Nhiều dự đoán đưa ra trước cuộc gặp thương đỉnh giữa Bắc Hàn và Nam Hàn và Bắc Hàn với Hoa Kỳ đều cho rằng Trung Quốc đã bị cho “chầu rìa”. Những dự đoán này hình như chỉ đúng một phần về sự kiện đã xảy ra, nhưng cái bóng của Trung Quốc đối với Bắc Hàn vẫn còn quá lớn. Mãi cho đến ngày 25/3/2018, cuộc gặp giữa lãnh đạo Bắc Hàn và người đồng cấp Trung Quốc là Tập Cận Bình vẫn còn được dấu kín. Và Trung Quốc đang chứng minh vai trò của mình đối với Bắc Hàn.
Sau khi hãng CNN đưa tin Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump khiến cả thế giới bất ngờ khi chấp thuận lời mời gặp lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un.
Ông Hong Seok Hyun, người từng đóng vai trò đặc sứ cho Tổng thống Nam Hàn Moon Jae In tại Mỹ năm 2017, và là cựu đại sứ Nam Hàn tại Mỹ, cho rằng nếu Mỹ và Bắc Hàn bắt tay nhau thì cả hai đều có lợi.
Có một chi tiết được đưa ra, Bắc Hàn ngay từ thời bố của Kim Jong Un là Kim Jong Il đã không tin Trung Quốc. Do đó, điều này không có gì ngạc nhiên khi Kim Jong Il cảnh cáo về mối nguy hại Trung Quốc.
Thực sự, nhiều quốc gia trên thế giới sau khi lún sâu vào quan hệ thân thiết với Trung Quốc đều bị “vỡ mặt” vì Trung Quốc. Nói tóm lại, họ không tin Trung Quốc.
Bắc Hàn vẫn cảnh giác trước Trung Quốc
Trong một bài viết cho báo Washington Post đăng ngày 14-3, ông Hong Seok Hyun đưa ra những phân tích cho thấy cả Bắc Hàn và Mỹ đều hưởng lợi từ ý tưởng liên minh này.
Ông Hong chỉ ra rằng cố lãnh đạo Bắc Hàn là Kim Il Sung (Kim Nhật Thành) vốn dĩ đã căn dặn những người đi sau hãy cẩn thận với Trung Quốc.
Chi tiết này được ông Hong dẫn lại từ lần gặp Tổng thống Nam Hàn Kim Dae Jung tại cuộc họp liên Triều đầu tiên trong lịch sử ở Bình Nhưỡng năm 2000. Ông Kim Dae Jung gặp ông Kim Jong Il (Kim Chính Nhật) – lãnh đạo Bắc Hàn vào thời điểm ấy.
Theo lời kể của ông Hong, ông Kim Jong Il nói với ông Kim Dae Jung như sau: “Thậm chí khi Bắc Hàn và Nam Hàn thống nhất, tôi đồng ý với ông rằng quân lực Mỹ tại Nam Hàn vẫn nên được duy trì”.
Trong chiến tranh Nam – Bắc Hàn, Trung Quốc đã giúp Bắc Hàn chống lại Mỹ. Tuy nhiên ông Kim Il Sung vẫn cẩn thận với Trung Quốc, và lời khuyên này truyền từ ông Kim Jong Il đến con trai và là lãnh đạo Kim Jong Un ngày nay.
Ông Hong lấy thêm dẫn chứng cho sự “cẩn thận” ấy bằng việc dẫn ra thực tế rằng Kim Jong Un, từ lúc nắm quyền năm 2011 tới nay, vẫn chưa một lần mời người cầm đầu Trung Quốc Tập Cận Bình tới Bình Nhưỡng. Thậm chí năm ngoái, ông Kim Jong Un cũng không gặp gỡ một đặc sứ Trung Quốc mang lá thư của họ Tập sang Bắc Hàn.
Thêm vào đó, ông Hong cho rằng cảm nhận thù địch mà Bình Nhưỡng dành cho Bắc Kinh liên quan tới các biện pháp trừng phạt quốc tế của Liên Hiệp Quốc là điều “ngoài sức tưởng tượng của chúng ta”.
Hơn nữa, Bắc Hàn đang nỗ lực đa dạng hóa khả năng kiếm tiền và nhất là tránh phụ thuộc vào Trung Quốc. Điều này không gì khác cũng là thời cơ cho Mỹ nếu chính quyền ông Trump thuyết phục được Bắc Hàn.
Trong trường hợp ấy, theo ông Hong, Mỹ nên lưu ý tới 4 điều không nên làm: không tìm cách “thay đổi chế độ” hoặc “lật đổ chế độ”, không cố thúc ép quá trình thống nhất hai miền Nam – Bắc Hàn, và không đưa quân đội tới khu vực vĩ tuyến 38 chia cắt giữa Bắc Hàn và Nam Hàn.
Trung Quốc bị gạt ra rìa, và Bắc Hàn sẽ nghiêng về Hoa Kỳ ?
Theo SCMP nhận định, triển vọng đối thoại trực tiếp Mỹ- Bắc Hàn cho thấy Bắc Kinh đã mất đi “đòn bẩy” trong vai trò nhà hòa giải, đặc biệt khi các cuộc gặp giữa Kim Jong Un với ông Moon Jae In và Donald Trump đều đang được dàn xếp mà không hề có phần của Trung Quốc.
Bắc Kinh cũng gần như sẽ bị gạt ra ngoài khỏi tất cả các cuộc hòa đàm tiềm năng trong tương lai, như hệ quả tất yếu của việc Washington, Seoul và Bình Nhưỡng đã thiết lập được liên hệ trực tiếp.
SCMP bình luận, vụ bẽ mặt ngoại giao của Bắc Kinh còn thể hiện đặc biệt ở chỗ, hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim có thể diễn ra trước bất kỳ khả năng gặp mặt nào giữa ông Kim Jong Un và ông Tập Cận Bình – vốn vẫn còn hết sức mờ mịt. Điều này đồng nghĩa, trục quan hệ với Mỹ hiện đã được Bình Nhưỡng đánh giá cao hơn quan hệ với Trung Quốc.
Theo SCMP, ông Kim đang ngày càng cảnh giác trước người láng giềng. Truyền thông quốc tế tin rằng một số vụ thử của Bắc Hàn gần đây được tiến hành nhằm làm bẽ mặt ban lãnh đạo Trung Quốc, ví dụ như vụ thử hạt nhân ngày 3/9 ngay trước hội nghị BRICS tổ chức ở Hạ Môn, Trung Quốc.
Không khó nhận thấy lãnh đạo Bắc Hàn kỳ vọng “chốt” một thỏa thuận với Hoa Kỳ và thoát khỏi “cái bóng” quá lớn của Trung Quốc, nhờ nguồn viện trợ kinh tế hứa hẹn từ Mỹ và Nam Hàn.
Các nhà ngoại giao Trung Quốc có lý do để đánh giá nghiêm túc khả năng hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim có thể là một nỗ lực chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc, giống như Mao và Nixon nối lại quan hệ Mỹ-Trung Quốc năm 1972 trong bối cảnh hai nước cùng mâu thuẫn sâu sắc với Liên Xô.
Trung Quốc không ngồi yên
Sở dĩ Bắc Hàn còn tồn tại cho đến ngày hôm nay là có Trung Quốc chống lưng dù là ngầm hay công khai. Việc Bắc Hàn qua mặt Trung Quốc, tự quyết định tổ chức đàm phán thượng đỉnh với Nam Hàn và Hoa Kỳ khiến thế giới cảm nhận có một điều gì đó bất ổn. Họ không tin rằng, Tập Cận Bình lại chịu khoanh tay ngồi yên nhìn “nhóc tì” Kim Jong Un qua mặt. Và quả thực sự suy đoán của nhiều người đã không sai.
Trong một diễn tiến mới nhất, truyền thông quốc tế đưa tin và hãng thống tấn Bắc Hàn (KCNA) xác nhận lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng phu nhân, bà Ri Sol-ju, đã thăm Trung Quốc từ ngày 25 đến 28/3 theo lời mời từ người cầm đầu Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trung Quốc, bên khởi xướng chuyến thăm của Kim Jong Un, cũng lo ngại bị nằm ngoài lề những đột phá về tình hình Bắc Hàn khi các cuộc gặp thượng đỉnh Nam – Bắc Hàn và Hoa Kỳ – Bắc Hàn sắp diễn ra. Các quan chức Trung Quốc muốn giành lại vai trò trung tâm trong các nỗ lực ngoại giao. “Trung Quốc muốn trở lại cuộc chơi. Bắc Kinh không thích bị nằm ngoài lề”, Paul Haenle, người đứng đầu Trung tâm Carnegie Tsinghua ở Bắc Kinh, đánh giá.
“Chuyến thăm của Kim đến Bắc Kinh chứng minh cho tất cả các nước có liên quan rằng Trung Quốc là bên giữ vai trò trung tâm trong địa chính trị Đông Bắc Á và bất kỳ giải pháp nào về Bắc Hàn cũng sẽ cần sự chấp thuận của Trung Quốc,” Dennis Wilder, cựu cố vấn châu Á cho George W Bush, nhận xét.
Phương Nghi (tổng hợp)