ hành động mạo hiểm nào ở Syria tiếp theo sau những trải nghiệm tại Libya và Iraq”, ông nói trong một cuộc họp báo.

Trong khi đó, một số nhà lãnh đạo quốc gia tỏ ra rất lo lắng, muốn tránh xảy ra đối đầu giữa Mỹ và Nga.

Minh Khoa (tổng hợp)

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here