Lạm bàn về thông điệp liên bang của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump

0
1322

Tổng thống Mỹ Donald Trump đọc Thông điệp Liên bang ngày 30.1.2018

Lạm bàn về thông điệp liên bang của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump

Ngày 30/1/2018, lần đâu tiên, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đọc thông điệp liên bang. Sở dĩ thông điệp được các giới bình luận, các chính trị gia, và người dân đều quan tâm vì chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu người kể cả công dân dân Mỹ lẫn người không phải công dân Mỹ, chẳng hạn như chính sách nhập cư, hoặc bãi bỏ hay giữ lại một phần hay toàn phần chương trình ObamaCare, chính sách thuế, và tất nhiên không thể thiếu vấn đề kinh tế, thương mại, an ninh quốc phòng, chính sách đối nội đối ngoại…trong phạm vi bài viết, chúng tôi không thể nêu lên và phân tích tất cả các sự kiện.Chúng tôi chi nêu ra một cách khái quát chung.

Tuy nhiên, có một khẩu hiệu mà đi đến đâu ông Trump cũng kè kè theo bên mình đó là “Nước Mỹ trước tiên”.

Trong một đoạn được CNN mô tả lại, trong bài phát biểu kéo dài 80 phút, Ông Trump nhấn mạnh rất rõ chính sách “nước Mỹ trước tiên” trong bài phát biểu. Suốt 60 phút đầu, Trump hoàn toàn nói về chính sách đối nội như cắt giảm thuế, kinh tế, thương mại, cải cách quy định, nhập cư. Đến gần cuối bài phát biểu, ông Trump mới nói về vị thế của Mỹ trên thế giới.

Tổng thống đã phát đi một tín hiệu rất rõ ràng: Nước Mỹ trước tiên không phải là khẩu hiệu nói suông. Ông đang tập trung vào việc biến nó thành chính sách thực tế.

Những điểm đáng quan tâm trong thông điệp của ông Trump

Trong năm đầu nhiệm kỳ, ông Trump đã đảo ngược nhiều chính sách của Obama và một trong những điều được hàng triệu người dân quan tâm đó là việc nhắc lại việc bãi bỏ ObamaCare và nhận được tràng vỗ tay kéo dài từ các thành viên đảng Cộng hòa, trong khi các nghị sĩ đảng Dân chủ ngồi trầm ngâm.

Một vấn đề khác là chính sách nhập cư. Ông Trump cho rằng “lỗ hổng” trong chính sách nhập cư tạo điều kiện cho những tội phạm nước ngoài vào Mỹ, gây ảnh hưởng đến an ninh và an toàn của người dân.

Ông Trump vạch ra kế hoạch nhập cư gồm bốn điểm chính.

– Thứ nhất, chính phủ sẽ xây dựng một lộ trình nhập tịch cho 1,8 triệu người nhập cư bất hợp pháp được cha mẹ đưa tới Mỹ từ khi còn nhỏ. Theo Reuters dẫn lời ông Trump, lộ trình này kéo dài từ 10 -12 năm.

– Thứ hai, kiểm soát toàn diện biên giới, tức là xây bức tường dọc biên giới với Mexico và tuyển thêm nhân viên an ninh để giúp cộng đồng được an toàn.

– Thứ ba, chấm dứt chương trình “xổ số thẻ xanh” – cấp thị thực ngẫu nhiên cho người nhập cư mà không cân nhắc đến năng lực, chuyên môn và mức độ an toàn đối với người dân Mỹ.

“Đã đến lúc bắt đầu tiến tới một hệ thống nhập cư dựa trên các tiêu chuẩn đối với người có kỹ năng, muốn làm việc, sẽ cống hiến cho cho xã hội, đồng thời yêu quý và tôn trọng đất nước này”, ông Trump phát biểu.

– Cuối cùng là bảo vệ các gia đình hạt nhân bằng việc chấm dứt chương trình “chuỗi di cư” – chương trình cho phép người thân ruột thịt của người nhập cư cũng được đến Mỹ.

Về vấn đề quốc phòng, Tổng thống Trump đề nghị hiện đại hóa và tái xây dựng kho vũ khí hạt nhân nhằm gia tăng sức mạnh răn đe trước bất cứ hành động gây hấn nào.

Về vấn đề đối ngoại, Tổng thống Trump nhấn mạnh: “Chúng ta đang tái thiết sức mạnh và lòng tin ở trong nước, đồng thời khôi phục sức mạnh và vị thế ở bên ngoài”.

Ông mô tả những đối thủ như Trung Quốc và Nga là những thách thức đối với nền kinh tế và các giá trị của nước Mỹ; kêu gọi sửa đổi thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức).

Phản ứng của dư luận sau Thông điệp Liên bang của Tổng thống Trump

Các quan chức Hoa Kỳ nghe Tổng thống Trump đọc Thông điệp liên bang
Ảnh REUTERS

Theo kết quả của cuộc thăm dò dư luận tại Mỹ được công bố ngay sau khi Tổng thống Trump đọc Thông điệp Liên bang cho thấy đại đa số cử tri Mỹ bày tỏ sự ủng hộ đối với bài phát biểu này.

Cụ thể, tại Washington dẫn kết quả cuộc thăm dò với 1.178 cử tri do CBS News thực hiện cho biết, khoảng 80% cử tri cho rằng ông Trump đã cố gắng truyền đi thông điệp kêu gọi người dân Mỹ đoàn kết, chứ không phải sự chia rẽ.

Bài phát biểu của ông Trump giành được sự ủng hộ của 97% cử tri của đảng Cộng hòa, 72% cử tri độc lập và 43% cử tri của đảng Dân chủ. Kết quả này trái ngược với cuộc thăm dò được tiến hành vào đầu tháng 1, theo đó chỉ có 33% cử tri độc lập và 7% cử tri của đang Dân chủ ủng hộ những việc mà Tổng thống Trump đang làm.

Cũng theo kết quả thăm dò trên, 60% người tham gia cho biết bài phát biểu khiến họ cảm thấy tự hào, 35% nói rằng cảm thấy an toàn hơn, 21% cảm thấy tức giận và 14% cảm thấy sợ hãi. Với các chính sách được đưa ra trong bài phát biểu, 91% cử tri ủng hộ kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 1,5 nghìn tỷ USD, 75% ủng hộ kế hoạch an ninh quốc gia và 72% bày tỏ ủng hộ đề xuất về vấn đề nhập cư của Tổng thống Trump.

Về kinh tế, 76% cử tri ca ngợi những đóng góp của ông Trump đối với những thành quả bước đầu của nền kinh tế Mỹ trong vòng một năm qua.

Khác với các cuộc thăm dò dư luận truyền thống, cuộc thăm dò này được tiến hành với 42% cử tri của đảng Cộng hòa, 33% đảng độc lập và 25% đảng của đảng Dân chủ.

Phản ứng trái chiều của giới truyền thôngvề Thông điệp Liên bang của Tổng thống Trump

Trong một phản ứng tích cực, cây bút của tờ Wall Street Journal, Rebecca Ballhaus nhận định Tổng thống Trump đã thể hiện tinh thần lạc quan trong Thông điệp Liên bang khi kêu gọi người dân Mỹ ​“mơ về mọi thứ​“ và ​“tin ở chính mình,” đồng thời kêu gọi sự đoàn kết bằng cách nói về ​“một gia đình Mỹ.”

Cùng quan điểm trên, một cây bút khác của tờ báo này, ông Jacob M. Schlesinger cho rằng việc Tổng thống Trump nhắc đến những thành quả cũng như sức mạnh kinh tế Mỹ trong năm đầu nhiệm kỳ cho thấy Thông điệp Liên bang của ông khá lạc quan.

Trong bài viết có tiêu đề “Người thắng kẻ thua sau Thông điệp Liên bang của Trump,” tờ Washington Post bình luận: “Ông Trump đã có một bài phát biểu phô diễn sức mạnh, theo đúng nghĩa đen.”

Báo này cũng kể ra những điểm sáng khác trong Thông điệp Liên bang, lời kêu gọi đoàn kết, làm dấy lên những tia hy vọng về một khởi đầu mới trên chính trường đang tồn tại nhiều chia rẽ, các tuyên bố về cắt giảm thuế, điều mà Washington Post cho là khía cạnh các nhà lập pháp đảng Cộng hòa có cơ hội để tự hào.

Tuy nhiên, theo Washington Post, Thông điệp Liên bang đầu tiên của ông Trump có nhiều điểm đáng tiếc, cụ thể là những tuyên bố sai sự thật, từ việc Mỹ “là nhà xuất khẩu năng lượng trên thế giới,” cho đến việc ông nói rằng Quốc hội đã thông qua và ký “cải cách và luật cắt giảm thuế lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ”…

Tờ USA Today không đánh giá cao Thông điệp Liên bang trên vì ông Trump đã không nhắc đến những thách thức nghiêm trọng nhất, trong khi tờ Economics and Tax chỉ ra rằng thực tế là “số lượng việc làm được tạo ra trong năm vừa qua thậm chí còn thấp hơn so với giai đoạn cuối nhiệm kỳ của ông Obama.”

Phóng viên Jim Tankersley của Economics and Tax nhận định trong suốt 80 phút, Tổng thống Trump không hề đề cập một từ nào tới việc cắt giảm chi tiêu chính phủ, thay vào đó là những tín hiệu cho thấy mục tiêu tăng chi ngân sách, một điểm rất đáng chú ý trong bối cảnh thâm hụt ngân sách của Mỹ đang gần tới ngưỡng 1.000 tỷ USD.

Cũng chia sẻ quan điểm này, Alan Rappeport, chuyên gia bình luận của tờ Economic Policy, cho rằng dù đây là một Thông điệp Liên bang khá dài, song có nhiều vấn đề vẫn chưa được Tổng thống Trump đề cập, chẳng hạn như bạo lực súng đạn, quan hệ với Nga hay Trung Quốc.

Tóm lại, Bài Thông điệp của ông Trump tuy bị cho là “nặng phần trình diễn” ở lúc đầu, nhưng nội dung thông điệp đã truyền tải khá rõ ràng, đầy đủ vẫn dựa trên nguyên tắc “Nước Mỹ trước tiên”, và đã nhận được sự ủng hộ của đại đa số người dân Hoa Kỳ.

Minh Khoa (tổng hợp)

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here